Giám sát DNNN: Nhiều vi phạm tài chính khó khắc phục

Thứ Bảy, 26/05/2018 09:35

|

(CAO) Hôm qua (25-5), đoàn giám sát của Quốc hội đã có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016.

Nhiều vi phạm đã được nêu ra, trong đó một số vi phạm để lại hậu quả nặng nề, lâu dài, khó khắc phục về tài chính và buộc phải xử lý, kỷ luật cán bộ.

Lách luật để chuyển nhượng đất

Theo khẳng định của đoàn giám sát, hầu hết các doanh nghiệp qua thanh tra, kiểm toán đều vi phạm nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh với các mức độ khác nhau. Việc chấp hành chế độ báo cáo của doanh nghiệp và một số đại diện chủ sở hữu chưa nghiêm, nộp báo cáo tài chính chậm so với thời gian quy định.

Đáng chú ý, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa chấp hành nghiêm túc, không đầy đủ và chưa kịp thời chế độ báo cáo đối với Đề án tái cơ cấu cũng như phương án sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn. Một số DNNN thực hiện thủ tục đầu tư, đấu thầu, mua sắm tài sản không đúng quy định của Nhà nước.

Cùng với đó, tình trạng sai thẩm quyền, sai đối tượng; tình trạng chỉ định thầu của các dự án đầu tư khá phổ biến. Đó là chưa kể đến trình độ quản lý doanh nghiệp yếu kém dẫn đến vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế; huy động, quản lý, sử dụng vốn đầu tư dàn trải, tùy tiện, đầu tư ngoài ngành, ngoài doanh nghiệp không đúng quy định, góp vốn dàn trải dẫn đến lãng phí, thiếu hiệu quả, một số dự án đầu tư ngoài ngành tỷ suất lợi nhuận thấp, khả năng mất vốn cao.

Phiên tòa xét xử PVN góp vốn vào Oceanbank dẫn đến mất 800 tỷ đồng của PVN

Điển hình, Tập đoàn Công nghiệp - Than Khoáng sản Việt Nam đầu tư ra nước ngoài không có hiệu quả, dẫn đến có khả năng bị thiệt hại 363,3 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư vào Oceanbank có giá trị đầu tư vốn 800 tỷ đồng hiện chỉ còn 0 đồng. Tính đến ngày 30-11-2015, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam có số dư đầu tư chứng khoán kinh doanh và đầu tư tài chính dài hạn là 2.053 tỷ đồng, trích lập dự phòng 200,2 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 9,75%).

Hoạt động đầu tư tài chính vi phạm nghiêm trọng gây mất vốn hoặc thiệt hại lớn… cũng được đoàn giám sát làm rõ. Ví dụ , đầu tư tài chính dài hạn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam vào 5 công ty (Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP phân đạm và hóa chất Hà Bắc, Công ty CP DAP-Vinachem, Công ty CP DAP số 2 – Vinachem, Công ty TNHH Hóa chất và muối mỏ Việt Lào) với tổng vốn đầu tư là 6.836,75 tỷ đồng, chiếm 53,8% tổng vốn đầu tư tài chính, đang tiềm ẩn nguy cơ khó thu hồi vốn.

Một số DNNN chuyển nhượng đất được Nhà nước cho thuê dưới hình thức góp vốn liên doanh, hợp tác đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất, sau đó thực hiện thoái toàn bộ phần vốn góp, thực chất là hình thức lách luật để chuyển nhượng đất.

Hoạt động này cùng với những bất cập, thiếu minh bạch trong việc xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn của doanh nghiệp, xác định giá trị quyền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các địa phương đã tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân liên quan trục lợi, tham nhũng, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Xác định sai lệch giá trị khi cổ phần hoá

Về vi phạm nguyên tắc thị trường, theo báo cáo giám sát, có nơi, có lúc giá mua, giá bán chưa dựa trên quan hệ cung cầu, chưa lường trước được những thay đổi của thị trường. Ví dụ, giá khí trong bao tiêu bán cho các nhà máy điện theo hợp đồng dài hạn đã ký với nhà đầu tư, giá bán điện ưu đãi cá biệt cho doanh nghiệp tư nhân thấp hơn nhiều so với giá bán bình quân.

Nguyên tắc quản trị doanh nghiệp cũng bị vi phạm khi công tác tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ không tốt, vi phạm điều lệ doanh nghiệp, quy chế làm việc của Hội đồng quản trị, Ban giám đốc… Có tình trạng hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp bị tê liệt không có phản ứng trước vi phạm của một số cá nhân. Người đứng đầu doanh nghiệp, cán bộ quản lý tại một số doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu cố ý làm trái, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Một số vụ việc tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật nghiêm trọng ở DNNN gây hậu quả không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng đến uy tín của DNNN, chẳng hạn như vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Nam…

Công tác quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DNNN cũng còn nhiều vi phạm như: Quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn đến nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn (Năm 2013: 11/27 TĐ, TCT được kiểm toán có nợ quá hạn từ 50 đến 9.650 tỷ đồng; 11 TĐ, TCT có nợ khó đòi từ 39 đến 657 tỷ đồng).

Nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi (5 TCT với số tiền từ 5 tỷ đến 32 tỷ đồng... trong năm 2013. Nợ nội bộ lớn, kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm (năm 2014 Công ty CP Cơ khí Xây dựng Tân Định nợ TCT vật liệu xây dựng số 1 - TNHH MTV là 18,5 tỷ đồng từ năm 2011).

Bên cạnh các vi phạm trên, báo cáo còn nêu rõ những tồn tại, hạn chế và một số vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Các vi phạm chủ yếu được nhắc đến là công tác xử lý tài chính trước và trong quá trình cổ phần hoá còn có trường hợp chưa chặt chẽ, sai nguyên tắc, sai chế độ; đánh giá không chính xác giá trị tài sản; sai sót trong việc xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính... đã dẫn đến xác định sai lệch giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá.

Được biết, từ năm 2012 - 2016, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa của 17 doanh nghiệp, đã xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước 22.356,7 tỷ đồng, giảm giá trị thực tế vốn nhà nước 125,2 tỷ đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang