Cho phép phá sản doanh nghiệp Nhà nước nếu để thua lỗ

Thứ Ba, 08/11/2016 21:42  | Thái Dương

|

(CAO) Với 82,39% phiếu tán thành trên tổng số 407 đại biểu Quốc hội tham dự, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Quan điểm của tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 là phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng; xây dựng Nhà nước kiến tạo, cơ chế thị trường ngày càng giữ vai trò quyết định trong việc huy động và tranh thủ các nguồn lực phát triển; xây dựng mục tiêu, chi tiêu cụ thể, có những giải pháp đột phá, có trọng tâm trọng điểm; chủ động hội nhập quốc tế; thúc đẩy phát triển tăng trưởng xanh và bền vững…

Mục tiêu của kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn tới là giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP. Quy mô nợ công hằng năm giai đoạn 2016-2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Tỷ trọng đầu tư Nhà nước khoảng 31-34% tổng đầu tư xã hội. Tỷ lệ nợ xấu thực tế trong nền kinh tế xuống mức dưới 3%; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, thị trường trái phiếu đạt 30% GDP.

Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 4 nước ASEAN phát triển nhất (ASEAN – 4).

Quốc hội cũng yêu cầu thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn Nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư.

Ngoài ra còn có một số mục tiêu cụ thể như đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu của Quốc hội là trước 2019 phải hoàn thành cơ cấu lại ba trọng tâm, gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng, để tập trung nguồn lực triển khai cơ cấu lại các lĩnh vực khác.

Trong nghị quyết nêu rõ xử lý dứt điểm các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp.

Quốc hội cũng đặt ra yêu cầu về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật hỗ trợ, đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; nâng cao năng lực của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) để mua, bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ, đồng thời bố trí nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu; Xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại

Bình luận (0)

Lên đầu trang