(CAO) Những ngày qua, dư luận rúng động trước việc lâm tặc tàn phá rừng pơ mu (gần 50 m3) đặc biệt quý hiếm tại vùng biên giới của huyện Nam Giang (Quảng Nam) giáp với Lào trong khi cơ quan chức năng gần cạnh.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, tỉnh Quảng Nam khẩn trương điều tra làm rõ, xử lý những sai phạm liên quan. Điều này khiến “vương quốc pơ mu” tại huyện Tây Giang (giáp huyện Nam Giang) cũng “đứng ngồi không yên”, lo lắng trong công tác bảo vệ rừng pơ mu nói chung cũng như 725 cây pơ mu được công nhận là “Cây di sản” (có đường kính từ 2,4 m trở lên..
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Linh - Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, từ trước tới nay, lãnh đạo huyện chỉ đạo tăng cường thực hiện nghiêm chỉ thị 01 của UBND tỉnh Quảng Nam trong việc quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, sau sự việc “phá rừng pơ mu nghiêm trọng tại huyện Nam Giang”, lãnh đạo huyện Tây Giang cũng đã có họp các đồng chí chủ chốt tại các địa phương để tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong đó đặc biệt chú trọng đến rừng pơ mu.
Theo đó, huyện tiếp tục chỉ đạo cụ thể, xây dựng phương án, phân công cụ thể cho từng ban quản lý, hạt kiểm lâm, các tổ đội, người dân tham gia bảo vệ rừng, trong đó có rừng pơ mu…
Một góc Pơ mu trong rừng ở Tây Giang - Ảnh: Xuân Hoài
“Đây là hồi chuông cảnh báo cho huyện Tây Giang, bởi rừng pơ mu của Tây Giang có 725 cây được công nhận là “Cây di sản”. Đây không chỉ là vinh dự mà là trách nhiệm nặng nề của địa phương và cả nhân dân. Tài sản đây không còn là của Tây Giang mà là của cộng đồng, của Việt Nam. Bởi thế, không chỉ chính quyền địa phương mà cả toàn dân tham gia bảo vệ rừng”, ông Linh chia sẻ.
Theo ông Linh, để duy trì và bảo vệ nghiêm ngặt rừng pơ mu, không chỉ giữ được khu rừng nguyên sinh pơ mu hiếm có mà còn có cơ hội để phát triển dịch vụ, văn hóa sở tại. “Người dân là chủ thể bảo vệ rừng. Tây Giang có 60% diện tích rừng bao phủ, nên rừng là của nhân dân, chính nhân dân bảo vệ nghiêm ngặt thì hiệu quả mới cao, mới hạn chế tối đa nạn lâm tặc phá rừng. Còn cơ quan chức năng là đơn vị phối hợp, có cơ chế chính sách, hỗ trợ phù hợp”, ông Linh nhìn nhận.
“Tuy nhiên, sau vụ lâm tặc phá rừng pơ mu tại huyện Nam Giang, thú thực huyện Tây Giang cũng đang lo sốt vó đến rừng pơ mu trên địa bàn huyện. Nhà nước cần có cơ chế đặc biệt cho khu rừng này, bởi thế, huyện cũng đã họp và xét thấy đủ tiêu chuẩn, tiêu chí để lập hồ sơ công nhận rừng đặc dụng hay khu bảo tồn, thậm chí là vường quốc gia. Từ đó, chức năng quản lý việc bảo vệ rừng được nâng cao hơn, sẽ hạn chế hơn nữa việc phá rừng, đặc biệt liên quan đến những cây di sản đã được công nhận”, ông Linh kiến nghị.
Già làng Clâu Blao (trú thôn Vòng, xã Trà Hy) cho biết, cây Pơ mu theo tiếng Cơ Tu là Hynghee. Đây được xem là cây thiêng, nên từ xưa, đồng bào chỉ dùng để làm quan tài (hòm) khi có người tạ thế. Còn làm nhà, bàn ghế, hay những vật dụng trong gia đình thì họ không bao giờ đụng đến. Đây là một loài cây quý và có tính chất linh thiêng nên đồng bào ai cũng muốn gìn giữ cây này như báu vật của làng.
“Thế mà gần đây, sự tàn phá rừng pơ mu tại Nam Giang khiến chúng ta rất đau lòng. Còn ở Tây Giang chúng ta cũng cần hết sức cảnh giác”, già làng Clâu Blao lo lắng.
Một gốc pơ mu được đánh dấu để bảo tồn - Ảnh: Xuân Hoài
Ông Hốih Mia- Bí thư Chi bộ Ga Ninh (xã A Xan) được huyện giao nhiệm vụ đội trưởng, bảo vệ khu vực rừng trung tâm khu rừng Pơmu cổ thụ. Theo ông Hốih Mia, để bảo vệ được khu rừng như ngày hôm nay, hàng chục năm qua từng tổ đội họp dân thường xuyên, với quyết tâm “không để một cây Pơmu bị đốn hạ, nếu mất một cây như mất một người thân vậy, nên mỗi người dân nơi đây đều là tai mắt, thương Pơmu như thương chính người thân của mình. Người dân bảo vệ rừng nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà họ không bảo vệ rừng, vì rừng chính là cuộc sống của bà con”, ông Hốih Mia tâm sự.
Với mục tiêu “Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong”, bao đời qua, người dân Tây Giang luôn quyết tâm bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng Pơmu. Tuy nhiên, trước tình hình hết sức phức tạp như hiện nay, nếu không có sự nỗ lực, có cơ chế chính sách phù hợp hơn nữa, khó ai đảm bảo rừng pơ mu tại Tây Giang không bị tàn phá.