Gần 30 khối gỗ Pơ mu quý hiếm hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ ở Quảng Nam

Thứ Năm, 14/07/2016 08:48  | Xuân Hoài

|

(CAO) Chiều tối 13-7, ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết, hiện đang cử lực lượng kiểm lâm phối hợp với công an và các ngành chức năng tiếp tục kiểm tra, thống kê vụ phá rừng Pơ mu (nhóm 2A) đặc biệt nghiêm trọng tại Nam Giang- Quảng Nam. Đây được xem là vụ phá rừng Pơ mu lớn nhất từ trước đến nay tại Quảng Nam.

Theo đó, ngày 8-7, từ các nguồn thông tin có được, Trạm Kiểm lâm Chà Vàl và đồn Công an Chà Vàl cùng lực lượng chức năng đã phát hiện tại bìa rừng thuộc tiểu khu 531 (thuộc BQL Sông Bung), xã La Dê (huyện Nam Giang, Quảng Nam) 28m3 gỗ Pơ mu bị đốn hạ để ngay bìa rừng, chờ thời cơ để đưa về xuôi.

Theo ghi nhận, đây là khu vực biên giới giám ranh với H. Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào) với huyện Nam Giang. Qua kiểm tra có đến 280 phách gỗ pơmu (thuộc nhóm 2A) quý hiếm bị “lâm tặc” đón hạ nằm la liệt khắp rừng. Cơ quan chức năng huyện Nam Giang sau khi tiếp nhận thông tin số gỗ pơmu bị “lâm tặc” khai thác trái phép tại khoảnh 10 và tập kết về khoảnh 5 tiểu khu 351 gần cột móc biên giới 717.

Do vị trí rừng bị phá nằm ở địa thế cách trở nên các ngành chức năng phải qua bên kia biên giới nước Lào mới ngược trở lại điểm rừng bị phá. Tại đây, qua thống kê cho thấy có đến 30 cây pơmu đường kính từ 1 đến 2 mét bị triệt hạ cưa ra thành phẩm với 280 phách, khối lượng 28m3. Ước tính những cây gỗ Pơ mu bị đốn hạ cũng hàng trăm năm tuổi.

Hàng loạt phách gỗ Pơ mu chuẩn bị đưa về xuôi thì bị phát hiện - Ảnh: Xuân Hoài 

Theo ông Tuấn, sau 2 ngày cho xe và người qua khu vực biên giới bốc vác, đến ngày 13-7, số gỗ trên đã được đưa về tập kết tại khu vực Đồn CA Chà Vàl. Nhiều cán bộ ở đây chưa khi nào thấy số lượng gỗ bị đón hạ, cưa xẻ nhiều đến vậy. Trong khi đây là loại gỗ pơmu cực kỳ quý hiếm còn sót lại khu vực biên giới.

Điều nhiều người nghi ngờ, có ai đứng sau vụ này mới giám “cả gan” đốn hạ một khối lượng gỗ khủng đến như vậy mà không ai biết. Bước đầu xác định, khu vực biên giới trên thuộc sự quản lý chính của Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang.

Theo ông Tuấn, vụ việc trên được phát hiện trong chiến dịch truy quét lâm khoáng sản trái phép trong toàn tỉnh, đặc biệt là nhờ những vệ tinh, tai mắt nhân dân cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.

Được biết, tối 12-7, đồng loạt các cơ quan ban ngành đã trèo đèo lội suối, cắt rừng để đến khu vực gỗ Pơ mu bị đốn hạ trên. Được biết, đây là vụ đốn hạ cây Pơ mu lớn nhất từ trước đến nay tại Quảng Nam.

“Hiện nay vụ việc vẫn đang được tiếp tục kiểm kê, củng cố hồ sơ theo quy định để khởi tố vụ án. Hiện các đối tượng đốn hạ gỗ Pơ mu trên đang được điều tra xác minh. Khi khởi tố xong, chúng tôi sẽ chuyển cho cơ quan công an điều tra làm rõ để khởi tố bị can, điều tra mở rộng theo luật định”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Được biết, gỗ Pơ mu là loại gỗ quý hiếm thuộc nhóm 2A. Nhờ giữ gìn tốt nên tại huyện Tây Giang (Quảng Nam) vừa được công nhận là rừng cây di sản Việt Nam, trong đó có cây bán kín lên đến 4m, gần 1800 năm tuổi.

Bình luận (1)

Ông Nam nói hơi chủ quan đấy. Nếu bất cứ ai về đây hỏi thì đều biết là việc khai thác pơmu diễn ra từ lâu lắm rồi. Chỉ có biên phòng là không biết thôi. Bằng chứng là trong rừng còn hàng nghìn gốc pơmu còn lại sau khi bị hạ. Mong rằng cơ quan Báo chí sớm tiếp cận và làm quyết liệt thì mấy ông mới hết chối. Việc hàng chục người đến khai thác ở đây mà người dân không biết chính quyền không hay là điều không thể xảy ra. Khu vực biên giới an ninh rất nghiêm ngặt với lại người dân ở đây đa số là dân tộc thiểu số nên ai ra vào họ đều rõ "tổ chức hộp dân xã này và các xã lân cận thì không gì là không biết". Quan trọng là có làm hay không thôi. Nếu nói không có tiếp tay tôi e rằng cả nước này không ai đồng tình.

alang ve - Thứ Bảy, 16/07/2016, 21:25 Trả lời | Thích
Lên đầu trang