Tuy nhiên, thay vì phải bị xử lý kỷ luật nghiêm minh, thậm chí sa thải để nhường chỗ cho người tài, đức, có trách nhiệm hơn, Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Nông đã áp dụng hình thức kỷ luật... rất nhẹ nhàng: kỷ luật ở mức cảnh cáo, khiển trách hoặc đề nghị kỷ luật. Việc này khiến nhiều người bất bình, không “tâm phục, khẩu phục”.
Lãnh đạo huyện Đắk GLong để rừng bị tàn phá nghiêm trọng
Cụ thể, theo kết quả kiểm tra của UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông và kết quả xử lý sai phạm đối với 13 cán bộ ở các vị trí lãnh đạo chính quyền, giám đốc một số sở, ban ngành từ cấp huyện đến cấp tỉnh tại địa phương này như sau:
1. Ông Nguyễn Ngọc Long, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức (2014 – 2018), khi đương chức Phó Chủ tịch huyện này (2007 – 2014), ông Long đã ký quyết định cấp GCNQSDĐ đất ở nông thôn khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất, liên đới trong việc để nhiều cán bộ cấp dưới vi phạm về quản lý đất đai do mình phụ trách, ký bổ nhiệm một số cán bộ chưa đủ điều kiện và trình tự, thủ tục, trong đó có em ruột mình, bị kỷ luật cảnh cáo.
2. Ông Phạm Ngọc Kha, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Tuy Đức, khi là Trưởng phòng TNMT huyện (2007 – 2013), ông Kha đã tham mưu cho UBND huyện cấp GCNQSD không đúng quy định, cấp GCNQSD ở nông thôn khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp trên đất có nguồn gốc do nhà nước quản lý, cấp trên đất có nguồn gốc phá rừng trước khi UBND tỉnh có kế hoạch, bị kỷ luật cảnh cáo.
3. Ông Đàm Quang Trung, Giám đốc Sở TNMT, trong thời gian làm Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong (2007 – 2015), ông Trung ít kiểm tra, giám sát công tác quản lý đất đai, bảo vệ rừng dẫn đến tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất, lấn chiếm, mua bán, sang nhượng đất rừng trái phép nghiêm trọng, kéo dài; để nhiều cán bộ, đảng viên cấp dưới vi phạm bị kỷ luật, xử lý theo pháp luật… bị kỷ luật mức khiển trách.
4. Ông Phan Công Việt, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, khi làm đại diện chủ đầu tư công trình sửa chữa hội trường 1.200 chỗ ngồi và hội trường 300 chỗ ngồi của Trung tâm Hội nghị tỉnh Đăk Nông và công trình Tượng đài N’Trang Lơng với tổng trị giá công trình cả trăm tỷ đồng, ông Việt không thực hiện đúng và đầy đủ thủ tục đấu thầu theo quy định, để nhà thầu thi công thiếu khối lượng nhưng vẫn nghiệm thu, thanh toán dẫn đến công trình phải tháo dỡ, bị kỷ luật mức khiển trách.
5. Ông Dương Văn Tâm, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Tuy Đức, khi làm Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy (2007 – 2015), ông Tâm tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy bổ nhiệm 5 trường hợp không đúng quy định, bị kỷ luật mức khiển trách.
6. Ông Phan Văn Bưu, nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuy Đức, khi đương chức đã tham mưu cho UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ quốc phòng không đúng diện tích; để 4 hộ dân lấn chiếm, xây dựng nhà kiên cố, làm nơi buôn bán trên đất quốc phòng; cho cán bộ quân đội và cán bộ chính quyền mượn đất rồi bán, xây nhà ở trái quy định; để em trai đứng tên nhận 1 lô đất trên diện tích đất quốc phòng do mình quản lý, bị kỷ luật mức khiển trách.
7. Ông Lê Văn Quang, Phó Bí thư Đảng ủy Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian làm Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức (2007 – 2012), ông Quang ký quyết định cấp GCNQSD và ký GCNQSD khi chưa đầy đủ thủ tục; ký quyết định công nhận quyền sử dụng đất và cấp GCNQSD trên đất do nhà nước cho thuê, không phải đất khai hoang, thuộc trường hợp không công nhận quyền sử dụng đất, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… bị kỷ luật khiển trách.
Ngoài ra, 6 cán bộ bị đề nghị kỷ luật gồm: Ông K Bốt, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức và ông Đoàn Văn Quỳnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc sở Nội vụ. Cả hai cùng có sai phạm chính là nhận khoán đất rừng sai quy định (không phải đối tượng được giao khoán), sau đó để rừng bị phá, tự ý trồng cao su trên đất rừng.
Ông Lê Khắc Ghi, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Trong thời gian làm Giám đốc Sở VHTT-DL (2014 – 2017), chủ đầu tư công trình Tượng đài N’Trang Lơng không thực hiện đúng, đầy đủ thủ tục đấu thầu, để nhà thầu thi công thiếu khối lượng nhưng vẫn nghiệm thu, thanh toán dẫn đến công trình phải tháo dỡ.
Ông Hoàng Duy Chuyển, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy Đăk G’Long; khi làm Bí thư Huyện ủy Đắk Glong (giai đoạn 2008 – 2011), ông Chuyển để Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk G’Long chưa thực hiện đầy đủ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, để rừng bị phá với diện tích lớn.
Ông Phạm Đặng Quang, Phó trưởng Ban Thi đua khen thưởng tỉnh; khi làm Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức (2008 – 2015), ông Quang để xảy ra nhiều vi phạm trong công tác giao đất, giao rừng, cho thuê đất rừng, quản lý bảo vệ rừng, cấp GCNQSD đất… Ngoài ra còn trực tiếp ký quyết định tạm giao đất, giao rừng cho 2 nhóm hộ, hộ gia đình không đúng quy định, cấp GCNQSD đất cho 256 hộ với diện tích hơn 200ha có nguồn gốc phá rừng, lấn chiếm đất rừng trước khi UBND tỉnh có kế hoạch thực hiện.
Ông Trần Đình Mạnh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; khi là Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức (hai nhiệm kỳ 2008 – 2013 và 2013 – 2015), ông Mạnh để nhiều cán bộ cấp phó, cấp dưới vi phạm về quản lý đất đai; để cho cấp dưới hợp thức hóa hồ sơ cho vợ mình nhận chuyển nhượng từ người khác, sau đó được cấp 4 GCNQSDĐ với diện tích 15,7 ha, thực tế đây là đất gia đình ông Mạnh được nhà nước cho thuê.
Ngoài ra ông Mạnh có biểu hiện vun vén cho gia đình, bổ nhiệm con, em ruột khi chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục. Nghiêm trọng hơn, ông Mạnh còn quyết định đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn đi ngang qua đất chỉ có 3 hộ dân canh tác, trong đó có đất của gia đình ông.
Các nội dung trên đã được thống nhất tại kỳ họp thứ 21 của UBKT Tỉnh ủy, diễn ra ngày 17 và 18-5-2018. Báo chí đã thông tin, nhưng sự việc đến nay không tiến triển. Nhiều người lo ngại, việc xử lý kỷ luật kiểu này sẽ làm “gương” xấu cho nhiều cán bộ khác kế nhiệm, dưới quyền.
(CAO) Liên quan đến phản ánh của CAO về việc rừng ở huyện K'bang (Gia Lai) bị khai thác rầm rộ, 2 kiểm lâm và 3 cán bộ bảo vệ bảo rừng đã bị kỷ luật.