Đại gia Hứa Thị Phấn phải bồi thường gần 22.000 tỷ đồng

Thứ Năm, 31/05/2018 21:31

|

(CAO) Ngoài mức án phải chịu, Hứa Thị Phấn phải bồi hoàn hơn 6.300 tỷ đã gây thiệt hại cho Ngân hàng CB trong vụ án này, bị cáo này còn phải bồi thường cho Ngân hàng CB hơn 15.600 tỷ đồng cho 46 khoản vay khác. Tổng hai khoản "đại gia" này phải bồi thường gần 22.000 tỷ đồng.

Sau 3 tuần xét xử liên tục, ngày 31/5, TAND TPHCM đã tuyên án đối với bị cáo Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín- TrustBank) cùng 27 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (đổi tên thành Ngân hàng VNCB, nay là CB) gây thiệt hại cho Đại Tín hơn 6.300 tỷ.

Theo đó, Hứa Thị Phấn chịu mức án 20 năm tù đối với hành vi Lạm dụng tín nhiệm, 20 năm tù cho hành vi cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt là 30 năm. 

Bùi Thị Kim Loan phải chịu mức án 28 năm tù (cộng thêm hình phạt 17 năm tù ở vụ án ở Oceanbank đã tuyên trước đây). Ngô Kim Huệ mức án 10 năm; Ngô Thị Ngân 10 năm tù; bị cáo Hoàng Văn Toàn 7 năm tù; bị cáo Trần Sơn Nam 6 năm tù; bị cáo Lâm Kim Dũng 6 năm tù; các bị cáo còn lại trong vụ án chịu mức án từ 3 năm tù giam đến 3 năm tù cho hưởng án treo.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án

Vụ án bắt nguồn từ việc Hứa Thị Phấn lợi dụng việc nắm giữ hơn 84% vốn điều lệ, có quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của TrustBank đã thực hiện và chỉ đạo nhân viên ngân hàng thực hiện các hành vi trái pháp luật để rút tiền, chiếm đoạt tiền của TrustBank.

Sau quá trình xét xử và nghị án, HĐXX nhận định Hứa Thị Phấn là người chủ mưu, chỉ đạo các bị cáo thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật. Trong đó, bị cáo Bùi Thị Kim Loan là người trực tiếp, giúp sức tích cực, chỉ đạo nhân viên dưới quyền lập chứng từ thu chi khống liên quan đến khoản vay của nhóm Phương Trang, gây thiệt hại hơn 6.300 tỷ đồng cho Ngân hàng Đại Tín

HĐXX cho biết tất cả 196 giao dịch thu chi tiền mặt tại Ngân hàng Đại Tín đều không thực hiện đúng quy định, không có khách đến nhận tiền. Về dư nợ của nhóm Phương Trang, theo thực tế Phương Trang chỉ nhận 3.900 tỷ đồng, nhận nợ bắt buộc là 35 tỷ đồng, không nhận được 2.000 tỷ đồng trái phiếu Trường Vỹ.

HĐXX cho rằng, có đủ căn cứ Ngân hàng Đại Tín không có đủ tiền mặt để giải ngân. Qua kiểm tra sổ quỹ HĐXX thấy nhiều mẫu thuẩn, đồng thời không ghi nhận đúng thời gian, không phù hợp với luật kế toán. Do đó HĐXX bác bỏ quan điểm của LS về việc ghi nhận sổ quỹ thu chi. CQĐT xác định Phương Trang thực nhận 3.900 tỷ đồng là có căn cứ.

Về việc, Ngân hàng CB đã có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 1.100 tỷ đồng liên quan đến căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch và yêu cầu đánh giá lại giá trị ngôi nhà. HĐXX nhận định bị cáo Phấn đã thao túng mọi hoạt động của ngân hàng, nâng khống giá căn nhà gấp 8 lần rồi bán cho Ngân hàng Đại Tín hơn 1.200 tỷ đồng, trong khi giá trị thực tế tại thời điểm đó chỉ 154 tỷ đồng. Trong vụ này, bị cáo Phấn chiếm đoạt hơn 1.106 tỷ đồng nên phải bồi thường cho ngân hàng CB số tiền này. Việc yêu cầu đánh giá lại ngôi nhà của CB không có căn cứ, nằm ngoài phạm vi nên HĐXX không chấp nhận.

Cũng liên quan đến căn nhà số 5, bị cáo Toàn, Dũng, Nam, Loan, Mậu, Tụ, Nghiệp là những bị cáo thực hiện hành vi giúp sức cho bà Phấn chiếm đoạt nhưng không hưởng lợi nên không phải bồi thường thiệt hại.

Đối với 82 khoản vay nhóm Phương Trang, HĐXX nhận định qua các chứng cứ có trong hồ sơ và tranh tụng tại tòa, thể hiện Hứa Thị Phấn đã yêu cầu Phương Trang ký trước các hồ sơ cho vay. Sau đó, Hứa Thị Phấn lợi dụng ảnh hưởng của mình tại ngân hàng, thực hiện thu chi khống, chỉ thực hiện giải ngân cho Phương Trang 3.900 tỷ đồng, số tiền còn lại rút ra để sử dụng.

HĐXX xét thấy việc xảy ra từ lỗi ngân hàng Đại Tín, chỉ buộc Phương Trang nhận số tiền 3.900 tỷ đồng tương ứng với 29 khoản vay đã ký. Do đó Phương Trang phải bồi thường cho ngân hàng CB lãi và gốc 6.400 tỷ đồng.

Đối với bị cáo Ngân đã rút tiền từ NHNN mà đem đến tầng 6 chi Nhánh Nam Giang, không có gì chứng minh 208 tỷ đồng ai đã sử dụng. Bị cáo Ngân phải bồi thường số tiền trên.

Về mặt trách nhiệm dân sự, bị cáo Phấn còn phải có bồi thường cho CB hơn 15.600 tỷ đồng cho 46 khoản vay khác. Các bị cáo còn lại không phải bồi hoàn vì chỉ làm công ăn lương, không hưởng lợi và thực hiện theo chỉ đạo của bà Phấn.

HĐXX buộc Ngân hàng CB hoạch toán 1.600 tỷ đồng trở lại, đã được sử dụng cho 32 khoản vay của nhóm Phú Mỹ, tổ chức này phải trả xem như chưa tất toán. Về quan hệ giữa nhóm Phú Mỹ và bà Phấn sẽ được xem xét bởi vụ án khác nếu các bên có yêu cầu.

Liên quan đến việc phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu Trường Vỹ, bị cáo Phấn phải chịu trách nhiệm bồi hoàn số tiền này, nên ngân hàng CB không phải hạch toán số tiền này.

HĐXX đề cập đến việc xử trí các tài sản có liên quan đến vụ án: Những khoản tiền có nguồn gốc liên quan đến bị cáo Hứa Thị Phấn tại các tổ chức như Agribank trung tâm Sài Gòn, Bất động sản Phú Mỹ, Thiết Bị Điện, Chi cục Thuế quận 3 đều phải thu hồi vì là vật chứng của vụ án, phải hoàn trả cho ngân hàng CB. Tranh chấp giữa các bên sẽ được giải quyết bởi một vụ án khác.

Liên quan đến số cổ phần có nguồn gốc từ bị cáo Phấn, không phải thu hồi do các bị cáo chỉ đứng tên và đã thực hiện chuyển nhượng.

Đối với các tài sản bị kê biên của nhóm Phương Trang, HĐXX xét thấy các tài sản được thế chấp để vay vốn, nhóm Phương Trang buộc phải hoàn trả hơn 6.400 tỷ đồng bao gồm lãi và gốc. Do đó cần giải tỏa kê biên tài sản này và giao cho CB xử lý, sẽ dùng để đảm bảo nghĩa vụ khoản vay. Khi nhóm Phương Trang trả nợ, thì sẽ trả lại cho Phương Trang.

Đối với tài sản của ông Dũng, ông Bình, HĐXX cho biết trong 29 khoản vay của nhóm Phương Trang không có khoản vay của ông Dũng và ông Bình. Việc 2 ông chưa nhận tiền là có cơ sở. Theo đó, để giải quyết tranh chấp giữa nhóm Phương Trang và cá nhân nên xét tách ra vụ khác khi các bên có yêu cầu. Đồng thời, tiếp tục kê biên số tài sản nói trên.

Đối với dự án Bình Điền, không thể tiếp tục kê biên số tài sản kê biên do không có giải ngân khoản 2.000 tỷ đồng trái phiếu mà cần phải trả lại Công ty BĐS Phú Mỹ để quản lý. Các tài sản liên quan đến nhóm Phú Mỹ, thuộc sở hữu của bà Phấn nên tiếp tục kê biên.

Đối với tài sản ở Trần Hưng Đạo liên quan đến khoản nợ bắt buộc thì tách ra bằng một vụ án khác, giao cho Ngân hàng CB Quản lý.

Bệnh Viện Phú Mỹ thuộc sở hữu của nhóm Phú Mỹ, dùng để thế chấp cho khoản trái pPhiếu Trường Vỹ, HDXX yêu cầu tiếp tục kê biên.

114 BĐS liên quan đến 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ, có liên quan đến ông Phạm Công Danh, HĐXX cho biết tiếp tục kê biên, để làm rõ vụ án giai đoạn sau, căn cứ giải quyết toàn diện vụ án.

Đối với những tài sản của bị cáo Ngô Kim Huệ, Hứa Thị Hạnh, Ngô Nguyễn Đoan Trang đang thế chấp tại Agribank Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn, Kiên Long Bank, Ngân hàng An Bình, cần giải tỏa kê biên, xử lý theo đúng quy định pháp luật để đảm bảo nghĩa vụ cho vay. HĐXX cho biết, những tài sản này đều đứng tên bị cáo Phấn, có nhiều khoản không tách được sở hữu của bà Phấn hay của các bị cáo. Nhằm đảm bảo thu hồi triệt để hơn nữa bị cáo không phải chịu bồi hoàn nên cần xem số tài sản nói trên như của bị cáo Hứa Thị Phấn, để làm căn cứ bồi hoàn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang