Xét xử Phạm Công Danh, Trầm Bê: Luật sư của Phạm Công Danh nói gì?

Thứ Hai, 22/01/2018 22:19  | Bích Hà

|

(CAO) Chiều 22-1, phiên tòa có nhiều tình tiết gay cấn khi bước vào phần tranh luận của các luật sư bào chữa cho các bị cáo. Theo đó, ba luật sư của Phạm Công Danh trong phần bào chữa đã bị chủ tọa nhắc nhở những vấn đề vượt quá phạm vi vụ án. Đỉnh điểm là chủ tọa phiên tòa đã mời một luật sư về chỗ sau khi nhắc nhở đến lần thứ ba.

Các luật sư tranh luận cho rằng bối cảnh khiến Phạm Công Danh gây ra hành vi sai phạm cần được xem xét thấu đáo. Luật sư Phan Trung Hoài nhấn mạnh, Phạm Công Danh với tư cách là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh, từ chỗ là người chủ của một doanh nghiệp có lịch sử hơn 50 năm hình thành và phát triển, tích lũy một khối lượng tài sản có giá trị đặc biệt lớn trải dài từ TP.HCM đến các địa phương khác trong cả nước, sau khi nhận chuyển nhượng cổ phần và nắm quyền điều hành VNCB, bỗng chốc tiêu tan sự nghiệp, thân phận bị cầm tù với bản án nghiêm khắc. Câu hỏi đặt ra là vì sao nên nỗi?

Cụ thể, nguyên nhân dẫn Phạm Công Danh phải ra trước vành móng ngựa là do mong muốn được thành lập một ngân hàng cho ngành xây dựng nhưng Ngân hàng Nhà nước không cho phép thành lập ngân hàng mới. Phạm Công Danh bị… lừa khi được “động viên” mua lại ngân hàng Đại Tín với tình trạng bê bết, cố gắng giữ thanh khoản ngân hàng. Trong bối cảnh đó, việc vay - cho vay và dòng tiền vay rồi đi đâu, làm gì là rất cần thiết phải làm rõ.

Luật sư này cũng cho rằng việc tách vụ án hình sự theo quyết định tách vụ án hình sự số 04 ngày 11/3/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) liên quan đến 3 ngân hàng Sacombank, TP Bank và BIDV trong vụ án này thành giai đoạn 2 của vụ án VNCB do không thể hoàn thành sớm việc điều tra theo khoản 2, Điều 117 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Tuy nhiên, rõ ràng việc tách vụ án này đã làm ảnh hưởng đến việc sự thật khách quan của vụ án và gây bất lợi cho ông Phạm Công Danh do cùng tội danh “Cố ý làm trái…” nhưng bị xử lý và tuyên phạt mức án tù trong 2 vụ án khác nhau. Và Phạm Công Danh không chiếm đoạt tiền của VNCB mà chủ yếu sử dụng để chi chăm sóc khách hàng nhằm bảo đảm cho việc tái cấu trúc, tăng khả năng thanh khoản và tăng vốn điều lệ của VNCB.

Các luật sư cũng đặt vấn đề về việc mua lại VNCB với giá 0 đồng của NHNN. Việc mua lại VNCB chưa đảm bảo quyền lợi của các cổ đông. Đặc biệt Phạm Công Danh góp đến 84% vốn, quyền của cổ đông chưa được giải quyết ổn thỏa.

Về khoản tiền tăng vốn điều lệ ngân hàng 4.500 tỉ, luật sư cho rằng CBBank (NHNN mua VNCB với giá 0 đồng và đổi tên thành CBBank) cho rằng tiền đã hòa vào dòng tiền và không có cơ sở để trả lại là không đúng. Bởi đó là tiền của cổ đông góp vốn vào nhưng không được NHNN chấp thuận chủ trương tăng vốn thì khỏn tiền này phải được xem xét thấu đáo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang