Xét xử vụ Trầm Bê, Phạm Công Danh: Bị cáo... kêu oan, thay đổi lời khai

Thứ Tư, 17/01/2018 12:17  | Bích Hà

|

(CAO) Chủ tọa mong các luật sư hợp tác, khi xét hỏi các bị cáo nên đi vào trọng tâm vụ án, tránh hỏi những vấn đề đi ra ngoài phạm vi xét hỏi của vụ án nhằm có một phiên tòa văn minh, để tránh HĐXX phải đưa ra những quyết định không mong muốn khiến cho dư luận nghĩ tòa không muốn cho các luật sư xét hỏi.

Sáng 17/1, tiếp tục phiên xét xử Phạm Công danh, Trầm Bê và 44 đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Tiên Phong (Tienphongbank, nay là TPBank) và ngân hàng Phát triển Việt Nam (BIDV).

Bị cáo Phạm Công Danh

HĐXX tiếp tục xét hỏi các bị cáo liên quan đến hành vi cố ý làm trái trong việc dùng tiền gửi tại TPBank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty vay vốn để mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung, gây thiệt hại hơn 1.700 tỷ đồng

Chưa từng biết tờ séc ngân hàng!

Luật Sư Hoài Nhân thẩm vấn bị cáo Trần Văn Bình (nguyên Giám đốc công ty Trung Dung) về việc có hưởng lợi khi làm giám đốc và ký kết các hồ sơ. Trần Văn Bình cho biết trước đó bị cáo làm lái xe Tập đoàn Thiên Thanh, được Phạm Công Danh nhờ làm giám đốc. Bị cáo này có trình độ học vấn 6/12 và không biết gì về các hồ sơ, trái phiếu liên quan đến công ty Trung Dung, Tập đoàn Thiên Thanh. Bị cáo không biết là đã ký lúc nào, ở đâu và cũng không được hưởng lợi gì. Bị cáo không biết trụ sở công ty đóng tại đâu, ban điều hành công ty gồm những ai và không điều hành hoạt động của công ty.

Tại tòa, Bình mong HĐXX xem xét vì thành khẩn khai báo với cơ quan điều tra; có con còn nhỏ. Bị cáo cho rằng mình không tư lợi, và không có vai trò giúp sức cho Phạm Công Danh nên mong HĐXX xem xét. Bình cũng xin HĐXX xem xét về số tiền liên đới: "Bị cáo không tư lợi, không sử dụng".

Một bị cáo khác là Nguyễn Tiến Dũng (kiểm soát viên định giá Công ty TNHH dịch vụ đầu tư Thịnh Phát) khi trả lời câu hỏi của luật sư về việc Công ty Thịnh Phát có ghi ủy quyền cho việc ký các hồ sơ, khi ông Đinh Việt Cường là người kí chuyển tiền cho quỹ Lộc Việt, bị cáo có được quyền kiểm soát và ngăn cản không?

Bị cáo Dũng cho biết lúc đó ông Cường là PGĐ công ty nên tất cả các công việc ông Cường làm mình không được quyền biết. Bị cáo không tham gia thảo thuận với ai. Do ông Cường thông báo cho Dũng việc mua trái phiếu nói là đầu tư cho công ty nên bị cáo mới kí. Dũng cũng không quen biết Phạm Công Danh, bị cáo không sử dụng số tiền đó. Bị cáo này cũng cho biết việc cáo buộc ký séc chuyển hơn 160 tỷ cho Quỹ Lộc Việt từ nhỏ đến giờ chưa biết tờ .. séc ngân hàng như thế nào!

Bị cáo khẳng định là có hành vi giúp sức cho Phạm Công Danh, tòa truy tố tội cố ý làm trái là oan và không có tiền để liên đới chịu trách nhiệm như cáo buộc.

Người của TPBank cũng kêu oan, thay đổi lời khai

Luật sư thẩm vấn đại diện TPBank về quy trình vay vốn, đại diện TPBank cho biết quy trình cho vay tại ngân hàng bao gồm nhận hồ sơ khách hàng, tìm hiểu thẩm đinh, phê duyệt. Nếu khoản vay đó lớn sẽ đưa lên cấp cao hơn để duyệt. Hạn mức vay được thay đổi theo từng thời kỳ.

Luật sư cũng đề nghị hỏi một số lãnh đạo TPBank, tuy nhiên những người này vắng mặt nên luật sư đề nghị HĐXX công bố lời khai và VKS ghi nhận.

Cũng tại tòa sáng nay bị cáo Đỗ Việt Bun (nguyên trưởng nhóm khách hàng doanh nghiệp Trung tâm kinh doanh hội sở TPBank, GĐ Công ty CP Thương mại Khôi Nguyên Phát) trình bày bị cáo không quen biết với Phạm Công Danh từ trước, nên không giúp sức cho ông Danh. Truy tố bị cáo tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế” là oan cho bị cáo. Bị cáo Bun cũng cho biết, Công ty Khôi Nguyên do gia đình mình lập nên, đến thời điểm này vẫn hoạt động bình thường. Trước thời điểm công ty này mua trái phiếu của Thiên Thanh thì không hề có mối quan hệ làm ăn gì với Thiên Thanh.

Nói về việc mua trái phiếu, bị cáo Bun cho biết thấy Thiên Thanh là tập đoàn lớn mạnh thông qua các kênh thông tin đại chúng, internet nên bị cáo mới tự tin mua trái phiếu. Khi bị cáo ký chi tiền cho Thiên Thanh thì bị cáo không có biết Phạm Công Danh sử dụng số tiền này sai mục đích. Nếu biết ông Danh sử dụng số tiền sai mục đích thì bị cáo sẽ không đầu tư mua trái phiếu.

Trong khi đó, liên quan đến gói tín dụng hơn 1.700 tỷ tại TPBank, Phạm Công Danh cho biết không nhớ rõ. Chỉ nhớ chỉ đạo bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên thành viên Hội đồng quản trị VNCB) thực hiện.

Trả lời HĐXX, Khương cho hay việc vay vốn tại TPBank đều thông qua Quỹ Lộc Việt. Ông Danh chỉ đạo Khương vay tiền TPBank bằng cách phát hành trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh, Công ty Trung Dung. Quỹ Lộc Việt mua trái phiếu Công ty Trung Dung, Thiên Thanh bằng nguồn tiền vay từ TPBank (khoảng 1.700 tỷ đồng). Số tiền này dùng để tăng vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trả bà Hứa Thị Phấn 603 tỷ đồng và chi chăm sóc khách hàng.

Cũng trong phiên xử sáng nay, bị cáo Đặng Thị Bích Thủy (Phó Giám đốc Kinh doanh Hội sở TPBank) thay đổi lời khai về dòng tiền cho 11 công ty vay Bị cáo Thủy cho biết, trước khi thực hiện các gói tín dụng không hề biết Nguyễn Việt Hà (Tổng GĐ Quỹ Lộc Việt). Bị cáo không có thẩm quyền phê duyệt cấp tín dụng mà chỉ là đề xuất để trình duyệt. Bị cáo này cũng cho biết, mình không được dự họp với Ủy ban tín dụng và hội đồng tín dụng, nhưng sau đó được thông báo các thiếu sót trong hồ sơ không phải là vấn đề trọng yếu để xem xét cho vay.

Bị cáo Thủy cũng không phải là người soạn các hợp đồng tín dụng. Về nguồn tiền cho vay của TPBank là nguồn tiền Hội sở điều xuống. Trong khi đó, tại cơ quan điều tra, bị cáo khai nguồn tiền cho 11 công ty vay là tiền VNCB gửi bảo lãnh. Nói về việc lời khai khác nhau, bị cáo này cho biết: “Lời khai hôm nay là đúng. Tôi trong quá trình điều tra rất bối rối vì không biết thế nào”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang