Xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm: Nếu phạt hợp đồng, thiệt hại sẽ hàng trăm triệu USD

Thứ Hai, 15/01/2018 19:48

|

(CAO) Đây là phân tích của đại diện Viện Kiểm sát (VKS) khi tranh luận tại phiên tòa xét xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm chiều 15/1, khi chỉ ra các hệ lụy nếu như Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 thi công kéo dài gấp đôi thời gian.

Cụ thể, theo phân tích của VKS, nếu bị phạt hợp đồng EPC sẽ lên tới hàng trăm triệu USD; PVC cũng chịu chi phí phát sinh rất lớn. Theo báo cáo 117 ngày 6/1/2017, PVC chi phí phát sinh tới 155 tỷ đồng/năm.

“Từ năng lực, kinh nghiệm như PVC và để lại hệ lụy rất lớn như trên, câu hỏi đặt ra: Liệu có thể ưu tiên PVC làm tổng thầu để thực hiện chủ trương "ưu tiên người VN dùng hàng VN" được không? Câu trả lời rõ ràng là không”- đại diện VKS khẳng định.

Đại diện Viện kiểm sát tại tòa
Các luật sư tại tòa

Dẫn nội dung các văn bản và lời khai của bị cáo Vũ Hồng Chương: “Hợp đồng 33 gì mà chỉ có 8 trang, hợp đồng EPC 1494 chỉ có 2 trang", đại diện VKS cho rằng, việc ký hợp đồng EPC 33 cùng với việc PVN tạm ứng tiền cho PVC trái pháp luật, trái quy định, cho thấy, thực chất việc ký hợp đồng không phải để PVN tạm ứng cho PVC thực hiện thi công gói thầu Dự án NMNĐ Thái Bình 2, mà chỉ nhằm mục đích hợp thức hóa việc chuyển tiền cho PVC sử dụng sai mục đích.

Vẫn theo đại diện VKS, việc PVC thu hồi 1.240 tỷ đồng (tính đến ngày 13/9/2016) là thu hồi nội bộ tại PVC, không liên quan việc thu hồi tiền tạm ứng của chủ đầu tư (PVN) đối với số tiền đã ứng cho PVC, nhưng không sử dụng vào Dự án. Đến ngày 20/3/2012, chủ đầu tư mới thu hồi được 172 tỷ đồng trong tổng số 196 tỷ đồng và 6,6 triệu USD sử dụng vào Dự án.

Như vậy, trong thời gian từ ngày PVN ứng tiền cho PVC cho đến ngày PVN có công văn thu hồi tiền tạm ứng PVC sử dụng sai mục đích thì PVC đang chiếm dụng của PVN 1.115 tỷ đồng. Số thiệt hại được tính trong kết luận giám định chỉ dừng lại tại ngày 20/3/2012, cách xa thời điểm PVN thu gần đủ số tiền tạm ứng PVC là ngày 20/11/2017 (với số tiền 1.087 tỷ đồng).

Cần lưu ý thêm rằng, tính từ ngày khởi công cho đến ngày 18/8/2014, chủ đầu tư mới chỉ thu hồi được tiền tạm ứng cho PVC 242 tỷ đồng. Như vậy, không có căn cứ nào cho rằng PVC đã thu hồi thừa số tiền tạm ứng như các luật sư và bị cáo nêu.

Mặt khác, trong số tiền thu hồi tiền tạm ứng 1.240 tỷ đồng của PVC có nguồn: sử dụng tiền tăng vốn điều lệ PVC là 317,2 tỷ đồng; thu hồi từ việc thoái vốn và thu hồi vốn từ các dự án khác là 515,3 tỷ đồng.

Về nguyên tắc, việc coi số tiền thoái vốn do chuyển nhượng các khoản đầu tư của PVC là tiền thu hồi tiền tạm ứng NĐ Thái Bình 2 là không hợp lý.

Trong số tiền 1.115 tỷ sử dụng không đúng mục đích, PVC có sử dụng 110 tỷ đồng để đầu tư, góp vốn vào Công ty CP xây lắp Nghệ An; Công ty CP phát triển đầu tư đô thị Dầu khí và Bất động sản Xây lắp dầu khí VN; thanh toán trả nợ vay của ngân hàng hơn 763 tỷ đồng cho các khoản đầu tư và chi phí khác đang được cơ quan an ninh điều tra tiếp tục làm rõ để xác định hậu quả (nếu có)....

Sau khi nhận tiền tạm ứng, từ ngày 11/10/2011 đến hết năm 2012, PVC thực tế chỉ thanh toán khoảng 260 tỷ đồng vào Dự án; trong đó tính đến hết năm 2011 chỉ sử dụng cho dự án 196 tỷ đồng, cả năm 2012 hầu như chi rất ít cho Dự án với số tiền khoảng 75 tỷ đồng vào ngày 20/11/2012, chủ yếu là chi phí quản lý vì chưa có thiết kế kỹ thuật làm căn cứ triển khai công việc cụ thể.

Gía trị thu hồi tạm ứng tính từ ngày khởi công cho đến ngày 18/8/2014 chủ đầu tư mới thu hồi được 242 tỷ đồng tiền tạm ứng (20/3/2012 Ban quản lý Dự án NĐTB 2 mới có văn bản yêu cầu PVC hoàn trả 100 % số tiền PCV đã tạm ứng nhưng không sử dụng vào Dự án).

Như vậy, số tiền bị PVC chiếm dụng là rất lớn, không có lãi suất (1.115 tỷ đồng tính đến ngày 20/3/2012).

Trong thời gian dài, từ ngày 23/5/2011 đến 20/3/2012, dự án không có nhu cầu sử dụng vốn (ngoại trừ số 196 tỷ đồng và 6,6 triệu USD) và PVN không có cơ sở để chuyển tiền cũng như phải có trách nhiệm thu hồi tiền tạm ứng sai mục đích ngay nhưng PVN không thực hiện. Mặt khác, PVN vẫn phát sinh các khoản vay, phát sinh chi phí lãi vay trả ngân hàng.

Đối với dự án trọng điểm và các dự án do PVN làm chủ đầu tư, phải có kế hoạch sử dụng Qũy đầu tư phát triển, kế hoạch giải ngân, quyết định phê duyệt kỹ thuật, hợp đồng kinh tế, biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành...

Trong điều kiện bình thường, không có cơ sở để PVN chuyển tiền tào tk thanh toán để chuyển cho PVC khi chưa hoàn thiện các thủ tục và phê duyệt kế hoạch sử dụng tiền.

Như vậy, xét về mặt hiệu quả kinh tế, trong thời gian dài gần 10 tháng và chưa được phép sử dụng số tiền nêu trên, việc gửi Ngân hàng với lãi suất có ký hạn là phù hợ theo quy định Điều 72 Luật Doanh nghiệp 2005.

Bình luận (0)

Lên đầu trang