Bí mật công nghệ giúp VinSmart trong cuộc đua camera dưới màn hình

Thứ Tư, 11/11/2020 14:56

|

(CAO) Xuất phát sau nhưng VinSmart đã về đích sớm trong việc thương mại hoá công nghệ camera ẩn dưới màn hình.

Nhờ giải pháp tích hợp trí tuệ nhân tạo từ VinAI, Vsmart Airs Pro là một trong những sản phẩm thương mại đầu tiên có thiết kế màn hình tràn viền không khiếm khuyết, camera trước hoàn toàn “biến mất” mà vẫn cho chất lượng ảnh ảnh selfie như ý.

Khao khát của giới công nghệ về chiếc điện thoại không khiếm khuyết

Tháng 6/2019, Phó Chủ tịch Xiaomi, ông Wang Xiang hào hứng công bố bước ngoặt trong ngành công nghiệp sản xuất smartphone khi giới thiệu chiếc điện thoại concept đạt tới độ hoàn hảo trong thiết kế: Camera trước được đưa vào trong màn hình, giúp phần hiển thị không khiếm khuyết. Ông Wang Xiang cũng tiết lộ thêm về cách công nghệ này hoạt động qua Twitter cá nhân: Xiaomi sẽ làm một phần màn hình OLED trong suốt để ánh sáng có thể lọt qua đến camera ẩn dưới màn. Động thái cho thấy hãng điện thoại Trung Quốc rất nóng lòng muốn chiếm thế thượng phong trong cuộc đua thương mại hoá công nghệ camera ẩn dưới màn hình (camera under display - CUD).

CUD là công nghệ mà giới sản xuất điện thoại thông minh luôn mơ ước chinh phục. Việc ẩn camera dưới màn hình phục vụ mục đích duy nhất: mang đến một màn hình điện thoại không một điểm che khuất nào, nhưng vẫn phải bảo đảm có một camera phía trước để chụp ảnh selfie. Không muốn chậm chân, Oppo, Vivo, Samsung, Huawei… bắt tay ngay vào nghiên cứu công nghệ mới mẻ này và cũng sớm đưa ra các bản concept. Nhưng ngay cả khi Visionox - công ty chuyên sản xuất màn hình OLED cho biết có thể sản xuất với số lượng lớn màn hình chứa CUD, người dùng vẫn chưa được trên tay các sản phẩm thương mại ra thị trường.

Bởi theo Theverge (chuyên trang reviews các sản phẩm công nghệ), việc đưa camera selfie ẩn dưới màn sẽ khiến tỉ lệ truyền dẫn ánh sáng rất thấp, không quá 50% so với các thiết kế thông thường khác. Việc này hạn chế khả năng thu nhận ánh sáng của camera, đặc biệt trong điều kiện thiếu sáng, dẫn đến sai khác lớn về màu sắc và giảm mức độ chi tiết của bức ảnh chụp được so với cảnh thực tế.

Ngoài ra, việc xuất hiện phản xạ tại các lớp màn hình mang đến sai số về quang học, gây ra loé sáng và mờ trong bức ảnh chụp được. Để tạo ra được những bức ảnh và video với chất lượng cao trong điều kiện khó khăn này là thách thức lớn mà tất cả các trung tâm R&D tầm cỡ trong ngành điện thoại đều gặp phải.

Vsmart Aris nổi bật với thiết kế khung kim loại sang trọng và lưng kính nhám

Cũng phải nói thêm, khi iPhone X ra mắt mùa thu năm 2017 đã mở ra cuộc đua về màn hình tràn viền, với phần màn hình hiển thị nhiều hơn trên cùng một kích thước màn. Tuy nhiên, đến chiếc iPhone mới nhất là iPhone 11, Apple vẫn chưa thể bỏ một “khiếm khuyết” ở mặt trước, đó là phần “tai thỏ” - nơi chứa camera trước và loa thoại.

Các điện thoại Android thay đổi nhanh hơn trong cuộc đua này. Nhiều hãng chấp nhận thay đổi kết cấu nguyên khối của điện thoại để mang lại một màn hình tràn viền “sexy” không khiếm khuyết như trang bị cụm camera selfie dạng trượt có thể ẩn vào cạnh trên máy trên Xiaomi Mi Mix 3, Vivo V15 hay Oppo F11 Pro. Hay trên chiếc Samsung Galaxy A80, Zenfone 6 cũng có các biến thế dạng lật xoay. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải những thiết kế hoàn hảo bởi độ trễ khi khởi động máy ảnh, khiến smartphone kém bền hơn và tiêu tốn pin đáng kể.

Cuối cùng, giải pháp sử dụng camera đục lỗ đang được nhiều hãng Android áp dụng nhất. Và giới công nghệ vẫn mòn mỏi chờ đợi ngày CUD được thương mại hoá, mang đến một bước đột phá mới giúp tối ưu viền màn hình của điện thoại mỏng đi đáng kể mà không cần dùng đến thiết kế camera pop-up, tai thỏ hay là nốt ruồi - cho đến khi VinSmart tuyên bố làm chủ công nghệ tiên tiến này, và có sản phẩm thương mại ngay trong tháng tới.

Giải bài “bài toán 1 triệu USD” từ hệ sinh thái công nghệ Vingroup

Khi công nghệ CUD lần đầu được giới thiệu ở phiên bản concept, VinSmart mới được 1 năm tuổi và có sản phẩm thương mại đầu tiên chừng 6 tháng. Ban đầu, hãng điện thoại Việt tập trung ở phân khúc phổ thông và nhanh chóng chiếm chỗ đứng vững chắc trên thị trường, với hơn 70% thị phần smartphone dưới 2 triệu đồng tại Việt Nam; và đứng thứ 3 toàn thị trường chỉ sau Samsung và Oppo. VinSmart mới chỉ tiếp cận công nghệ CUD trong ít tháng gần đây, tuy nhiên họ đã sớm về đích so với các tên tuổi trong ngành.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, GĐ TT Nghiên cứu Thiết bị di động VinSmart cho biết, để rút ngắn thời gian, hãng hợp tác với Visionox để sản xuất phần cứng. Trong khi đó, để giải bài toán về chất lượng ảnh selfie, không phải cứ có tiền là mua được.

Ban đầu có công ty công nghệ chào giá 1 triệu USD, cùng một số tiền không nhỏ cho mỗi sản phẩm thương mại để đổi lấy giải pháp cho CUD. Tuy nhiên, vì giải pháp đó chưa thực sự khác biệt với các hãng khác đang làm, trong khi giá mua công nghệ khiến mỗi chiếc điện thoại phải đội giá lên cả triệu đồng là quá lớn”, ông Khoa chia sẻ.

Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xứ lý hình ảnh selfie là bắt buộc nếu muốn đưa cho ra những ảnh chất lượng tốt. VinSmart sau đó đặt bài toán này với Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VinAI – thuộc Tập đoàn Vingroup), và kết quả nhận về như lời ông Khoa là “đáng kinh ngạc”. Theo đó, VinAI phát triển công nghệ nhiếp ảnh AI tiên phong VCam Kristal, được xây dựng từ các nền tảng thị giác máy tính và nhiếp ảnh điện toán, và đặc biệt là các thiết kế nơron nhiều tầng đặc thù do đội ngũ chuyên gia và kỹ sư tại VinAI nghiên cứu và phát triển.

VCam Kristal cho phép vượt qua các rào cản quang học của camera ẩn dưới màn hình, loại bỏ các hiện tượng ảnh mờ, thiếu sáng, màu sắc thiếu trung thực, nhiễu và loé sáng, để tạo ra những bức ảnh selfie yêu thích và sắc nét với độ phân giải cao 4K. Điều kinh ngạc ở chỗ, AI của chiếc Airs chỉ xử lý trong vòng 1 giây, thay vì 3 giây như giải pháp từ đối tác”, Giám đốcTT Nghiên cứu Thiết bị di động VinSmart kể lại bước ngoặt trong việc đưa công nghệ CUD ra thị trường.

Việc tự chủ trong công nghệ lõi của CUD giúp VinSmart đưa ra thị trường các sản phẩm smartphone với mức giá dễ tiếp cận

Việc tự chủ trong công nghệ lõi của CUD giúp VinSmart đưa ra thị trường các sản phẩm smartphone với mức giá dễ tiếp cận. Vsmart Airs Pro đã chuẩn bị lên kệ, là bước tiến dài không chỉ với ngành công nghiệp sản xuất smartphone tại Việt Nam, mà còn là một trong những sản phẩm đánh dấu sự phát triển của làng công nghệ thế giới, mang lại những sản phẩm có thiết kế hoàn chỉnh với người dùng.

TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu Chính Viễn Thông cho rằng đây là điều rất đáng tự hào, bởi sau rất nhiều năm luôn chậm chân, người tiêu dùng Việt Nam lại là những khách hàng đầu tiên trên thế giới được trải nghiệm công nghệ tiên phong này từ VinSmart.

Sự tự chủ của hệ sinh thái công nghệ Vingroup hứa hẹn những bước phát triển vượt bậc, bởi ngành công nghệ luôn chứa đựng những bất ngờ, những hãng đi sau hoàn toàn có thể về trước nhờ giải pháp đột phá sáng tạo”, TS Mai Liêm Trực nhận định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang