Tiểu cảnh hoa chào mừng TP
Đà Lạt tròn 130 năm hình thành và phát triển
Tham dự buổi lễ có ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng nhiều đại biểu nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo, các sở ngành địa phương. Sân khấu quảng trường Lâm Viên có sức chứa 25.000 người chật kín du khách, người dân địa phương tham gia đêm hội.
Xuyên suốt chương trình, người dân và du khách được theo dõi các hoạt cảnh nghệ thuật đặc sắc tái hiện lịch sử 130 năm của vùng đất trên cao nguyên Langbiang (còn gọi cao nguyên Lâm Viên), kể từ ngày 21/6/1893, bác sỹ người Pháp Alexandre Yersin (1843-1963) cùng đoàn thám hiểm đã phát hiện ra vùng đất có khí hậu mát lành, ôn đới, ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển.
Ngay sau đó, thị tứ Đà Lạt được hình thành, trên cơ sở Toàn quyền Đông Dương chấp nhận đồ án của vị bác sĩ giàu lòng nhân ái với con người, thiên nhiên - nơi ông đi qua và gắn bó, cống hiến cho sự nghiệp y đức của mình. Đà Lạt trở thành nơi nghỉ dưỡng dành cho công chức và binh lính Pháp ở Đông Dương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại buổi lễ
Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cho xây Dinh 2 (Dinh toàn quyền) làm nơi nghỉ dưỡng và điều hành cuộc chiến kéo dài nhiều năm của người Pháp ở 3 nước Đông Dương.
Trải qua năm tháng rộng dài hơn một thế kỷ, từ thuở sơ khai chỉ vài trăm người dân bản địa sinh sống, chỉ toàn rừng với núi, ngàn thông... Đà Lạt chuyển mình mạnh mẽ với không ít thăng trầm.
Ban đầu chỉ có người dân bản địa sinh sống, chủ yếu là đồng bào Lạch, Chil, Srê (một nhánh của đồng bào K'Ho) rồi người Pháp đặt chân đến, sau đó vua Bảo Đại triều Nguyễn cùng gia đình sinh sống nhiều năm (tại Dinh 1, Dinh 3) rồi người Nhật, người Mỹ đóng quân, lập sân bay quân dụng, trường đào tạo sỹ quan... May thay, mảnh đất này rất ít và hầu như không bị bom đạn của những năm tháng đất nước xảy ra chiến tranh tàn phá. Mảnh đất xinh đẹp này như nàng công chúa được ưu ái, trở thành nơi nghỉ dưỡng của các viên chức cao cấp trước 1975.
Ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Lâm Đồng thay mặt lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng phát biểu
Những kiến trúc Pháp lộng lẫy, trang hoàng như loạt 3 Dinh (Dinh 1, Dinh 2, Dinh 3), nhà thờ Con Gà, trường cao đẳng Đà Lạt, nhà hàng Thuỷ Tạ cùng hàng chục căn biệt thự sa hoa, hạ tầng kiến trúc... trải qua các thời kỳ ngày càng được bồi đắp, trùng tu. Cùng đó, với khí hậu mát mẻ, trong lành, hệ sinh thái rừng (chủ yếu là thông 3 lá), hoa nở, cỏ xanh quanh năm khiến Đà Lạt trở thành thành phố đặc thù riêng về tiềm năng du lịch, thu hút khách thập phương.
Với tình yêu Đà Lạt, lớp lớp lãnh đạo thành phố ngàn hoa này cùng với cả chục ngàn người di dân từ hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước "đất lành chim đậu" hội tụ về đây hăng say lao động, sáng tạo, tôn tạo TP Đà Lạt ngày càng đi đúng hướng, trở thành thành phố du lịch nổi tiếng với rất nhiều mỹ từ lãng mạn và thơ mộng: Thành phố ngàn hoa, Thành phố tình yêu, Thành phố sương mờ, Paris thu nhỏ...
Lễ kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển nhằm ôn lại ký ức trầm hùng, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa; từ đó, khơi dậy khát vọng, ý chí tự lực, tự cường phát triển TP Đà Lạt ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.
Ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt phát biểu
Phát biểu khai mạc, ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết: Thành tựu nổi bật trong thời gian qua là Đà Lạt đã trở thành trung tâm du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế, thành phố Festival Hoa duy nhất của Việt Nam, thành phố thông minh, thành phố sáng tạo Âm nhạc của UNESCO; tiếp tục phấn đấu xây dựng là đô thị di sản thế giới, trung tâm văn hoá - thể dục - thể thao cấp vùng.
Cũng theo ông Tú, Đà Lạt đã 2 lần được công nhận là “Thành phố du lịch sạch ASEAN” và là một trong những điểm đến lãng mạn hàng đầu châu Á, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, hàng năm thành phố đón trên 6 triệu lượt khách.
Không chỉ là địa điểm du lịch hấp dẫn, Đà Lạt cũng đi những bước đúng đắn, là đầu tàu cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm hàng hoá được xuất đi nhiều nước trên thế giới và phục vụ người dân trong nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá: Cơ cấu kinh tế của TP Đà Lạt chuyển dịch theo hướng hợp lý; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, đóng vai trò chủ lực với các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là mặt hàng rau, hoa, nông sản chất lượng cao. "Chúng ta rất vui mừng Đà Lạt đã được gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO. Qua đó góp phần định vị thương hiệu, khẳng định sự ghi nhận của bạn bè trong nước và cộng đồng quốc tế, thúc đẩy quảng bá hình ảnh TP Đà lạt là điểm đến hấp dẫn, an toàn, văn minh và thân thiện", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao Thư xác nhận của Tổng Giám đốc UNESCO cho lãnh đạo thành phố Đà Lạt
Thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, TP Đà Lạt cần giữ gìn vẻ đẹp thơ mộng, truyền thống nhưng luôn đổi mới, sáng tạo, phát triển ngày càng văn minh, hiện đại, đặc sắc. TP Đà Lạt phải quyết liệt hơn nữa trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hợp lý, hiệu quả, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược, hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, góp phần đưa Đà Lạt trở thành một địa phương phát triển quan trọng của vùng, của đất nước, điểm kết nối quan trọng với khu vực và thế giới.
Câu chuyện về 130 năm hình thành và phát triển của TP Đà Lạt (1893 - 2023) được kể bằng sân khấu nghệ thuật, gồm 3 chương: Bình minh trên cao nguyên Lâm Viên, Nét riêng phố núi và Khát vọng Đà Lạt với sự tham gia biểu diễn của hàng trăm nghệ nhân, nghệ sĩ, học sinh, sinh viên tại TP Đà Lạt.
Chuỗi sự kiện chào mừng TP Đà Lạt "sinh nhật" 130 năm kéo dài trong năm 2023; đặc biệt từ tháng 9 đến ngày 31/12/2023 gồm 9 chương trình chính và 17 chương trình hưởng ứng như triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật; hội thảo; các chương trình ca múa nhạc giao lưu, kết nối văn hoá về Đà Lạt. Trong đó, các hoạt động đáng chú ý như chương trình “Nghệ thuật thời trang tơ lụa” thuộc chuỗi chương trình Triển lãm nghệ thuật “Đà Lạt Xưa”; Đêm giao lưu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc; Đêm giao lưu văn hoá, kết nối du lịch Lâm Đồng - Việt Nam với vùng Ladakh - Ấn Độ... diễn ra tại Trường Cao đẳng và Quảng trường Lâm Viên - Đà Lạt.
Trước đó, ngày 29/12/2023 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định TP Đà Lạt là trung tâm tiểu vùng Nam Tây Nguyên; tiến tới xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Giới trẻ thích thú với màn bắn pháo hoa và ca múa nhạc nghệ thuật chào mừng TP Đà Lạt tròn 130 năm
TP Đà Lạt bắn pháo hoa mừng "sinh nhật" 130 năm