Ám ảnh huyện buồn một năm có 37 người tự tử

Thứ Năm, 10/03/2016 08:45  | Xuân Hoài

|

(CAO) Tuy chưa có thống kê trong cả nước, nhưng theo cảm nhận của chúng tôi, năm 2015, có lẽ huyện Nam Trà My có số người tự tử kỷ lục, hàng đầu Việt Nam (cấp quận, huyện). Điều gì khiến vùng đất này lại có nhiều người tự tử đến vậy?

Đến huyện nghèo Nam Trà My (Quảng Nam), biết chuyện năm 2015 có 37 người tự tử khiến ai cũng giật mình. Đặc biệt, tại xã Trà Nam có 17 người tự tử trong năm qua, quả là con số không thể tin.

Ở xã một năm có 17 người tự tử

Một ngày cuối tháng Giêng, khi hương xuân vẫn còn len lỏi nơi núi rừng trùng điệp, chúng tôi lên Nam Trà My, huyện xa và nghèo nhất tỉnh Quảng Nam công tác.

Lâu nay vẫn nghe thông tin dư luận đề cập ở huyện này có nhiều người tự tử, nhưng khi tìm hiểu, biết được những con số tự tử kỷ lục, 37 người trong năm 2015, khiến chúng tôi không khỏi rùng mình. Đặc biệt, tại xã Trà Nam, năm 2015 có đến 17 trường hợp tự tử, kể cả chính quyền địa phương và người dân nơi đây cũng không tin vào những gì thực tế đang diễn ra…

Y sĩ Trần Văn Toàn, Trạm phó Trạm Y tế xã Trà Nam lật từng trang sổ lưu bệnh nhân, chỉ “mỏi tay” những trường hợp người dân nơi đây tự tử trong năm qua với tiếng thở dài thườn thượt.

Y sĩ Toàn buồn buồn chỉ về nơi một số làng quê ở Trà Nam xảy ra tự tử

Y sĩ Toàn kể, cuối năm 2015, chị Trần Thị Thêm (SN 1990, trú thôn 5) được người nhà mang đến Trạm Y tế xã Trà Nam mới tình trạng mặt tím tái, người li bì vì ăn lá ngón. Nhân viên y tế tại trạm cố gắng để sơn cứu ban đầu, xóc ruột nhưng không kịp. Chị đã tử vong, bỏ lại chồng và đứa con nhỏ bơ vơ. Lí do khiến Thêm tự tử hết sức đơn giản, chồng đi rẫy về, ăn uống bình thường, sau đó hai vợ chồng nói qua lại, to tiếng. Nhưng tối lại thì Thêm đã mượn lá ngón để kết liễu đời mình.

Trong năm 2015, em Phạm Đăng Phú (SN 1999, trú thôn 3) tự tử cũng với lí do hết sức đơn giản. Phú còn trẻ, chưa vợ, nhưng khi nghe bố mẹ hay xích mích, cãi cọ nên Phú ra phía sau nhà thắt cổ tự vẫn khiến người làng ai biết cũng xót xa, bố mẹ hối hận cũng không kịp.

Ở Trà Nam cũng như một số địa phương ở Nam Trà My vẫn còn quan niệm “có người chết xấu trong làng thì những người xung quanh bỏ làng đi, di dời về nơi ở mới”.

Theo y sĩ Toàn, đầu năm 2016, làng Măngdi 4 cũng vừa dời đi vì trong năm 2015 ở làng này có 3 người tự tử. Trước đó, tháng 8-2015, khoảng 15 hộ dân làng Măng di 3 cũng dời xuống bên làng Măng di 1. Lí do, theo người dân, thì do Hồ Văn Giang (29 tuổi) tự tử.

Giang đi uống về, vợ cằn nhằn rồi đi ngủ. Đến khoảng 4 giờ sáng dậy thì đã thấy Giang treo cổ tự vẫn ở dưới bếp. Sau đó gia đình bỏ nhà đi nơi khác ở, người làng Măng di 3 thấy có người chết xấu nên cũng bỏ đi lập nơi ở mới.

Nhà anh Giang tự tử, giờ để không, người làng sợ chết xấu nên cũng đã chuyên đi nơi khác

“Những lí do mà họ tự tử hết sức đơn giản, chỉ mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, nhưng nhiều người tìm đến cái chết. Do ý thức người dân còn thiếu hiểu biết, thiếu bản lĩnh, gia đình gặp khó khăn nên khi có việc mâu thuẫn không ít người tìm đến cái chết”, y sĩ Toàn nhìn nhận.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chủ tịch UBND xã Trà Nam cũng buồn rầu không kém khi nói về câu chuyện trong xã có 17 người tự tử trong năm qua. Ông Thuấn cho rằng, trước đây thỉnh thoảng có xảy ra tình trạng tử tử, nhưng không hiểu sao năm vừa qua lại “đột biến” đến như vậy.

“Mặc dù các cơ quan chức năng của huyện đã phối hợp với địa phương thực hiện tuyên truyền đến bà con nhân dân, vận động, động viên bà con trong cuộc sống, cố gắng vươn lên, nâng cao ý thức, xử sự trong gia đình, xã hội nhưng xem ra vẫn chưa thấm vào tâm thức bà con hay sao mà lại xảy ra những sự việc đau lòng trên”, ông Thuấn buồn buồn, nói.

Đói nghèo, nguyên nhân sâu xa (?)

Trong năm 2015, tại xã Trà Cang cũng có 10 trường hợp tự tử, trong đó nhiều trường hợp ăn lá ngón. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng chỉ vì sự suy nghĩ chưa thấu đáo đã khiến nhiều gia đình vốn đã khó khăn lại càng vất vả hơn.

Phần nhiều người dân tìm đến lá ngón để tự tử

Câu chuyện hai vợ chồng Hồ Văn Thiên và Hồ Thị Thôi (ở thôn 3, Trà Cang) chỉ vì khó khăn, nghèo khó, bi quan trong cuộc sống dẫn đến vợ chồng thường hay chán nản khi làm mãi mà không đủ nuôi bốn đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn (từ 3 đến 10 tuổi). Chị Thôi đã lấy lá ngón để tìm đến cái chết, mười ngày sau, chồng chị cũng theo chân vợ bằng lá ngón để lại bốn đứa trẻ bơ vơ cho ông Hồ Văn Suốt (84 tuổi, cha anh Thiên) nuôi nấng…

Khi nhắc đến việc năm qua huyện Nam Trà My có số người tự tử “kỷ lục”, Thiếu tá Lê Việt Trung, Trưởng Công an huyện Nam Trà My “rất xót xa”.

Theo Thiếu tá Trung, trước đây thỉnh thoảng xảy ra tự tử, một vài trường hợp bị bệnh thần kinh dẫn đến tự tử ở Trà Tập, nhưng không hiểu sao năm qua lại xảy ra nhiều trên địa bàn huyện, đặc biệt Trà Nam và Trà Cang lại nhiều đến thế.

“Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo huyện, Ban lãnh đạo Công an huyện đã chỉ đạo đơn vị chức năng lập chuyên đề về việc tìm hiểu nguyên nhân, tìm giải pháp để hạn chế vấn nạn tự tử. Chuyên đề đã khởi động được hơn bốn tháng, bước đầu cho thấy, nổi lên nguyên nhân sâu xa, chiếm tỉ lệ cao trong số người tự tử do đời sống người dân gặp nhiều khó khăn dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình. Cộng với việc suy nghĩ nông cạn, thiếu ý thức nên không ít trường hợp tìm đến cái chết”, Thiếu tá Trung nói.

Thiếu tá Trung cho rằng, không chỉ công an, mà các ngành chức năng liên quan sau vấn nạn tự tử rộ lên trong năm qua cũng đã đến từng thôn bản tuyên truyền, vận động bà con, để cho bà con hiểu. Ngoài việc không nên suy nghĩ nông cạn, cần có bản lĩnh trong cuộc sống thì còn thực hiện việc nâng cao đời sống, từ đó tránh xảy ra những khúc mắc không đáng có.

Năm 2016 này, lãnh đạo huyện Nam Trà My đã chỉ đạo 3 cán bộ giúp một gia đình trong làm ăn, sinh sống. Với phương châm hỗ trợ nhân công, vật lực, không để bà con ỷ lại, mà hướng dẫn, giúp đỡ, tìm đầu ra để bà con chăn nuôi, sản xuất…

Ngoài ra, Công an huyện còn tham mưu các địa phương, tuyên truyền đến bà con không nên tin vào chuyện ma quỷ, không nên dời làng khi có người tự tử, hoặc “chết xấu” làm xáo trộn đến cuộc sống, đã nghèo lại gặp eo hơn.

“Với việc vận động tích cực, quyết liệt, hy vọng năm nay và những năm tiếp theo vấn nạn tự tử sẽ giảm một cách tối đa ở huyện nghèo Nam Trà My này”, Thiếu tá Trung kỳ vọng.

“Ở Nam Trà My, người tử tử thường treo cổ hoặc ăn lá ngón. Đặc biệt, tại xã Trà Nam hoặc Trà Cang thường hay ăn lá ngón, vì ở địa bàn hai xã này có nhiều lá ngón. Lá ngón có độ độc rất cao, khi ăn vào bị cào đường ruột dữ dội, làm tim co bóp mạnh, bị teo dạ dày và ruột non nên rất khó nôn ra, khiến nguy cơ tử vong cực kỳ cao. Khi biết, người ăn lá ngón, thì nên lấy tay móc họng để nhanh ói (nôn) ra càng nhiều càng tốt, hoặc đập trứng gà sống rồi cho nuốt vào để dễ nôn ra…”, y sĩ Toàn khuyến cáo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang