Ám ảnh chuyện cha mẹ giết con vì quá khổ

Thứ Ba, 15/09/2015 22:20  | Khê Đồng (tổng hợp)

|

(CAO) Bế tắc trước cảnh nghèo, có người tự tử để giải thoát cho mình nhưng cũng có người chọn cái chết vì tương lai của con cái. Nhưng dù với lý do gì, sự ra đi của họ đều để lại những hậu quả tiêu cực.

Cha chết cùng 3 con vì không nuôi nổi

Vì không nuôi nổi 3 đứa con, nên đêm 13-9, anh Nguyễn Hoài Tâm (33 tuổi, ấp Thạnh Nam, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, Tây Ninh) đã khóa trái cửa, đổ xăng phóng hỏa trong lúc các con đang ngủ. Vụ hỏa hoạn đã cướp đi sinh mạng của anh cùng 3 con ruột là: Nguyễn Xuân Quý (12 tuổi), Nguyễn Phạm Xuân Quỳnh (10 tuổi), Nguyễn Thị Bích Trâm (7 tuổi).

Nhiều người đã không thể cầm được nước mắt khi nhìn thấy 4 chiếc quan tài đặt thành một hàng ngang

Trong thư tuyệt mệnh gửi lại cho vợ, anh Tâm viết: "Anh không nuôi con nổi nữa nên sẽ đưa chúng đến một nơi tốt hơn. Em cứ tìm một cuộc sống sung sướng hơn đi…".

Nhiều người đã không thể cầm được nước mắt khi nhìn thấy 4 chiếc quan tài đặt thành một hàng ngang. Cả khu vực ấp Thạnh Nam chìm trong tang tóc.

Gia đình anh Tâm vốn khó khăn nhưng Tâm rất thương vợ con. Từ lúc vợ có ý định bỏ đi làm việc kiếm tiền, hai người thường xảy ra cự cãi. Nhưng, không ai nghĩ từ chuyện xích mích vợ chồng mà Tâm đã quá dại dột làm ra những việc tày trời như thế này.

Chị Phạm Hiền Triết (vợ anh Tâm), gào khóc thảm thiết trước cái chết của chồng và 3 con. Chị vừa khóc vừa kể: “Em hứa là em sẽ về mà. Em đâu có đi đâu mà sao anh lại đem mấy đứa đi hết vậy? Em sống với ai bây giờ anh ơi…”.

Chị Triết gào khóc trước cái chết của chồng và 3 con. Ảnh: VNN

Sau khi rời khỏi nhà, chị Triết lên Sài Gòn tìm kế mưu sinh. Chị giúp việc cho một gia đình khá giả. Trong thâm tâm chị chị sẽ cố gắng dành dụm để gửi về quê phụ chồng nuôi con nhưng có lẽ đã quá muộn...

Mẹ giết con nhỏ để thoát cảnh bệnh khổ

Chị Nguyễn Thị Hoài An (26 tuổi, ngụ xã Nhơn Đức, H.Nhà Bè, TP.HCM) và Phạm Nhựt Tân kết hôn và có con cùng trong năm 2013. Tân làm thợ hồ theo công trình, một tuần mới về nhà một lần.

An nghĩ thấy hoàn cảnh quá túng quẫn, cha tai biến nặng, mẹ buôn bán gánh vác cả gia đình, bản thân lại bị thiếu máu não hồng cầu bẩm sinh phải được tiếp máu mỗi tháng, song không đủ tiền, có khi 5 - 6 tháng An mới đi tiếp máu một lần, mỗi lần như thế hết hơn 3 triệu đồng. An cũng không biết viết, mọi giấy tờ cần được ký thì An chỉ lăn dấu vân tay. 

Cuộc sống túng quẫn càng túng quẫn khi con gái An là Nguyễn Thị Anh Thư (1 tuổi) bị ung thư máu. Đứa bé liên tục nóng sốt và hình hài teo tóp này chỉ được tính từng ngày.

Khoảng 21 giờ 20 ngày 16-10-2014, An nảy sinh ý định giết con rồi tự tử để có thể tiếp tục làm mẹ con ở một thế giới khác và không để lại gánh nặng cho gia đình.

Con giết cha bị bại liệt rồi tự sát vì quá... khổ

Suốt 10 năm trời, hàng ngày Trần Văn Kiệt (27 tuổi, ngụ Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh) đi làm thợ hồ kiếm tiền nuôi cha, ông Trần Văn Châu (50 tuổi) bị bại liệt. Tết gần đến mà bản thân lại mang nợ và không có tiền nên ngày 20-1-2014, Kiệt quẫn trí, dùng kéo đâm chết cha mình rồi sau đó tự vẫn để cho cha và bản thân thoát khỏi cuộc sống cơ cực này.

Tự tử để gia đình được cấp sổ hộ nghèo

Chiều 24-4-2013, xứ An Xuyên bàng hoàng, thảng thốt bởi cái tin chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân (38 tuổi, ngụ ấp 5, xã An Xuyên, tỉnh Cà Mau) treo cổ chết. Bên cạnh xác chết của chị, người ta đã tìm thấy những bức tâm thư tuyệt mệnh. Chị chọn quyên sinh là giải pháp cuối cùng với hy vọng kiếm được ít tiền phúng điếu để cho con tiếp tục đi học và gia đình được cấp sổ hộ nghèo.

Chia sẻ để vượt qua bế tắc

Mỗi câu chuyện đều đau buồn, quá thương tâm. Tục ngữ của người Việt ta có câu "cái khó ló cái khôn", nhưng có lẽ ý nghĩa ấy chỉ ứng với hoàn cảnh con người vẫn giữ được ý chí vươn lên; còn trong những câu chuyện trên, có lẽ "cái khó đã bó cái khôn".

Nhiều người tự tử vì muốn giải thoát cho mình và không trở thành gánh nặng cho gia đình; nhưng họ đâu nghĩ rằng sự ra đi này đã để lại hậu quả nặng nề, gây đau khổ tột cùng cho người ở lại.

Xét về mặt đạo đức và pháp luật, đó là những hành vi không thể chấp nhận được nhưng nếu nhìn dưới góc độ nhân văn, người gây án cũng chính là nạn nhân thường bị nỗi bức xúc, thiệt thòi dồn nén lâu ngày, bức bí trong cuộc sống, trong khi họ thiếu kỹ năng sống, không tìm được người để chia sẻ... đã dẫn đến việc cảm xúc lấn át lý trí và hành động tiêu cực, đi trái với đạo đức con người.

Theo các chuyên gia tâm lý, hầu hết những người có ý định tự tử đều không muốn chết, họ bị rơi vào bế tắc, trầm cảm nặng và chỉ mong muốn được thoát ra khỏi sự bế tắc, đau đớn, trầm cảm đó mà thôi.

Dường như cuộc sống này, con người ta phải lo toan, phải chạy vạy quá nhiều cho cuộc sống mưu sinh hàng ngày để rồi sự quan tâm, chia sẻ với nhau trong cuộc sống đời thực giữa con người với con người còn quá mờ nhạt.

Do đó, người thân, gia đình, họ hàng, chòm xóm cần quan tâm tới nhau, động viên và hỗ trợ nhau vượt qua những vấn đề khó khăn, xích mích nhỏ để tạo niềm tin, tình yêu cuộc sống ở mỗi thành viên để họ nhận ra rằng căng thẳng, trầm cảm chỉ là tạm thời, xung quanh họ còn nhiều sự giúp đỡ, còn nhiều người thân, nhiều việc quan trọng với họ, và cuộc sống của họ rất có ý nghĩa...

Bình luận (0)

Lên đầu trang