Bác sĩ bệnh viện tâm thần sợ nhất điều gì?

Thứ Ba, 21/06/2016 09:16  | Nguyễn Tuấn

|

(CAO) Hầu hết các y bác sĩ trực tiếp chăm sóc, điều trị tại bệnh viện Tâm thần đều bị bệnh nhân cho… ăn đòn. Điều họ lo sợ nhất là khi bệnh nhân lên cơn kích động, hành hung tập thể.

Gây án

Thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ bệnh nhân tâm thần đánh nhau. Sáng 9-5, tại Viện Pháp y tâm thần T.Ư Biên Hòa (Đồng Nai), hai bệnh nhân nảy sinh mâu thuẫn và cầm dao “lụi” nhau. Dù được đem đi cấp cứu nhưng hai bệnh nhân Long (28 tuổi, quê Bạc Liêu) và Minh (34 tuổi, ngụ TP.HCM) đều tử vong.

Trước đó không lâu, bệnh viện Tâm thần T.Ư 2 cũng xôn xao vì một bệnh nhân cầm gạch đánh vào đầu bệnh nhân khác khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Điều dưỡng bị bệnh nhân tâm thần tưới xăng đốt đã tử vong

Không riêng gì T.Ư 2, nhiều y bác sĩ, hộ lý ở bệnh viện Tâm thần TP.HCM ngày nào cũng đối mặt với nguy cơ bệnh nhân hành hung.

Bác sĩ Lê Hiếu, phó trưởng khoa Nội trú cho biết: “Khi một bệnh nhân lên cơn kích động thì sẽ lôi kéo theo nhiều bệnh nhân khác, dẫn đến hành hung tập thể. Chuyện người bệnh chửi bới, la mắng, lâu lâu “thụi cùi chỏ” vào người y bác sĩ là thường ngày như cơm bữa”. 

Trò chuyện cùng với bệnh nhân nằm viện - Ảnh: BVCC
Bệnh nhân đánh nhau, bệnh nhân đánh y bác sĩ, hộ lý đến gãy răng, sảy thai, nhập viện không phải là chuyện lạ ở bệnh viện Tâm thần TP.HCM.

Bác sĩ Hiếu nhiều lần cũng bị đánh đau điếng người. Lần đầu tiên trong đời, một nữ bệnh nhân bất ngờ sấn đến gây sự với bác sĩ rồi tung cú đấm vào mặt. Lần thứ hai, nam bệnh nhân cầm ghế, hùng hổ xông vào phòng đánh. Ông Hiếu phải cầu cứu người khác vào giải cứu.

“Có bữa, tôi đang khám thì một bệnh nhân nam nhảy từ trên giường xuống, song phi một phát vào mặt. Tôi đau đớn như ngã quỵ” bác sĩ Hiếu kể.

Hộ lý Nguyễn Hùng Vương (55 tuổi) kéo gấu quần lên “khoe”vết tích của một đợt can thiệp mới đây khiến ông phải nhập viện.

“8 năm làm việc, tôi không nhớ rõ bao nhiêu lần mình bị bệnh nhân đánh. Đi phát thuốc, thi thoảng bị “bồi” vài phạt. Đứa yếu thì không sao, gặp tay nào mạnh thì sưng phù mặt”. Trong lúc đang định vị một bệnh nhân quậy phá, hộ lý Vương bất ngờ bị ba đến bốn người bệnh ập vào, đè ngã xuống nền. Nhiều lần, người bệnh lên cơn đuổi đánh khiến các y bác sĩ bỏ chạy tán loạn.

Đa số bệnh nhân… đều hiền

Có lẽ ít có bệnh viện nào lại được thiết kế đặc biệt như bệnh viện Tâm thần. Các cánh cửa đều được làm bằng sắt chắc chắn. Một hộ lý túc trực riêng có nhiệm vụ mở và khóa cửa. Camera theo dõi được lắp ở mọi ngóc ngách.

Phòng các y bác sĩ làm việc luôn luôn được đóng, cửa cũng làm bằng sắt. Từ căn phòng nhỏ này, các bác sĩ dễ bề quan sát qua màn hình tivi mọi động tĩnh của bệnh nhân.

Một bác sĩ cho hay, khi bệnh nhân đánh nhau thì các biện pháp phản ứng, can thiệp được thực hiện mau chóng.

Mặc dù ai cũng bị cho ăn đòn, nhưng bác sĩ Lê Hiếu nhận định, hầu hết người bệnh tâm thần đều hiền. Họ chỉ đáng sợ khi lên cơn kích động và đó là số ít.

Với ông Vương, điều khiến ông cũng như bao hộ lý khác quyết tâm gắn bó lâu dài với nghề là vì tình người, vì trách nhiệm với nghề. “Sau khi họ đánh tôi xong, tỉnh lại ân hận lắm. Lại bắt tay tôi và xin lỗi rối rít” ông Vương tâm sự.

Bình luận (0)

Lên đầu trang