Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh chiến lược đào tạo nghề, nâng tầm phát triển đất nước:

Bài cuối: Tăng cường các giải pháp đào tạo nghề đặc thù

Thứ Ba, 29/08/2023 08:23

|

(CATP) Hoạt động xuất khẩu lao động được triển khai ngay từ thời kỳ đất nước ta chỉ có quan hệ kinh tế chủ yếu với các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa. Trong một thời kỳ dài, việc xuất khẩu lao động chỉ được coi là việc tạo điều kiện cho người lao động được làm việc ở một nơi có mặt bằng thu nhập cao hơn từ việc làm tương tự trong nước. Được trả lương cao cho cùng một công việc, người lao động có đủ tiền trang trải chi phí cho cuộc sống hàng ngày ở nước ngoài, đồng thời có tích lũy gửi về nước để hỗ trợ gia đình của mình.

Để xuất khẩu lao động là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội

Không thể phủ nhận tác dụng tích cực của xuất khẩu lao động đối với việc cải thiện thu nhập và điều kiện sống vật chất của bản thân người lao động và gia đình. Tuy nhiên, nếu chỉ như thế thì xuất khẩu lao động không giúp giải quyết được bất kỳ vấn đề gì liên quan đến phát triển nguồn nhân lực có chất lượng và phát triển kinh tế bền vững.

Thực tế còn ghi nhận một loạt các vấn đề hậu xuất khẩu lao động đặt ra như những thách thức đối với xã hội. Một trong những vấn đề nổi cộm liên quan đến việc sử dụng người lao động sau khi hết hạn xuất khẩu lao động về nước, gọi là vấn đề hậu xuất khẩu lao động. Rất nhiều người trở về nước sau khi thời hạn lao động ở nước ngoài kết thúc đã không thể tìm được việc làm phù hợp trong nước. Nếu không tìm được công việc nào đó khác hoặc không chấp nhận làm việc trái nghề, những người này chỉ có thể sống với số tiền dành dụm được từ thu nhập do xuất khẩu lao động. Đến khi hết số tiền đó thì họ buộc phải tìm cách đi lao động xuất khẩu trở lại, hoặc tìm giải pháp khác để có thể tồn tại.

Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản

Vấn đề nữa, cũng phức tạp không kém, thậm chí có ảnh hưởng tiêu cực trong dài hạn đối với việc duy trì, chứ đừng nói đến phát triển, các kênh đưa người đi xuất khẩu lao động, là vấn đề quản lý người lao động ở nước ngoài. Trong thời gian qua, các phương tiện truyền thông thường xuyên đưa tin về thái độ, tác phong không tốt của một số người lao động trong thời gian sinh sống ở nước ngoài. Người này thường xuyên vi phạm kỷ luật lao động; người kia có hành vi trộm cắp vặt tại các cửa hàng; người nọ tụ tập đánh bạc, nhậu nhẹt, gây rối trật tự công cộng... Đặc biệt, không ít người lao động tìm cách trốn ở lại nước ngoài sau khi hết hạn lao động, trở thành người nhập cư bất hợp pháp và là đối tượng xử lý hành chính, hình sự. Có nơi, có lúc, tình hình ứng xử phi chuẩn mực, vi phạm pháp luật của người lao động nghiêm trọng đến mức nhà chức trách nước sở tại ban hành lệnh tạm ngưng tiếp nhận người lao động Việt Nam. Tất cả những điều đó khiến hình ảnh của đất nước bị xuống cấp, uy tín bị giảm sút.

Cần sớm chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động từ khâu định hướng, chính sách đến các biện pháp, giải pháp cụ thể để hoạt động này thật sự là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Ở góc nhìn chủ trương, chính sách, phải coi xuất khẩu lao động không chỉ là biện pháp giúp người lao động có thu nhập cao hơn từ công việc cùng loại thực hiện ở nước ngoài mà trước hết là biện pháp nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động, góp phần xây dựng nguồn lao động có chất lượng cao. Ở góc nhìn vĩ mô, kế hoạch xuất khẩu lao động được xây dựng từ việc đánh giá nhu cầu lao động của các ngành kinh tế mũi nhọn và đòi hỏi cao về kiến thức, kỹ năng của người lao động mà khả năng đáp ứng của hệ thống đào tạo nghề trong nước còn hạn chế. Trên cơ sở kết quả đánh giá đó, việc ký kết các thỏa thuận hợp tác xuất khẩu lao động phải cho phép ưu tiên đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc trong các ngành kinh tế tương ứng ở trình độ cao so với Việt Nam. Mô hình hợp tác trong khuôn khổ chương trình hợp tác chuyển giao kỹ năng kỹ thuật giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản có thể coi là hình mẫu về xuất khẩu lao động cần được nghiên cứu và nhân rộng. Việc chuyển giao kỹ năng kỹ thuật thông qua chương trình thực tập kỹ năng tại Nhật Bản theo tiêu chí rõ ràng: việc thực tập tại Nhật Bản giúp thực tập sinh Việt Nam có được kỹ năng cần thiết để khi trở về nước sẽ trở thành lao động có tay nghề cao trong cùng ngành nghề ở Việt Nam.

Việc cần làm nữa là cải cách sâu rộng hệ thống tuyển chọn người để đưa đi xuất khẩu lao động. Đối với lao động xuất khẩu theo hiệp định ký kết giữa Việt Nam với các nước, cần lựa chọn lao động trẻ có trình độ học vấn, kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp nhất định trong lĩnh vực hợp tác đã được xác định theo thỏa thuận.

Còn một điều quan trọng là đầu tư thỏa đáng cho việc huấn luyện nhằm trang bị cho người đi xuất khẩu lao động kiến thức về sinh hoạt, giao tiếp ở nước ngoài. Điều này rất cần thiết để giúp người lao động hòa nhập tốt vào cuộc sống ở nước sở tại, góp phần hạn chế hiện tượng ứng xử phi chuẩn mực, trở thành vấn nạn, gánh nặng đối với nhà chức trách và cộng đồng.

Người khuyết tật làm việc tại một cơ sở giầy da

Đào tạo nghề cho nhóm người yếu thế

Phụ nữ nghèo, người khuyết tật được xem là những người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội. Ở góc nhìn hoạt động nghề nghiệp, những người này được cho là gặp nhiều khó khăn so với những nhóm người khác: khó khăn do định kiến xã hội về năng lực, về khả năng thích nghi với môi trường lao động; khó khăn trong việc tiếp cận và khai thác cơ hội nghề nghiệp đối với một số nghề đặc thù... Họ cần được hỗ trợ để có thể vượt qua những khó khăn ấy, từ đó có thể kiếm sống và nếu được, có thể tiến thân, thành đạt bằng nội lực của mình.

Đào tạo nghề cho nhóm người yếu thế là một trong những biện pháp hỗ trợ nhằm đạt được mục tiêu đó. Trong thời gian vừa qua, việc đào tạo nghề cho những người này được triển khai trong nhiều trường hợp dựa vào các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức từ thiện phi chính phủ, các nhà hảo tâm và sự hợp lực của những người đồng cảnh ngộ. Các chủ thể này thường có nguồn lực tài chính không mạnh, do đó không đủ khả năng thiết kế chương trình dạy nghề có chất lượng, mời được thầy dạy nghề giỏi, mua sắm trang thiết bị tốt phục vụ thực tập. Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ các chủ thể này. Việc hỗ trợ có thể được thực hiện thông qua việc kêu gọi xây dựng và thực hiện dự án đào tạo nghề cho những người thuộc nhóm yếu thế. Cá nhân, tổ chức muốn nhận tài trợ để thực hiện hoạt động mang tính thiện nguyện của mình thì phải xây dựng đề án khả thi với các chỉ tiêu cụ thể thuyết phục được Hội đồng thẩm định. Việc thực hiện các chỉ tiêu cụ thể được đặt dưới sự giám sát của Nhà nước và các tổ chức xã hội.

Bên cạnh đó, việc tuyển dụng những người thuộc diện yếu thế đã được đào tạo nghề vào các vị trí việc làm ở các doanh nghiệp cần được thực hiện theo cơ chế liên thông chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Để cơ chế liên thông này được bền vững, Nhà nước cần ra tay trong vai trò của người trợ lực. Cụ thể, doanh nghiệp ưu tiên nhận người khuyết tật, phụ nữ nghèo đã được đào tạo vào làm việc được ưu đãi trong vay vốn để duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh; được hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, dịch vụ...

Có những người yếu thế muốn "tự đi trên đôi chân của mình" bằng cách tự xây dựng và phát triển cơ nghiệp kinh doanh riêng. Cần có cơ chế đánh giá, sàng lọc để nhận diện những doanh nhân thành đạt tiềm năng từ nhóm này và từ đó có biện pháp hỗ trợ thích hợp. Trong hầu hết trường hợp, phụ nữ nghèo, người khuyết tật khởi nghiệp với số vốn khiêm tốn và do đó, chỉ có thể xây dựng, triển khai dự án doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp được tiếp cận với các nguồn tài chính đa dạng để vay vốn, bao gồm các quỹ đầu tư phi lợi nhuận, như tổ chức tài chính vi mô (CEP) và cả các tổ chức tín dụng với sự bảo đảm bằng tín chấp của các hội, đoàn thể.

Điều cần làm nữa là hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng lao động phụ nữ nghèo, người khuyết tật và các doanh nghiệp khởi nghiệp của những người này quảng bá sản phẩm, dịch vụ để có thể cạnh tranh với các sản phẩm, dịch vụ cùng loại. Tất nhiên, tất cả các chủ thể kinh doanh được đối xử bình đẳng trong khuôn khổ chính sách xúc tiến thương mại do Nhà nước chủ trì. Riêng đối với các doanh nghiệp có xu hướng dấn thân bảo vệ người yếu thế có thể được hỗ trợ để làm lan tỏa tên tuổi, thương hiệu thông qua các kênh truyền thông phi thương mại, như chương trình giới thiệu gương người tốt việc tốt, chương trình vinh danh những tấm gương vượt khó...

Bài 1: Đào tạo nghề - nhiệm vụ bức thiết
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang