(CATP) Tưởng tìm đến "tín dụng đen" có thể nhanh chóng giải quyết khó khăn trước mắt, nhưng bà Vương Tuyết Mai (SN 1976, ngụ Q11) không ngờ mình bị dẫn dắt vào một bi kịch kéo dài không lối thoát để rồi "tán gia bại sản".
Khánh kiệt vì "vay nóng"!
Tìm đến Chuyên đề Công an TPHCM, bà Vương Tuyết Mai kể câu chuyện vướng phải "vòng kim cô” tín dụng đen của mình như một lời "cảnh tỉnh" với những người khác sớm nhận biết để không rơi vào bi kịch như hoàn cảnh của gia đình mình. Đồng thời, bà Mai cũng đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an để vào cuộc điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng trong băng nhóm cho vay lãi nặng. Ánh mắt vẫn còn nguyên vẻ hoảng hốt như vừa bước ra khỏi cơn ác mộng, bà Mai cho biết do việc làm ăn khó khăn nên tìm đến "tín dụng đen" như một cách giải quyết nhanh chóng trước mắt. Lúc đầu, bà nghĩ đơn giản số tiền vay chỉ 50 triệu đồng lãi suất cao một chút thì mình cũng có thể dễ dàng xoay xở được.
Tháng 4/2022, bà Mai được giới thiệu gặp đối tượng V.H.N để vay số tiền 50 triệu đồng. Dù viết giấy vay 50 triệu nhưng thực nhận chỉ 40 triệu đồng. Số tiền 10 triệu đồng còn lại được V.H.N cấn trừ trước tiền lãi và phí dịch vụ. Theo thỏa thuận, bà Mai phải trả mỗi tuần 5 triệu đồng và tất toán khoản vay trong thời gian 10 tuần.
Bà Mai cho biết, trả đến tuần thứ 7 thì gặp khó khăn nên chưa gom tiền trả kịp. Lúc này, N. bắt đầu gây áp lực buộc bà phải ký giấy vay tiếp 50 triệu để tất toán khoản tiền vay trước đó. Mỗi lần ký khoản vay mới, bà Mai lại bị "chặt một khúc" để trả trước khoản lãi và phí dịch vụ ở mức "cắt cổ".
Quay đi ngoảnh lại đã đến cuối tuần phải gon tiền để trả nợ, bà Mai dần đuối sức không trả được tiền đúng hạn. Lúc này, N. hối thúc phải trả tiền và tỏ ra nghĩa hiệp giới thiệu người khác tên P.T.H sẵn sàng cho bà vay để trả nợ cho hắn. Nhưng khác với N, đối tượng H. bắt bà Mai phải trả gốc lãi theo ngày chứ không phải theo tuần.
Trước sức ép trả nợ của N, bà Mai tặc lưỡi vay H. số tiền 200 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền thực nhận chỉ còn 180 triệu đồng, còn lại bị trừ phí dịch vụ và môi giới. Theo thỏa thuận, trong vòng 42 ngày bà Mai phải trả hết tiền gốc và lãi với tổng số tiền lên đến 252 triệu đồng. Tính ra mỗi ngày bà Mai phải trả nợ 6 triệu đồng, tương đương lãi suất 30%/tháng.
Từ ngày vướng phải "tín dụng đen", bao nhiêu tiền làm ra đều phải gom hết để trả nợ nhưng vẫn không đủ. Cứ đến lúc chậm trả tiền, các đối tượng lại uy hiếp buộc bà phải mượn của những người chúng giới thiệu để trả nợ khoản vay cũ. Vay đầu này đắp đổi đầu kia, vòng xoáy nợ nần theo đó cũng gia tăng chóng mặt. Chỉ trong vòng 5 tháng, bà Mai đã trả hơn 15 tỷ đồng cho các đối tượng "tín dụng đen" nhưng số nợ vẫn còn hơn 10 tỷ đồng khiến gia đình bà rơi vào cảnh khánh kiệt.
Căn nhà của bà Mai bị các đối tượng tạt sơn để đòi nợ
Nhanh trước mắt, rắc rối... dài lâu!
Trong câu chuyện của mình, bà Mai nhắc đi nhắc lại nhiều lần với chúng tôi, bản thân bà và hầu hết những nạn nhân khác vướng phải "tín dụng đen" xuất phát từ tâm lý chủ quan khi thấy thủ tục nhanh chóng, không cần thế chấp tài sản như vay tiền ở các tổ chức tín dụng nên chấp nhận "vay nóng" lãi suất cao bên ngoài để giải quyết khó khăn trước mắt. Thế nhưng, họ không ngờ khi vướng phải "tín dụng đen" rồi thì như một "vòng kim cô” cứ thế siết chặt khiến các nạn nhân trượt dài trong vòng xoáy nợ nần không lối thoát.
Bà Mai cho biết các đối tượng "tín dụng đen" rất giỏi thao túng tâm lý. Ban đầu số tiền vay còn ít thì chúng tỏ ra nhẹ nhàng, lịch thiệp và hào phóng cho vay. Khi người vay ngày càng lún sâu vào nợ nần, chúng bắt đầu gây áp lực từ đe dọa người thân và dùng đủ chiêu thức khủng bố tinh thần, tạt sơn vào nhà... để con nợ phải "vay tiền người này trả tiền cho người kia".
Chỉ vào danh sách 32 đối tượng cho vay, bà Mai cho biết tất cả đều là một băng nhóm ăn rơ với nhau để từng bước dẫn dắt con nợ vào chỗ khốn cùng. "Lãi mẹ đẻ lãi con, sinh lãi cháu" và trừ phí dịch vụ mỗi lần vay tiền, tính ra bà Mai phải trả lãi lên đến gần 900%/năm. Dù nhận mình là một người "từng trải" nhưng khi vướng phải tín dụng đen, trước sức ép của các đối tượng khiến bà không còn đủ sáng suốt để sớm nhận ra sai lầm mà dừng lại kịp thời.
"Vay ngân hàng chưa trả được còn có thời gian khoanh nợ. Còn vay "tín dụng đen" chậm trả tiền một ngày là chúng khủng bố tinh thần đủ kiểu. Dù biết những người được chúng giới thiệu cho vay tiền đều là một băng nhóm với nhau nhưng con nợ trong lúc túng quẫn không có nhiều sự lựa chọn. Muốn cuộc sống yên ổn nên con nợ cứ nhắm mắt vay đầu này đắp đầu kia khiến khoản nợ cứ ngày một phình to để rồi nhanh chóng rơi vào tình cảnh phá sản, mất khả năng chi trả”, bà Mai chia sẻ.
Từ một người làm chủ nhà xưởng với rất nhiều công nhân nhưng khi vướng phải "tín dụng đen", bà Mai suốt ngày bị các đối tượng khủng bố tinh thần đủ kiểu nên không còn tâm trí để kinh doanh. Cuộc sống gia đình cũng bị đảo lộn khi liên tiếp bị các đối tượng côn đồ tìm đến uy hiếp, khủng bố tinh thần...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen". Bên cạnh chỉ đạo Bộ Công an và các bộ ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", Thủ tướng còn yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân.