Để đấu giá không là… "bán giá”!

Kỳ 4: Những chuyện "dở khóc dở cười" khi tham gia đấu giá

Thứ Hai, 28/08/2023 08:17

|

(CATP) "Mua hồ sơ cũng như tham gia đấu giá vô cùng khó khăn" - Đó là lời cảm thán của ông T.H.L (ngụ Q6, TPHCM) trong đơn tố cáo gửi Sở Tư pháp TPHCM, chỉ đích danh do Công ty Đấu giá hợp danh Đông Nam (gọi tắt Công ty Đấu giá Đông Nam) gây ra. Ông L. đã nộp tiền đặt trước hơn 2,2 tỷ đồng để tham gia đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất (giá khởi điểm là hơn 11 tỷ đồng)…

Suýt mất tiền tỷ vì công ty tự ý đổi địa điểm đấu giá

Theo ông T.H.L, sau khi ông nộp tiền đặt trước tham gia đấu giá là hơn 2,2 tỷ đồng thì khó khăn, vất vả bắt đầu, từ việc mua hồ sơ tham gia đấu giá đến khi tham gia buổi đấu giá tài sản. Trong thời gian bán hồ sơ, Công ty Đấu giá Đông Nam thường xuyên đóng cửa, khiến người tham gia đấu giá không thể liên hệ để mua hồ sơ. "Tôi phải nhờ quan hệ và tác động mới có thể mua được hồ sơ tham gia đấu giá” - Ông L. trình bày. Sau khi mua được hồ sơ, ông L. tiếp tục gặp hàng loạt vấn đề "dở khóc dở cười" khác. Nào là yêu cầu có giấy xác nhận xem tài sản đấu giá, xác nhận số dư tiền gửi thanh toán tại ngân hàng của khách hàng tham gia đấu giá trong thời gian đăng ký đấu giá. Tuy nhiên, vì quan tâm và có nhu cầu mua tài sản nên ông L. vẫn cố gắng đáp ứng các yêu cầu, điều kiện mà Công ty Đấu giá Đông Nam đưa ra.

Theo thông báo về buổi đấu giá tài sản, đúng 8 giờ ngày 26/6/2021, ông L. có mặt tại Công ty Đấu giá Đông Nam (số 56 Hiền Vương, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TPHCM) để tham gia đấu giá, nhưng công ty chưa... mở cửa (!). Ông L. gọi điện thoại thì được thông báo là gần 9 giờ cùng ngày mới mở cửa. Đến 8 giờ 40 cùng ngày, khi Công ty Đấu giá Đông Nam mở cửa thì ông L. thấy không có buổi đấu giá tài sản nào ở đây. Phía Công ty Đấu giá Đông Nam giải thích là buổi đấu giá tài sản diễn ra tại một địa điểm khác, trong khi ông L. hoàn toàn không nhận văn bản hay thông báo trước về việc này.

Ông L. cho biết, một khách hàng khác là ông N.A.S đã hoàn tất các thủ tục, cũng bẽ bàng khi biết buổi đấu giá diễn ra ở nơi khác. Sau khi chờ đợi, ông L. cùng vị khách đáng thương yêu cầu nhân viên Công ty Đấu giá Đông Nam xác nhận là ông L. và ông S. có mặt theo thông báo để tham gia buổi đấu giá tài sản, nhưng bất thành. Cuối cùng, ông L. và ông S. phải tự làm giấy xác nhận với nhau là đã có mặt tại Công ty Đấu giá Đông Nam đúng theo thời gian quy định của công ty này về buổi đấu giá, với bằng chứng cụ thể, để không bị mất tiền đặt trước hàng tỷ đồng.

Bị can Nguyễn Thị Loan

Vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu giá tài sản

Ông L. cho biết, qua nghiên cứu quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, tại Khoản 1, Điều 7 quy định: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia đấu giá. Theo Khoản 3, Điều 38, ngoài các điều kiện đăng ký tham gia đấu giá quy định tại Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và pháp luật có liên quan, người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá.

Ngoài ra, Khoản 2 Điều 24 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định tổ chức đấu giá tài sản có nghĩa vụ thực hiện việc đấu giá tài sản theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định tại Luật này và chịu trách nhiệm về kết quả đấu giá tài sản; ban hành quy chế cuộc đấu giá theo quy định tại Điều 34, Luật Đấu giá tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan; tổ chức cuộc đấu giá liên tục theo đúng thời gian, địa điểm đã thông báo, trừ trường hợp bất khả kháng. Theo Điểm c, Khoản 2, Điều 9 Luật Đấu giá tài sản, nghiêm cấm tổ chức đấu giá tài sản thực hiện hành vi cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá.

Chưa hết, theo ông L., Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định rất rõ liên quan hoạt động đấu giá tài sản. Ông L. nói: "Tôi cho rằng Công ty Đấu giá Đông Nam đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Đấu giá tài sản, tổ chức cuộc đấu giá không đúng thời gian, địa điểm đã thông báo, ban hành quy chế cuộc đấu giá không đúng quy định của pháp luật, cố tình đặt thêm điều kiện tham gia đấu giá để gây cản trở, hạn chế khách hàng tham gia đấu giá. Vì vậy, tôi tố cáo về các hành vi trên của Công ty Đấu giá Đông Nam và khẩn thiết đề nghị cơ quan chức năng xem xét, kịp thời xử lý nghiêm...". Tuy nhiên, từ tháng 6/2021 đến nay, vụ việc mà ông L. gửi đơn tố cáo vẫn chưa được xem xét, giải quyết.

Vụ vi phạm về đấu giá gây chấn động dư luận

Tháng 11/2021 xảy ra vụ án "câu kết dìm giá” trong đấu giá gây chấn động dư luận cả nước, do Cơ quan CSĐT - Công an TP.Hà Nội phanh phui, với số tiền mà nhà nước thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đến nay, Viện KSND TP.Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố các đối tượng trong vụ án hình sự này. Theo cáo trạng, các công ty tham gia đấu giá của Nguyễn Thị Loan (SN 1970, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần (CP) Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex, gọi tắt là Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex) đã thông đồng dìm giá và trúng đấu giá với giá trị thấp, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 135 tỷ đồng. Loan bị truy tố về tội "vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản".

Cùng bị truy tố trong vụ án này có các bị can: Nguyễn Quang Hưng (Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản Thanh Trì, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dược phẩm Vimedimex), Tạ Thị Vân (Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản Bắc Từ Liêm), Nguyễn Xuân Đức (Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản Mỹ Đình, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn dược phẩm Vimedimex 2); Nguyễn Thị Diệu Linh (Tổng giám đốc) và Nguyễn Ngọc Thắng (Phó Tổng giám đốc), Nguyễn Đức Phương (thẩm định viên, cùng Công ty CP Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội); Trần Công Tuyên (nguyên Trưởng phòng) và Vương Thị Thu Thủy (nguyên chuyên viên, cùng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng H.Đông Anh, Hà Nội).

Theo cáo trạng, ngày 28/02/2020, UBND H.Đông Anh phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2020 trên địa bàn huyện, trong đó có "Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất phía Đông Nam" (xã Tiên Dương). UBND H.Đông Anh giao Ban Quản lý dự án và đầu tư xây dựng huyện tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Trong quá trình định giá đất khu đất trên, các bị can Nguyễn Thị Diệu Linh, Nguyễn Ngọc Thắng, Nguyễn Đức Phương (lãnh đạo cùng thẩm định viên của Công ty CP Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội) đã cố ý hạ giá trị khu đất để ban hành chứng thư định giá đất thấp hơn giá trị thực tế, theo đề nghị của Trần Công Tuyên và Vương Thị Thu Thủy (cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng H.Đông Anh).

Nạn thông đồng dìm giá, bỏ giá khởi điểm thấp... gây thiệt hại nặng nề cho chủ tài sản đấu giá

Hành vi của các đối tượng trên đã làm sai lệnh giá khởi điểm đưa vào đấu giá, tạo điều kiện cho các công ty tham gia đấu giá của Nguyễn Thị Loan thông đồng dìm giá và trúng đấu giá với giá trị thấp, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 135 tỷ đồng. Trong quá trình tham gia đấu giá khu đất phía Đông Nam ở xã Tiên Dương, Nguyễn Thị Loan đã sử dụng pháp nhân của 3 công ty (đều do Loan điều hành hoạt động kinh doanh) để tham gia đấu giá; thống nhất với Nguyễn Quang Hưng, Tạ Thị Vân, Nguyễn Xuân Đức bỏ giá các vòng với số tiền như nhau để được bốc thăm. Cuối cùng, công ty nào trúng đấu giá thì thực tế dự án vẫn thuộc về Nguyễn Thị Loan trúng đấu giá.

Phản ánh với phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM, một đại gia chuyên tham gia nhiều vụ đấu giá tài sản (chủ yếu là hàng bách hóa tổng hợp) hàng chục năm qua tại TPHCM cho biết, dù việc đấu giá công khai trực tiếp, nhưng tình trạng "quân xanh - quân đỏ” diễn ra rất nhiều. Cần phải nói đến những "tay anh chị” vây quanh các cuộc đấu giá. Muốn trúng đấu giá thì phải chi tiền, chi ngoài cho cá đối tượng này, nếu không thì... khỏi trúng đấu giá. Còn khi đấu giá trực tuyến thì chuyện "treo máy" là thường. Theo quy định, khách ra giá để đấu mua tài sản là lô hàng trong vòng thời gian quy định (ví dụ là 30 giây), khách ngồi trên máy muốn trả giá cao hơn vừa thấy trên máy, vẫn còn thời gian để trả giá, nhưng lệnh chuyển đi bị "treo" thì cùng "bó tay".

(Còn tiếp...)

Kỳ 3:
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang