(CATP) TPHCM có rất nhiều trung tâm thương mại (TTTM) lớn nhỏ, là địa điểm lý tưởng giúp người dân thư giãn, giải trí, mua sắm, hẹn hò, thậm chí để tránh nắng nóng. Sắp tới là những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 02/9, lượng người ngại đi chơi xa sẽ đổ về các TTTM. Nơi đây nhìn rất văn minh, hiện đại, nhưng lại thiếu vấn đề tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng vô cùng cần thiết, đặc biệt với khách lớn tuổi, thai phụ, người khuyết tật, trẻ nhỏ, đó là chỗ nghỉ chân sau khi đã đi bộ mệt nhoài.
Đầy rẫy khu mua sắm
Theo thống kê gần đây, TPHCM hiện có 15 khu mua sắm lớn, bao gồm: Takashimaya, Crescent Mall, SC Vivo, Diamond Lê Duẩn, Parkson Hùng Vương, Pearl Plaza, Union Square, Vạn Hạnh Mall, Giga Mall, Bitexco, Landmark 81, AEON Mall Tân Phú, AEON Mall Bình Tân....
Các khu TTTM trải đều, rộng khắp từ Q1, Q3 cho đến khu vực ngoại thành như: TP.Thủ Đức, Q.Bình Tân, Q.Tân Phú. Điều này giúp ích cho người dân trong việc mua sắm, thư giãn vào các dịp lễ, Tết và ngày nghỉ cuối tuần. Trung tâm thương mại là nơi vừa vui chơi giải trí, ăn uống, lại vừa có thể mua sắm những món đồ cần thiết, từ gia dụng, điện máy đến thời trang... Chính vì vậy, đây là địa điểm được nhiều người ưa thích và hay ghé đến những lúc rảnh rỗi.
Đầu những năm 2000, trong ký ức người dân thành phố, TTTM Diamond Lê Duẩn (Q1) có lẽ là lớn nhất khi đó, tuy nhiên hiện nay nó đã cũ và chỉ có 4 tầng lầu so với những cái tên mới nổi như: Vincom Đồng Khởi, Bitexco, Landmark 81... Nổi lên trong số đó là TTTM Vincom Đồng Khởi đặt ngay Q1 sầm uất, đây là TTTM thuần Việt nhất của TPHCM, được đưa vào hoạt động từ năm 2010. Cho đến nay, TTTM vẫn là một trong các TTTM lớn nhất Việt Nam, với lượng khách hàng đông nhất nhì TPHCM, có tới 4 tầng hầm, khu ăn uống cũng tọa lạc dưới hầm; có hàng loạt cửa hàng bán quần áo, giày dép thời trang, hàng hiệu, nhưng vì kinh tế khó khăn nên lượng khách hiện tại không nhiều.
Không có chỗ ngồi giữa các cửa hàng TTTM sang trọng
Cũng nằm ở Q1, tòa nhà Bitexco với 68 tầng được xây dựng dựa trên mô hình của các trung tâm mua sắm cao cấp hàng đầu thế giới. Bên trong là hàng loạt thương hiệu từ nhà hàng ẩm thực, vui chơi, giải trí cho đến khu thời trang, nội thất... Tại Q.Bình Thạnh, ngoài là tòa nhà cao nhất Việt Nam, Landmark 81 còn là TTTM hiện đại, đẳng cấp nhất hiện nay. Nơi đây được tích hợp các thương hiệu nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực, từ thời trang, ẩm thực, trang sức đến khu vui chơi, giải trí... đều hội tụ đủ. Mới đây, khu Vạn Hạnh Mall (Q10) cũng là TTTM lớn, hiện đại.
Mệt quá, đôi chân này!
Diện tích mặt sàn giữa các tầng tại những khu TTTM thường rất rộng, có thang máy, thang cuốn phục vụ người dân, nhưng khi tìm một chỗ ngồi thì... "mỏi mắt"! Sau khi tham quan nhiều cửa hiệu, "thượng đế” đã vào nhiều lần còn biết tìm đến các tiệm ăn, quán cà phê bên trong tòa nhà này ngồi nghỉ chân; trường hợp không biết vị trí thì chỉ còn cách... đứng nghỉ vì dọc hành lang không có ghế ngồi! Bên trong các cửa hàng, khách và nhân viên cũng chỉ đứng giao dịch, vì thế sau khi rảo quanh một lượt, khách hàng đành về cho nhanh vì không có nơi ngồi nghỉ tạm. Điều này dẫn đến không ít bất tiện cho du khách hoặc người mới đến đây lần đầu.
Chị Vũ Thị Như Quỳnh (39 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận), đang mang thai, thường mua sắm tại các khu TTTM, chia sẻ: "Vào các khu mua sắm thì mát mẻ, nhưng nhiều lúc khách hàng đi nhiều bị mệt lại không thấy dãy ghế nào để ngồi nghỉ. Tội nghiệp nhất là các thai phụ, người già, người khuyết tật... rất cần băng ghế ngồi nghỉ ngơi nhưng đang bị "quên lãng". Chẳng biết có phải TTTM "cố tình" làm vậy để đưa khách vào khu ăn uống?".
Vạn Hạnh Mall thiếu chỗ ngồi nghỉ chân
Chung nỗi niềm, bà Trần Thị Lệ (60 tuổi, ở TP.Thủ Đức) kể, mới đây có ghé một TTTM tại Q1 để mua bộ đồ hiệu Gap cho cháu nội nhân dịp sinh nhật. Giữa trời nắng nóng, bà bước vào khu mua sắm và phải hỏi tới hỏi lui vì nơi này rất rộng. Sau khi lên lầu, xuống hầm, bà cũng tìm được bộ đồ thời trang cho cháu đích tôn; bất ngờ khi bước ra khỏi cửa hàng, huyết áp tăng, bà chóng mặt, hoa mắt nhưng không tìm được chỗ ngồi nào giữa hành lang để nghỉ tạm. Đó cũng là nỗi băn khoăn của nhiều khách hàng cao tuổi khi đến các khu mua sắm tương tự.
Các TTTM đều xảy ra cảnh thiếu những dãy ghế dài cho "thượng đế” ngồi nghỉ chân giữa các tầng. Chính vì vậy mà nhiều khách hàng phải than trời vì đi bộ quá mệt mà diện tích sàn thì rất rộng lớn. Ngoài ra, nhiều chỗ không đặt vòi nước miễn phí phục vụ người dân đến mua sắm. Khát khô cổ họng, mỏi mắt tìm một chỗ ngồi là điều đã và đang xảy ra tại các TTTM.
Nên chăng các khu TTTM cần đặt dãy ghế ngồi dọc hành lang các tầng và cửa hàng để khách có thể ngồi nghỉ, nhất là với nhóm khách là người già, phụ nữ mang thai, người khuyết tật, mẹ và bé sơ sinh, trẻ nhỏ? Những ưu tiên này đã thực hiện trên xe buýt, tại các sân bay...; trong khi đó, các khu TTTM chưa làm được. Bởi lẽ, hoạt động thiết thực này mang đến sự nhân văn, văn minh đáng phải có khi chăm lo cho người yếu thế trong xã hội, vì một đô thị "năng động, đáng sống, nhân ái, nghĩa tình".