Bão mạnh vào miền Trung và cơn ‘bão lòng’ của những người xa xứ

Thứ Sáu, 15/09/2017 15:39

|

(CAO) Trong khi các tỉnh miền Trung đang oằn mình gánh bão số 10 – cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây, thì ở đâu đó như TP.HCM đang có những người miền Trung xa xứ đang thấp thỏm lo âu với cơn ‘bão lòng’ trỗi dậy vì không thể cùng gia đình, người thân tránh bão…

Sáng 15-9, vài giờ trước khi bão Doksuri (bão số 10) đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Trung. Những người phụ nữ bán hàng rong ở khu vực đường Nguyễn Văn Cừ, đoạn trước Đại học Khoa học Tự nhiên (quận 5, TP.HCM) luôn mang một nỗi bồn chồn, lo lắng khó tả. Hỏi ra mới biết, họ vốn là cư dân xứ Thanh - Nghệ -Tĩnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) vì cuộc sống nên đã chấp nhận xa gia đình, con cái để vào TP.HCM mưu sinh. Nghe tin bão về, nhiều người trong số họ đã không giấu nỗi sự lo lắng của mình.

Vừa tất bật mưu sinh nơi đất khách, những người miền Trung xa xứ đang thấp thỏm lo âu trước diễn biến của bão số 10.

Chị Oanh (quê Hà Tĩnh, người bán hàng rong ở khu vực đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1) lo lắng chia sẻ với chúng tôi: “Bản tính phụ nữ rất hay lo lắng. Những ngày có bão cứ nghĩ đến cảnh xa con, xa gia đình, xa mái ấm nhỏ mà lòng lo lắng không chịu được. Từ hôm qua khi nghe bão sẽ vào, tôi cứ gọi điện suốt về gia đình hỏi tình hình. Nghe mọi người nói là đã cho bọn trẻ nghỉ học để di tản đến khu vực an toàn”.

Một người phụ nữ khác cho biết, tối qua cả khu trọ của những người miền Trung ngụ cư trên đất Sài Gòn để mưu sinh luôn sáng đèn… “Chúng tôi gọi điện, nối máy trực tiếp ở quê. Người thì hỏi thăm, người thì căn dặn. Lo lắng lắm chứ, cứ mỗi khi bão vào là mình thấp thỏm lo âu như ngồi trên đống lửa. Chúng tôi chỉ biết trong chờ vào những cuộc gọi và cầu mong cho gia đình bình an qua cơn hoạn nạn” – Người phụ nữ này tâm sự.

Một dòng chia sẻ của người con xa xứ trên mạng xã hội.

Trong khi đó, chị Ngô Thị Thuỷ (47 tuổi, quê ở TX Cửa Lò, Nghệ An) cũng tỏ ra lo lắng không kém với những diễn biến của cơn bão. Chị nói: “Tôi nghe nói đây là cơn bão mạnh nhất trong mấy năm qua. Cách đây ít phút, tôi đã gọi điện về hỏi thăm tình hình thì được biết gia đình gồm cha và mẹ tôi đã được cán bộ tới nhà chở về tránh bão tại trường tiểu học Nghi Thủy. Nghe vậy tôi cũng bớt lo lắng, chứ tối qua đến giờ cứ thấp bồn chồn mãi không yên”.

Cùng quê Nghệ An, chị Hoa (hiện đang sinh sống và ở TP.HCM) cũng có nhiều ký ức về bão. Khi được tin bão lớn sắp vào chị đã liên tục gọi điện về nhà hỏi thăm tình hình. Trò chuyện với chúng tôi, chị tỏ ra lo lắng khi nghe kể mưa đang lớn dần, sóng điện thoại ở nhà bắt đầu chập chờn.

Trên mạng xã hội, những người con miền Trung xa xứ, những Hội đồng hương người miền Trung xa quê cũng đang thấp thỏm lo âu cập nhật tình hình cơn bão từng giờ, từng phút với sự lo lắng không kém.

Trong khi miền Trung đang oằn mình gánh chịu bão, thì đâu đó giữa TP.HCM cũng đang có những cơn "bão lòng" của những người con xa xứ.

Chia sẻ thông tin về bão trên mạng xã hội, anh Ngô Minh Hoà (quê Quảng Bình, hiện đang học tập và sinh sống tại TP.HCM) đã viết đôi dòng kèm với thông tin về cơn bão: “Hồi bé, mùa bão mấy anh chị em ngồi trong nhà nhìn qua khe cửa sổ. Gió gào rú, cây cối ngả nghiêng, cây Phi Lao to đùng bên nhà bật gốc đổ ầm xuống, gió tốc mái tranh, gió xô mái ngói. Giờ lớn rồi, xa quê. Ở nơi trời cao, mây trắng. Lo ngay ngáy nơi quê mình. Mùa bão này mong nhà mình và dân làng bình an”.

Phải chăng cơn “bão lòng” của những người con xa xứ cũng không kém cơn bão dữ tợn đang hoành hành ở miền Trung?

TP.HCM trưa 15-9 trởi hửng nắng, bão Doksuri (bão số 10) đã bắt đầu đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Trung./.

Bình luận (0)

Lên đầu trang