Bão Yagi tàn phá dữ dội, nhiều người thương vong, thiệt hại tài sản vô cùng nặng nề

Chủ Nhật, 08/09/2024 07:56  | Thanh Hòa

|

(CAO) Sau khi đổ bộ vào đất liền, bão Yagi (bão số 3) đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Những nơi có tâm bão quét qua, cảnh tan hoang khiến nhiều người thốt lên "như ngày tận thế!".

Thiệt hại nặng nề

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai quốc gia, đến 17h chiều 7/9, thông tin ban đầu đã có 4 người tử vong (Quảng Ninh 3, Hải Dương 1) và 78 người bị thương (Quảng Ninh 58, Hải Phòng 20).

Ngoài ra, có 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh), 01 tàu vận tải (Huyền Trang 2 - Hải Phòng) bị đứt neo trôi dạt.

Về điện lực, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương mất điện diện rộng.

Nhiều nhà ở bị hư hỏng, tốc mái và hàng ngàn cây xanh bị ngã đổ tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Tỉnh Quảng Ninh thiệt hại rất nặng nề sau khi bão Yagi quét qua

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội về công tác ứng phó với bão số 3, tính đến cuối giờ chiều ngày 7/9, trên địa bàn thành phố có 3 người chết, 7 người bị thương do cây đổ (quận Nam Từ Liêm có 1 người chết, 1 người bị thương; quận Hoàng Mai có 1 người chết, 1 người bị thương; quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng có 5 người bị thương).

Bão số 3 quét qua Hà Nội cũng làm hàng ngàn cây xanh gãy đổ, một số công trình chung cư đã bị hư hại. Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ vừa đưa ra cảnh báo ngập lụt trên địa bàn TP Hà Nội. Trong những giờ tới, khu vực Hà Nội và các vùng lân cận tiếp tục có mưa to với tổng lượng mưa tích lũy phổ biến từ 30-60mm, có nơi lên đến 70mm. Đợt mưa này gây ngập úng cục bộ cho nhiều tuyến phố trên địa bàn Thủ đô với độ sâu phổ biến từ 20 - 40cm, có nơi ngập sâu hơn.

Thực tế ngay từ tối 7/9, nhiều tuyến phố ở Hà Nội như Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi, một số điểm ở đường Vành đai 3... đã bị ngập sâu đến 50cm.

Trên địa bàn TP Hà Nội đã có 3 người tử vong, đều do bị cây đổ đè trúng

Tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, sau tâm bão đi qua, TP Hạ Long trở nên tan hoang khi cây cối đổ rạp, nhiều mái tôn, biển quảng cáo bị hất văng, ước thiệt hại vô cùng nặng nề. Hoàn lưu sau bão vẫn gây mưa trên địa bàn TP Hạ Long.

Ngay tối 7/9, sau khi mưa và gió giảm mạnh, nhiều người dân, lực lượng chức năng đã chủ động khắc phục hậu quả do bão gây ra.

Lực lượng Công an họp khẩn cấp triển khai khắc phục hậu quả sau bão

Trước đó, tối 7/9, ngay sau khi cơn bão số 3 đi qua địa bàn tỉnh gây nhiều thiệt hại về tài sản cho người dân, Đại tá Trần Văn Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì họp trực tuyến khẩn cấp để triển khai nhiệm vụ khắc phục thiệt hại do cơn bão gây ra.

Công an tỉnh Quảng Ninh xác định các địa bàn trọng điểm cần tập trung khắc phục hậu quả bao gồm: Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô. Trong đó chú ý đến các địa điểm bị sạt lở đất, cây xanh, cột điện đổ chặn các tuyến đường giao thông; khu vực dân cư ở vùng trũng bị ngập úng do mưu sau bão; các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa có thiệt hại do tác động của mưa bão. Trụ sở Công an cấp huyện, cấp xã có thiệt hại nặng nề về tài sản.

Đại tá Trần Văn Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh chủ trì cuộc họp triển khai khắc phục hậu quả bão số 3

Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tinh thần chủ động hơn nữa; phải đánh giá đúng, chính xác về thiệt hại và vùng thiệt hại đã và có thể xảy ra. Cùng với đó cần phải dự báo tốt theo từng địa bàn cụ thể để có kế hoạch bố trí nhân lực và phương tiện phù hợp, hiệu quả.

Công an tỉnh phân công 5 đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương bị thiệt hại do mưa bão gây ra. Nhiệm vụ trọng tâm các đoàn kiểm tra cần nắm bắt thông tin về tình hình hậu quả thiệt hại do bão gây ra; những địa điểm đã và có nguy cơ bị ngập úng, lũ, sạt lở do mưa lớn; những vấn đề khó khăn, vướng mắc về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị… Nắm tình hình, phát hiện những vấn đề phát sinh liên quan an ninh, trật tự, để kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp có phương án, giải pháp xử lý như vấn đề về an toàn giao thông (thủy, bộ); an ninh kinh tế các lĩnh vực liên quan nông, lâm, ngư nghiệp, an toàn hồ đập, đê điều, an ninh nguồn nước, than, điện…

Đồng thời, phải khẩn trương rà soát, đánh giá thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra đối với gia đình cán bộ, chiến sĩ Công an các đơn vị, địa phương; có phương án hỗ trợ đối với những gia đình cán bộ, chiến sĩ có có giá trị tài sản thiệt hại lớn vượt qua khả năng khắc phục của cán bộ, chiến sĩ và gia đình...

Kiên quyết cấm đường đối với khu vực ven biển đến 20h, khu vực Hà Nội đến 22h ngày 8/9

Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết những công việc cần triển khai tiếp theo đối với tuyến biển, đảo cần duy trì nghiêm lệnh cấm biển.

Kiên quyết không để người dân quay trở lại trên tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn cho khu sơ tán dân, cũng như nơi neo đậu tàu thuyền, lồng bè.

Các vật dụng của nhà dân bị gió thổi bay ra đường.

Đối với vùng đồng bằng, ven biển cần kiên quyết cấm đường đối với khu vực ven biển đến 20h, khu vực Hà Nội đến 22h hôm nay.

Đảm bảo hậu cần, nhu yếu phẩm và các điều kiện lưu trú cho người dân tại nơi sơ tán; không để người dân quay trở về nhà yếu khi bão chưa tan.

Khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết; cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn.

Do các tuyến đê biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình được thiết kế chống bão cấp 9, cấp 10, triều 5% nên có nguy cơ mất an toàn khi bão đổ bộ; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Các địa phương cần sẵn sàng vận hành tiêu úng, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp; Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục ngay sự cố hệ thống lưới điện, thông tin,...

Lực lượng Công an triển khai kiểm tra, khắc phục hậu quả trên biển.

Đối với miền núi phía Bắc cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.

Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ chứa xung yếu, đã đầy nước; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

Triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; Duy trì lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khí có yêu cầu; Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện và nguồn lực để triển khai khắc phục hậu quả ngay sau bão, mưa lũ.

Tranh thủ gió và mưa giảm, người dân đã chủ động dọn dẹp, khơi thông cống thoát nước khắc phục hậu quả do bão.

Bình luận (0)

Lên đầu trang