Những ông bà, cha mẹ ngày lên rẫy, tối chăm chỉ đi học lớp xoá mù chữ

Thứ Tư, 26/07/2023 08:06

|

(CAO) Mỗi tối, trên các ngã đường ở những buôn làng ở xã Ia Phí (H.Chư Păh, Gia Lai), những người lớn tuổi vẫn cần mẫn đến lớp xóa mù chữ. 

Đều đặn vào các tối từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, lớp học xóa mù chữ ở làng Kép (xã Ia Phí) lại sáng đèn. Đây là lớp học đặc biệt bởi đa số các học viên là đồng bào dân tộc thiểu số, cao tuổi, ban ngày bận công việc nương rẫy, buổi tối rảnh rỗi mới đi học.

Học viên trong lớp có độ tuổi từ 15 trở lên, người cao tuổi nhất năm nay đã 60. Tuy là các thế hệ khác nhau nhưng họ đều có chung mong ước được biết đọc, biết viết, biết làm phép toán.

Ông Rơ Châm Hlun và bạn học đến sớm để được giáo viên kèm cặp luyện chữ.

Ở tuổi 46, ông Rơ Châm Hlun (ngụ làng Kép, xã Ia Phí) sau giờ lên rẫy, thì mỗi tối vẫn kiên trì tới lớp học. Động lực để ông Hlun đi học chỉ để khỏi lăn tay trên xã, biết chữ như mấy cháu nội ngoại, viết được tên cha mẹ đặt cho mà xưa giờ không viết được và biết đọc tên đường.

“Có lần mình xuống Trung tâm y tế H.Chư Păh thăm người thân. Do lần đầu đi, mình có hỏi đường, được người dân chỉ, nằm ở số 12 Phan Đình Phùng. Nhìn lên các biển chỉ dẫn tên đường, mình không biết đọc nên không biết đâu là đường Phan Đình Phùng. Từ đó, mình quyết đi học chữ, cũng không sợ ai chê cười, già rồi mà đi học nữa”, ông Hlun chia sẻ.

Mới học được hơn 1 tháng, ông Hlun chỉ đọc được ít chữ cái và các con số trong phạm vi 10. Nhưng từ khi đi học, ông Hlun chưa nghỉ 1 buổi nào. Ngoài giờ trên lớp, khi về nhà lại được cháu ngoại đang học lớp 3 tập viết, tập đọc cho thêm.

Thầy Rơ Châm Chân tận tình hướng dẫn cho các học viên.

Khác với ông Hlun, anh Rơ Châm Tuch (SN 1980) cả 2 vợ chồng đều đi học cùng một lớp xoá mù. Lúc chưa đi học, anh Tuch ngày đi làm rẫy, buổi tối hay tụ tập bạn bè để nhậu. Từ ngày đi học, 2 vợ chồng đi làm sớm hơn, tranh thủ chiều về tắm rửa, cơm nước để đến lớp. Cũng nhờ đi học, hơn 1 tháng nay, anh Tuch không còn đi nhậu.

Anh Tuch kể: “Trước đây, 2 vợ chồng chỉ học đến lớp 2 và mù chữ từ đó đến nay. Mỗi lần, lên xã làm giấy tờ gì thì chỉ lăn tay điểm chỉ, đến giấy khai sinh cho 4 đứa con vợ chồng tôi cũng phải nhờ người viết giúp. Khi già làng, thầy cô đến nhà động viên đi học, 2 vợ chồng đăng ký ngay. Từ khi đi học, lúc đi làm, 2 vợ chồng vẫn giúp nhau học chữ cái, lấy cành cây luyện viết trên đất”.

Sau hơn một tháng đến các lớp xóa mù chữ, cả 30 học viên lớp làng Kép được học bảng chữ cái, tập đánh vần, viết chữ và làm toán. Có người đến nay viết được tên mình, làm được mấy phép toán đơn giản. Cũng có một số người lớn tuổi, đến nay cầm bút viết còn khó khăn, nhưng không có ai nản chí mà bỏ học. Thành quả này có được nhờ sự tận tuỵ của những giáo viên đứng lớp.

Dạy chữ ở vùng sâu vốn đã khó khăn, vất vả, thì dạy chữ ở những lớp xóa mù chữ cho đối tượng cao tuổi, khả năng tiếp thu cũng hạn chế, càng gian nan hơn.

Lớp học xoá mù tại xã Ia Phí.

Thầy Rơ Châm Chân (một trong hai giáo viên Trường Tiểu học xã Ia Phí phụ trách đứng lớp làng Kép) cho biết, lớp học bắt đầu 18 giờ 30 đến 21 giờ, từ thứ 2 đến thứ 6. Cả lớp có 30 học viên đều là người dân tộc thiểu số. Các học viên rất có ý thức trong học tập, đi học đầy đủ, sau 1 tháng mở lớp xóa mù chữ, nhiều học viên đã viết được tên mình.

Thầy Chân chia sẻ, để lớp học đạt hiệu quả cao, các giáo viên đã nghiên cứu tài liệu phù hợp với học viên và tìm ra phương pháp truyền đạt đơn giản nhất, giải nghĩa từng từ và đưa hình ảnh thực tế để học viên dễ hiểu, dễ tiếp thu. Giáo viên giảng dạy được lựa chọn kỹ, ưu tiên người địa phương. Ngoài ra, các giáo viên cũng động viên các học viên, về nhà nhờ thêm con cháu chỉ dẫn.

Ông Rơ Châm Laoh, Chủ tịch UBND xã Ia Phí cho biết, toàn xã mở 3 lớp xoá mù chữ nằm ở 3 làng người đồng bào dân tộc thiểu số, với hơn 80 học viên. Các học viên theo học tuổi từ 15 đến 60. Các lớp xoá mù do các giáo viên Trường tiểu học xã Ia Phí phụ trách. Khi đi học, các học viên được hỗ trợ toàn bộ bàn, ghế, sách vở và dụng cụ học tập.

Ông Rơ Châm Laoh chia sẻ thêm, hiện trên địa bàn, những người trên 40 tuổi tỉ lệ mù chữ khá nhiều. Nguyên nhân mù chữ do điều kiện kinh tế khó khăn. Việc mở lớp xóa mù chữ là để bà con được tiếp cận với các văn bản của Nhà nước và các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở mang kiến thức, nâng cao trình độ hiểu biết trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện nếp sống văn minh, giảm hủ tục lạc hậu trên địa bàn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang