(CATP) Những ngày sau Tết, một số gia đình ở TPHCM đã tranh thủ dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa cho thoáng đãng hơn. Tuy nhiên, khi cánh cổng, bờ tường trước nhà đã được kỳ cọ sạch sẽ, khang trang thì "đội quân" dán quảng cáo (QC) tái xuất, lén lút dán những thông tin "rác" như "hút hầm cầu, thông cống nghẹt" lên đó, tiếp tục bôi bẩn phố phường.
Tại các hẻm trên nhiều tuyến đường, như: Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai (Q1), Phan Đăng Lưu, Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận)..., dù hầu hết đều có camera an ninh nhưng một số thanh niên đeo khẩu trang che kín mặt vẫn đi dán lén QC vào buổi trưa, khi nhiều nhà đóng cửa do gia chủ đi làm hoặc bận công việc. Chiều về, họ mới tá hỏa thấy đầy rẫy thông tin QC trái phép, lột ra rất khó vì keo dính chặt, phải dùng dao cạo mới nạy ra được.
"Cứ sau giờ nghỉ trưa, ra mở cửa là thấy tờ QC nhét qua khe cửa", chị Nguyễn Thị Đào Hạnh (ngụ Q3) bức xúc. Còn cô Trần Thùy Linh (26 tuổi, làm việc tại một công ty môi giới bất động sản ở Q.Bình Thạnh) tiết lộ: "Cứ phát 1.000 tờ sẽ được trả thù lao từ 100.000 - 130.000 đồng. Phát tại ngã tư sẽ nhanh, còn tại nhà dân phải đi lâu, mất thời gian hơn". Điều này lý giải vì sao các loại QC tràn ngập nhà dân: từ thông cầu, tờ rơi giảm giá của siêu thị đến khuyến mại của tiệm gạo... đang "tấn công" nhiều người dân thành phố.
Các trụ điện dọc đường Phan Đăng Lưu, Phùng Văn Cung... (Q.Phú Nhuận) cũng "oằn mình" gánh những tờ rơi "vay đứng, vay góp" kèm số điện thoại (ĐT) liên lạc. Có những Đoàn phường, thanh niên tình nguyện phát động dọn dẹp, gỡ tờ dán, nhưng chỉ vài ngày sau thì đâu lại hoàn đấy! Nhiều giao lộ ở Q1 cũng là điểm được các đối tượng chọn làm nơi phát tờ rơi khi phương tiện dừng chờ đèn đỏ. "Tôi không có nhu cầu xem QC nhưng nhiều lúc giữa trời nắng nóng nhìn mấy cô cậu trẻ tuổi giống sinh viên mồ hôi nhễ nhại đứng phát, thấy tội nghiệp, tôi cũng cầm. Nhận tờ giấy xong nhét túi quần, về nhà tôi cũng chẳng xem", anh Trần Phú Thạnh (ngụ Q8) cho biết.
Trụ điện góc Phan Đăng Lưu - Phùng Văn Cung (Q.Phú Nhuận) dán nhiều quảng cáo cho vay nóng
Nghị định (NĐ) 28/2017 về xử phạt hành chính liên quan đến quyền tác giả, văn hóa, thể thao, du lịch, QC nêu rõ người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ QC bằng cách treo, đặt, dán, vẽ trên trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng (trước đây là 1 - 2 triệu đồng). Tuy nhiên, từ lúc NĐ có hiệu lực đến nay, tình trạng này vẫn không thuyên giảm mà còn biến tướng và trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Thời gian sau Tết, một số loại hình QC phản cảm tiếp tục "bành trướng" hơn.
Luật sư Nguyễn Thị Sinh - Đoàn Luật sư TPHCM - chia sẻ, việc xử phạt người trực tiếp phát tờ rơi, người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được QC trên đó làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội... đã có NĐ28/2017 của Chính phủ (hiệu lực từ 05-5-2017). "Hành vi vi phạm này thường diễn ra công khai tại các giao lộ, nơi công cộng, nên việc phát hiện, xử lý không khó. Vấn đề là cơ quan chức năng có kiên quyết xử lý hay không...", luật sư Sinh nói.
Nhiều quảng cáo hút hầm cầu dán chồng lên nhau tại một con hẻm trên đường Thích Quảng Đức, Q.Phú Nhuận
Số ĐT của QC "rác" được niêm yết sẵn trên đó, nhà soạn luật nên nhanh chóng đưa vào thông tư sửa đổi sắp tới là "cắt số ĐT dán trái phép, phạt hành chính nặng, chẳng hạn 50-100 triệu đồng/thuê bao". Như thế, các nhà mạng mới có cơ sở cắt ngay các số ĐT đang góp phần bôi bẩn phố phường, làm mất mỹ quan đô thị không chỉ tại TPHCM mà còn trong cả nước. Bởi lẽ, mức phạt hành chính của NĐ28/2017 còn quá thấp, không theo kịp thực tế và thiếu chế tài là "cắt số ĐT". Điều này đã làm "lờn thuốc" khi các điểm hút hầm cầu, vay nóng... được dịp tung hoành như hiện nay.