Nhếch nhác vì dán, vẽ bậy
Dọc theo các tuyến đường nội thành đến ngoại thành, chúng ta luôn bắt gặp hình ảnh các loại "rác" quảng cáo cũ, mới dán chồng lên nhau trên các cột điện, bờ tường, cây xanh. Có cái rách bươm, nham nhở; có cái treo, móc đủ kiểu vừa gây phản cảm, vừa bôi bẩn mỹ quan đô thị. Các tờ rơi, quảng cáo như cho vay tiền, hút hầm cầu, mua bán bất động sản... dán khắp các hàng cùng ngõ hẻm, nhất là khu vực nhà trọ. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều nhất là những tờ rơi về hoạt động cho vay lãi, "tín dụng đen", cái cũ chưa bóc hết, cái mới đã dán chồng lên.
Tại tuyến đường Nguyễn Tất Thành (Q4), hầu hết các cột điện, và bờ tường phía cảng đều bị dán quảng cáo nham nhở. Bên cạnh đó, các khu vực đông dân cư ở quận 4, 7, 8, huyện Nhà Bè... cũng đầy rẫy "ngân hàng cột điện". Nội dung quảng cáo với lời chào mời vay nhanh, thủ tục đơn giản gọn nhẹ, không cần thế chấp... khắp các ngõ hẻm, trước cổng trường học, cửa nhà trọ công nhân lao động.
Là "nạn nhân" của nạn dán bậy, bà Trần Thị A. (65 tuổi, ngụ H.Nhà Bè) bức xúc cho hay, gia đình bà đã nhiều lần xử lý hậu quả do việc dán bậy trên tường, cột điện trước nhà. "Tôi phải dùng nước thấm ướt rồi lột dần, thậm chí dùng dao để cạo nhưng vết keo dính để lại vô cùng nhếch nhác. Vừa gỡ xong hôm nay thì ngày mai lại có người dán. Mong cơ quan chức năng xử lý thật mạnh tay, không để dán bậy trở thành một cái nghề phát triển trong xã hội", bà A. đề nghị.
Quảng cáo cho vay tiền
Hiện là thời điểm cuối năm, lại đang diễn ra giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2022 nên cảnh quan đô thị trông càng nhếch nhác hơn, khi các đối tượng cho vay lãi nặng gia tăng hoạt động. Anh Lê Văn A. (ngụ Q7) cho biết: "Quảng cáo cho vay tiền không chỉ dán cột điện, mà các đối tượng còn nhân lúc vắng người, trời tối thả tờ rơi vào sân nhà các hộ dân. Đây là một trong những hình thức công khai của hoạt động "tín dụng đen", khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn cùng, đối tượng cho vay còn để lại cả số điện thoại liên hệ".
Thực tế cho thấy, "tín dụng đen" đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Do khó khăn, đa phần người vay thường chọn thông tin qua tờ rơi quảng cáo hay trên mạng xã hội. Vì thủ tục nhanh, gọn, đơn giản như qua ứng dụng hoặc gọi trực tiếp, không ai ngờ phía sau đó là một cái bẫy. Sau khi vay với lãi suất cắt cổ, người dân còn bị "khủng bố" đủ kiểu. Nhẹ là tạt sơn, sau đó là gọi điện thoại đến người thân, hoặc gọi thẳng cho lãnh đạo công ty, đơn vị mà người vay đang công tác. Lúc đầu lời lẽ nhẹ nhàng, nhưng sau đó cấp độ nguy hiểm tăng dần.
Bên cạnh nạn dán quảng cáo "rác" thì thành cầu, công trình công cộng trên các tuyến đường tại TPHCM cũng bị bôi bẩn bởi những bức vẽ phun sơn quái dị làm mất mỹ quan đô thị. Chẳng hạn gầm cầu vượt gần công viên Tầm Vu và cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), cầu Tân Thuận 1 (quận 7 nối quận 4) xuất hiện chi chít những hình vẽ graffiti với những hình thù quái dị. Đặc biệt, dọc các tuyến đường Hoàng Sa (quận 3), Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), Cộng Hòa (quận Tân Bình)..., nhiều bức tường bị bôi bẩn nhếch nhác với những hình ảnh khó hiểu.
Ngoài khu vực trên, hàng loạt tủ điện, tường rào của các trường học, dự án đang thi công trên đường Lê Duẩn, Trần Quang Diệu, Cách Mạng Tháng Tám (quận 1), Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trương Định (quận 3)... cũng nhan nhản những hình ảnh xấu xí. Tình trạng vẽ bậy thường xảy ra vào ban đêm, nhất là nửa khuya nên người dân khó ngăn chặn hoặc báo cho chính quyền kịp thời. Tương tự, tại các nhà chờ xe buýt trên đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua Gò Vấp - Bình Thạnh) cũng bị sơn, vẽ hình mặt người, bàn tay trông mất thẩm mỹ.
Cầu Thủ Thiêm 2 (cầu Ba Son) bị vẽ bậy phía dưới đường dẫn lên cầu
Chẳng lẽ bó tay?
Tình trạng ngập "quảng cáo rác" đã diễn ra nhiều năm qua, nhưng đến nay TPHCM vẫn chưa có giải pháp nào xử lý triệt để. Trong khi đó, thực trạng này không chỉ đe dọa đến đời sống người dân vì những hệ lụy liên quan "tín dụng đen" mà còn gây mất mỹ quan đô thị. Chưa kể, nạn vẽ bậy đang bôi bẩn hàng loạt công trình, nhà dân, các địa điểm có giá trị lịch sử - văn hóa. Điển hình là các vụ việc vẽ bậy ở tàu Metro Bến Thành - Suối Tiên, cầu Thủ Thiêm 2... mới đây đã gây bức xúc trong dư luận.
Tình trạng dán tờ rơi quảng cáo nơi bờ tường, cột điện... từng bị "truy quét" một cách quyết liệt, kết hợp với các đội tình nguyện vì cộng đồng giúp cho bộ mặt đường phố trở nên văn minh, sạch đẹp. Những cố gắng bỏ ra vẫn như "muối bỏ biển" bởi các tờ quảng cáo cho vay tiền, bán đất, cho thuê phòng vẫn tồn tại dày đặc khiến đường phố trở nên lem luốc, nhếch nhác tại một thành phố lớn.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp, song hành vi dán quảng cáo, vẽ bậy... vẫn xảy ra thường xuyên, liên tục. Các đối tượng ra tay vào ban đêm, thao tác rất nhanh để không bị phát hiện. TPHCM từng có nhiều mô hình, phong trào để dẹp nạn rao vặt bừa bãi ở các phường, khu phố nhưng hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân do chưa có chế tài đủ sức răn đe với những người quảng cáo dịch vụ kiểu này.
Đủ kiểu "quảng cáo rác" trên cột điện
Theo Luật quảng cáo năm 2012 quy định, các hành vi trong hoạt động quảng cáo bị cấm gồm có: quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội và treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng. Và Nghị định 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Theo đó, người phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông bị phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng...
Quy định cấm và hình thức xử phạt đã quá rõ ràng, nhưng tình trạng treo dán quảng cáo tại nơi công cộng vẫn diễn ra tràn lan. Thực trạng này có thể thấy xuất phát một phần do ý thức của doanh nghiệp còn thấp; một số doanh nghiệp vì lợi ích riêng đã bất chấp các quy định khi thuê người để phát tờ rơi, treo, dán quảng cáo khắp nơi; thậm chí nhiều trường hợp còn lợi dụng buổi tối để vẽ, dán quảng cáo bừa bãi. Một nguyên nhân khác là lực lượng kiểm tra chuyên ngành văn hóa còn quá ít so với nhu cầu, dẫn đến không kiểm soát hết các điểm thường xuyên xuất hiện tình trạng vi phạm quảng cáo, phát tờ rơi khắp nơi trong thành phố.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn và loại bỏ hành vi này, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, dứt khoát hơn nữa. Trước tiên phải gia tăng mức xử phạt cao hơn, chứ như hiện nay là quá nhẹ chưa có tính răn đe, sau nữa phải tìm ra kẻ chủ mưu mà việc này không quá khó vì lần theo các số điện thoại có thể tìm ra được các ông chủ của quảng cáo. Ngoài ra, các địa bàn cần tăng cường giám sát bằng camera. Việc truy xuất từ camera an ninh, camera các công sở, cơ quan và nhà dân sẽ tìm ra người dán, từ đó có các phương án xử lý từ phạt tiền đến bắt phải đi khắc phục hậu quả và lao động công ích.