Nhiều nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội

Thứ Hai, 19/12/2022 17:22

|

(CATP) Thời gian qua, tình trạng nhiều nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai chức năng, công dụng trên mạng xã hội, khiến công chúng bức xúc. Để ngăn chặn nạn quảng cáo lố, quảng cáo sai sự thật về sản phẩm, bên cạnh việc cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, xử lý các nghệ sĩ vi phạm lẫn các trang mạng đăng tải, giới hâm mộ (fan) cùng cộng đồng mạng cần thận trọng trong lựa chọn sản phẩm nào có chất lượng để mua về sử dụng, nhằm tránh "tiền mất, tật mang". Đối với những người của công chúng, cơ quan quản lý hoạt động văn hóa nghệ thuật cần có giải pháp góp phần ngăn chặn tình trạng trên.

Người của công chúng đừng hại công chúng!

Một chuyên gia về kinh tế bức xúc cho rằng, về mặt đạo đức nghề nghiệp, việc một số nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai sự thật đã góp phần làm hại người tiêu dùng. Số nghệ sĩ đó cố tình trục lợi, tiếp tay gây hại cả những người yêu mến, hâm mộ mình từ việc quảng cáo sai sự thật. Về mặt pháp luật, quảng cáo sai sự thật có dấu hiệu vi phạm nhiều luật hiện hành, như: Luật Quảng cáo năm 2012, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, thậm chí là Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2017)...

Trước đây, người xem mạng xã hội tỏ ra bức xúc khi "fanpage" chính thức, có tick xanh chính chủ trên mạng xã hội Facebook của nhiều người nổi tiếng, số lượng cư dân mạng theo dõi rất lớn, như: Kiều Minh Tuấn, Khả Như, Lê Dương Bảo Lâm... đồng loạt đăng bài quảng cáo với từ khóa "DOGE" (viết tắt của Dogecoin, một loại tiền ảo), có nội dung giống nhau. Tuy nhiên, khi bị dư luận lên án, những bài này đồng loạt bị họ đặt chế độ ẩn đi mà không một lời xin lỗi. Không chỉ đăng những nội dung nguy hại, có biểu hiện vi phạm pháp luật, không ít người nổi tiếng còn đồng loạt đăng bài tư vấn về tiền ảo và mời gọi đầu tư vào tiền ảo, tỏ ra mình như một chuyên gia tài chính, bất chấp hậu quả đối với người đọc.

Một số nghệ sĩ nước ngoài bị điều tra, thậm chí hầu tòa vì quảng cáo sản phẩm có chất cấm

Năm 2022, rộ lên biến tướng khác của quảng cáo qua mạng khi một loạt nghệ sĩ, đặc biệt là các diễn viên nổi tiếng đua nhau đăng bài quảng bá đồ phong thủy trá hình "bói tử vi" trên trang cá nhân. Khán giả ngao ngán khi những người này hầu hết đăng bài có nội dung gần giống nhau, khẳng định những con giáp "trong năm tuổi vận hạn không đùa được", kêu gọi "chấm vào đây" (tức bấm dấu chấm trong phần comment) để họ... chỉ cách (!?). Dưới bài đăng, họ còn chia sẻ link dẫn đến trang cá nhân của một người chuyên "xem bói giải vận hạn". Chẳng khác nào họ tuyên truyền nội dung mê tín dị đoan.

Ngoài ra, còn tình trạng số nghệ sĩ nhận quảng cáo những sản phẩm không kiểm chứng, sai sự thật về chức năng, công dụng, có dấu hiệu lừa dối khách hàng, người tiêu dùng. Sau khi bị truyền thông lên án, nhiều người nổi tiếng trước đó đăng bài quảng cáo sản phẩm dày đặc trên trang cá nhân của mình đã tự động xóa bài hoặc ẩn bài viết. Vấn đề là hậu quả của kiểu quảng cáo, tư vấn "trời ơi" trên thì chính khán giả và cư dân mạng sẽ gánh chịu, nếu lỡ tin rồi làm theo lời khuyên của nghệ sĩ mình yêu thích.

Cần mạnh tay truy quét "rác" quảng cáo

Hiện nay, tình trạng quảng cáo bát nháo, vô tội vạ trên mạng cũng như trách nhiệm xã hội của một bộ phận người nổi tiếng rất đáng báo động. Nghệ sĩ tham gia quảng cáo, tiếp tay đưa những sản phẩm chất lượng kém, thậm chí là hàng giả, hàng độc hại đến tay người tiêu dùng, chỉ có thể lý giải mục đích duy nhất của họ: vì cát-xê hoặc thù lao từ bên thuê quảng cáo chi trả. Dù bài viết sau đó có thể được họ xóa khỏi mạng xã hội, nhưng không thể xóa đi sự nghi ngờ và mất niềm tin của khán giả đối với họ.

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM từng gửi công văn gửi đến các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM, về việc một số nghệ sĩ tham gia quảng cáo trên mạng xã hội sai quy định. Một số nghệ sĩ TPHCM có tham gia bằng nhiều hình thức, như: đăng bài viết, video trên mạng xã hội để trực tiếp giới thiệu, quảng cáo hiệu quả sử dụng một số mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, tiền ảo..., không đúng với quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản, niềm tin của người tiêu dùng và cả hình ảnh của các nghệ sĩ đó.

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đề nghị lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM kiểm tra, chấn chỉnh một số hội viên tham gia quảng cáo sản phẩm không đúng chất lượng; vận động hội viên không tham gia nếu nội dung quảng cáo sai lệch, không đúng chất lượng sản phẩm, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, các văn nghệ sĩ tuyệt đối không tham gia quảng cáo những sản phẩm chưa được phép lưu hành hay sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ không đúng với chất lượng sản phẩm, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Sự vào cuộc của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM là động thái cần thiết để nhắc nhở các nghệ sĩ nhìn lại việc làm của mình. Họ phải có trách nhiệm hơn nữa với cộng đồng, người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh việc vận động, nhắc nhở, thiết nghĩ ngành chức năng cần có những giải pháp cụ thể mang tính lâu dài, như: xử phạt nặng những trường hợp vi phạm để răn đe chung; sớm chấm dứt tình trạng quảng cáo sản phẩm tùy tiện, sai sự thật trên mạng xã hội, nhất là đối với người nổi tiếng.

Tại Việt Nam, năm 2021, một loạt nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, nói quá công dụng của sản phẩm, bị công chúng lẫn truyền thông bêu tên. Đến khi các cơ quan quản lý vào cuộc, vài người trong số đó mới lên tiếng. Đáng nói, trong khi các nghệ sĩ nước ngoài bị xử phạt rất nặng, thậm chí mất cả sự nghiệp thì tại Việt Nam, chế tài đối với sai phạm trong quảng cáo vẫn chưa đủ sức răn đe. Một số nghệ sĩ theo đà làm sai rồi xin lỗi hoặc im lặng cho... qua chuyện. Khán giả thì ngán ngẩm trước tình trạng số nghệ sĩ quảng cáo tràn lan, thậm chí bán hàng giả, hàng nhái trong "showbiz Việt". Các cơ quan quản lý cần xử lý quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang