TPHCM: Ăn Tết với đường ngổn ngang "lô cốt"

Thứ Bảy, 17/12/2022 22:07

|

(CATP) Tính từ giữa tháng 11 đến nay, các ngành chức năng TPHCM liên tục tổ chức các buổi ra quân, thiết lập cao điểm nhằm duy trì, đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TT ATGT) dịp cuối năm, quyết không để xảy ra tình trạng ùn ứ, kẹt xe. Thế nhưng, người dân TPHCM không khỏi hoài nghi: Liệu những kế hoạch được triển khai rầm rộ có thật sự đạt được hiệu quả, trong khi đường xá ở TPHCM vẫn chật kín những công trình đào đường, những "lô cốt" rào chắn "giăng bẫy" khắp nơi...

Đường kẹt cứng vì lô cốt

Chưa đến 17 giờ nhưng anh Nguyễn Văn Huy (37 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) đã phải tranh thủ rời khỏi trụ sở trên đường Võ Văn Ngân (P.Linh Chiểu, TP.Thủ Đức) trở về nhà. Dù đoạn đường từ công sở về nhà chưa tới 10 cây số, nhưng anh phải mất hơn 1 giờ đồng hồ để di chuyển. "Từ ngày đường Võ Văn Ngân bị rào chắn, đào đường làm công trình, việc đi lại của tôi hết sức khổ sở. Hôm nào tôi cũng phải tranh thủ, gói ghém công việc, về sớm để né kẹt" - anh Huy nói. Lô cốt được rào chắn kiên cố, dài tít tắp đến tận đoạn giao với đường Tô Ngọc Vân khiến việc di chuyển của người dân vào khung giờ cao điểm chiều vướng phải trở ngại lớn.

Khoảng 17 giờ 10 ngày 13-12, phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM có mặt trước một ụ "lô cốt" kiên cố trước nhà số 101 Võ Văn Ngân (P.Linh Chiểu, TP.Thủ Đức). Lúc này, mọi chỗ trống trên đường đều được lấp kín bởi những vệt bánh xe. Lẫn trong dòng xe hỗn độn là hình ảnh của một đồng chí cảnh sát giao thông (CSGT) của Đội CSGT - TT (CATP.Thủ Đức) đang căng mình điều tiết. Mọi cố gắng của vị cán bộ này gần như bất lực khi dòng xe mỗi lúc một đông. Có lúc, tiếng còi xe, tiếng la lối của đám đông trên đường lấn át cả tiếng còi hiệu của CSGT. Trái ngược với hình ảnh người xe tấp nập chính là khung cảnh đìu hiu, vắng lặng bên trong những ụ lô cốt được dựng lên hết sức... bề thế!

Người dân lo lắng sẽ phải đón Tết cùng những ụ "lô cốt"

Cảnh tượng tương tự tiếp tục diễn ra ở bên hông chợ Thủ Đức (đoạn dẫn ra đường Kha Vạn Cân). Nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ khi nhắc đến công trình này chỉ biết tặc lưỡi ngao ngán. "Hết dịch kinh doanh trở lại thì bà con phải ngán ngẩm vì tình trạng đào đường. Hỏi địa phương thì biết là lắp đặt cống chống ngập. Nhưng hết ngập chưa thấy đâu chỉ toàn thấy cảnh kẹt xe và bụi bặm. Thậm chí lúc mưa xuống nước còn chảy xiết hơn trước" - chị Hồ Quý Phi, tiểu thương kinh doanh giày, dép ở chợ nói.

Sau 7 năm "đắp chiếu" vì vướng mắc trong khâu giải tỏa mặt bằng, toàn bộ dãy "lô cốt" kéo dài gần 2km trên đường Lương Đình Của đã có dấu hiệu... "hồi sinh"! Cô Nguyễn Thị Thu (62 tuổi) cho biết: ít ngày trước, người dân ở đây khá vui vì sự xuất hiện của công nhân đến tiếp tục thi công. Thế nhưng niềm vui này vẫn chưa đủ khỏa lấp những hoài nghi trong lòng người dân. Chiều 15-12, có mặt tại khu vực này để "mục sở thị”, phóng viên không khỏi ngao ngán khi thấy trên đường xe cộ nhích từng khúc qua đoạn đường chật hẹp, hoàn toàn trái ngược với sự yên ắng sau lớp tôn quây kín của công trình.

Vất vả đi trên con đường "đau khổ" Đỗ Xuân Hợp vào giờ cao điểm

Điệp khúc "đào lên... lấp xuống"!

Nhiều hộ dân sinh sống trên đường Đỗ Xuân Hợp (TP.Thủ Đức) thường nói vui, nếu tổ chức một cuộc thi bình chọn ra con đường "đau khổ" nhất TPHCM, ngôi vị quán quân khó lòng thoát khỏi tuyến đường này. Suốt nhiều năm qua, điệp khúc "đào lên... lấp xuống" liên tục được lặp đi lặp lại! Trong khi đó, mật độ dân số xung quanh khu vực ngày một tăng cao khiến đường Đỗ Xuân Hợp "bất đắc dĩ” trở thành tuyến đường huyết mạch của TP.Thủ Đức. Tình trạng ùn ứ, kẹt xe diễn ra nghiêm trọng bắt đầu từ đoạn qua cầu Cống hộp Rạch Chiếc và nối dài ra tới nút giao đường Vành đai.

Ông Lê Văn Thường - Phó Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải TPHCM

Đến tháng 11, trên địa bàn thành phố có 79 vị trí rào chắn ở 51 tuyến đường. Số điểm rào chắn ít hơn một số năm trước, song nhiều công trình vi phạm do các lỗi thi công ẩu, không đúng giấy phép, rào chắn không đảm bảo an toàn... Thống kê từ đầu năm đến nay, thanh tra giao thông đã phạt hơn 260 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Ba tháng gần đây, hơn 80 trường hợp bị xử lý với hơn 540 triệu đồng tiền phạt.

Mới đây nhất, vào một ngày đầu tháng 12, người dân không khỏi khổ sở để thoát kẹt ở đường Đỗ Xuân Hợp. Nguyên nhân xuất phát từ việc cầu Cống hộp Rạch Chiếc đang được quây lô cốt để nâng cấp, sửa chữa. Xe buýt, ôtô xếp hàng nối đuôi nhau chờ qua cầu. Còn xe máy chen lấn nhích từng chút một. Điều đáng nói, việc xây dựng lại được triển khai ngay trong dịp cuối năm, thời điểm lưu lượng phương tiện di chuyển có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Theo Sở Giao thông - Vận tải TPHCM, việc triển khai sửa chữa cầu Cống hộp Rạch Chiếc sẽ kéo dài trong khoảng 1 tháng, bắt đầu từ 03-12-2022 đến ngày 09-01-2023. Dù lịch đào đường đã có, song người dân không khỏi hoài nghi trước tiến độ thi công của công trình, liệu có về đích đúng hẹn khi Tết đã kề cận (?) Mới đây nhất, UBND TPHCM đã đề nghị HĐND xem xét dừng 17 dự án giúp tiết kiệm hơn 1.400 tỷ đồng để bố trí cho công trình cấp bách hơn. 11 trong tổng số 17 dự án được đề nghị tạm ngưng ở TPHCM đều nằm trên địa bàn của TP.Thủ Đức. Đáng nói, dự án mở rộng tuyến đường Đỗ Xuân Hợp cũng không nằm ngoài cảnh tiếp tục... "đắp chiếu".

Cầu Cống hộp Rạch Chiếc được rào chắn thi công

Mong ước chính đáng

Người dân ở TP.Thủ Đức bày tỏ mong muốn, chính quyền TP.Thủ Đức nói chung và TPHCM nói riêng sớm có động thái mạnh tay nhằm sớm chấm dứt tình trạng "đau khổ" diễn ra suốt nhiều năm qua trên đường Đỗ Xuân Hợp. Anh Nguyễn Hưng, chủ một cửa hàng sửa xe gần công trình thi công cầu Cống hộp Rạch Chiếc bộc bạch: "Vào giờ cao điểm, chỉ cần 2 chiếc xe khách đi ngược chiều là lập tức xảy ra ùn tắc. CSGT dù cố gắng điều tiết song vẫn không có nhiều hiệu quả vì gần như đường không còn chỗ trống".

"Đường Đỗ Xuân Hợp cần phải được ưu tiên cải tạo và mở rộng. Chúng tôi đã quá mệt mỏi với cảnh sống trong kẹt xe, mệt mỏi vì đường cứ vài hôm lại bị quây rào, đào bới. Cần có hướng giải quyết dứt điểm để ổn định đời sống của người dân" - ông Trần Hậu Phước (65 tuổi, một người dân sinh sống trên đường Đỗ Xuân Hợp) nêu ước muốn.

Công trình xây dựng cống thoát nước bị Thanh tra xử phạt 13 lần

"Thi công thì buộc phải rào chắn, nhưng nhiều dự án làm quá lâu, dai dẳng năm này qua năm khác khiến đời sống người dân rất khổ sở" - ông Nguyễn Văn Quân (54 tuổi, nhà trên đường Lương Định Của) nói và cho biết, nhiều người rất bức xúc nhưng cũng đành sống chung với "lô cốt", chỉ mong dự án sớm hoàn thành.

Theo Sở Giao thông - Vận tải TPHCM, hiện đơn vị đang áp dụng các biện pháp mạnh hơn đối với các công trình vi phạm như thu hồi giấy phép, không cho thi công với chủ đầu tư, nhà thầu tái phạm nhiều lần. Từ năm 2018, đơn vị này chỉ cấp phép đào đường, cho rào chắn khi các chủ đầu tư cam kết thi công đồng thời, tránh tình trạng đường vừa được tái lập lại bị đào lên để làm công trình khác. Tại các dự án, nhà thầu cũng được yêu cầu thi công nhiều mũi, cuốn chiếu, tháo dỡ ngay rào chắn những đoạn đã làm xong để hạn chế kẹt xe.

Dịp cuối năm đã kề cận, người dân trên toàn TPHCM bày tỏ mong muốn, những "lô cốt" vẫn còn án ngữ trên đường sớm được tháo gỡ, trả lại mặt bằng thông thoáng phục vụ như cầu đi lại cho người dân. Tuy vậy, với những công trình không kịp tiến độ, cơ quan có thẩm quyền cần có hướng xử lý cho phù hợp, yêu cầu đơn vị thi công tiến hành thu hẹp diện tích rào chắn, dọn sạch bụi bẩn để diện mạo của đô thị TP được đẹp hơn.

Xử phạt... 13 lần

Trong một lần trả lời báo chí, đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực TP.Thủ Đức (chủ đầu tư) cho biết, để hạn chế kẹt xe, việc thi công chỉ tổ chức vào ban đêm, từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Tuy nhiên, giải pháp kéo giảm ùn tắc này không đem đến nhiều hiệu quả vì gần như diện tích mặt đường đều đã được trưng dụng, phục vụ xây dựng. Cạnh đó, đơn vị này cũng giải thích thêm, tiến độ thi công chậm một phần đến từ dịch bệnh trong năm 2021, địa thế đặc thù của đường Võ Văn Ngân cũng như xung đột với các công trình ngầm hóa khác. Dù đưa ra nhiều lý giải, song thực tế, công trình này đã bị Đội Thanh tra giao thông số 5 (Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TPHCM) liên tục xử phạt (13 lần) với số tiền lên đến gần 120 triệu đồng. Thậm chí, người dân sinh sống trên tuyến Võ Văn Ngân còn bày tỏ lo lắng năm nay sẽ tiếp tục đón Tết cùng những ụ "lô cốt".

Bình luận (0)

Lên đầu trang