TPHCM: Người dân bức xúc vì lô cốt "nằm lì” chờ Tết?

Thứ Năm, 17/12/2020 11:30

|

(CATP) Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Tân Sửu 2021, nhưng tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM, lô cốt vẫn tiếp tục bủa vây.

Nhiều người dân cho biết đã quá khổ sở khi không những các hoạt động kinh doanh, buôn bán trở nên ế ẩm mà cả sinh hoạt hàng ngày cũng bị đảo lộn do giao thông bị cản trở, bụi mịt mù...

NGƯỜI MUA KẺ BÁN KÊU TRỜI

Trong suốt hơn 2 năm, người dân sinh sống trên đoạn qua các phường 4, 5 và 6, Q8) đã phải sống chung với cảnh con đường Phạm Thế Hiển liên tục bị băm nát, nguy hiểm vì lô cốt mọc khắp nơi. Có đoạn, chỉ chưa tới 1km đã có đến 2-3 lô cốt án ngữ trước cửa nhà dân, gây khó khăn cho việc lưu thông mỗi khi đến giờ cao điểm.

Cụ thể, từ cuối quý 1-2018, các đơn vị thi công dự án Cải thiện môi trường nước TPHCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ liên tiếp dựng hơn chục lô cốt trên tuyến giao thông huyết mạch này của Q8. Trong số đó, nhiều điểm lô cốt đang được thi công rầm rộ, nhưng cũng có nhiều điểm, công trình liên tục bị "đắp chiếu" trong suốt thời gian dài.

Tại các bảng thông tin công trình, thông tin trước đó khi rõ thời gian thi công từ tháng 3-2018, thời gian hoàn thành dự kiến là tháng 3-2019. Tuy nhiên, dòng chữ này đa số đã bị xóa và các lô cốt thì vẫn tiếp tục tồn tại, ngang nhiên cản trở, gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đơn vị thầu công trình chưa thi công xong nên đã nhiều lần xin giấy phép gia hạn thi công với Sở GTVT TPHCM.

Hàng loạt công trình án ngữ nhiều nơi trên địa bàn TPHCM

Theo anh Nguyễn Văn Hậu (39 tuổi, ngụ Q8): "Thay vì dựng lô cốt lần lượt, làm tới đâu gói gọn tới đó theo kiểu cuốn chiếu thì các lô cốt trên đường Phạm Thế Hiển lại mọc lên hàng loạt, có lúc đến 10 - 12 cái khiến tuyến đường này liên tục ùn tắc. Vì là tuyến đường chính mà có quá nhiều nút thắt cổ chai, lưu thông qua đây trở nên rất khó khăn vào giờ cao điểm khi đường hẹp, 2 xe máy đi còn phải né nhau chứ nói gì đến ôtô”.

Qua quan sát, do có lô cốt chiếm dụng lòng đường, tại khu vực gầm cầu Nhị Thiên Đường (P5Q8), hầu như giờ cao điểm nào cũng xảy ra tình trạng giao thông rối loạn. Các xe máy chen chúc nhau, leo lên lề để qua khỏi điểm kẹt dẫn đến tình trạng kẹt xe kéo dài. Mặt đường bị chiếm dụng là vậy, nhưng bên trong nhiều lô cốt hoàn toàn không có người thi công. Trưa 15-12, chúng tôi đi hết tuyến đường Phạm Thế Hiển và chứng kiến liên tiếp 5 lô cốt vẫn đang tồn tại. Thế nhưng chỉ có 1 lô cốt trong số này là có công nhân điều khiển máy móc tích cực làm việc.

Lô cốt bủa vây đường Phạm Thế Hiển (Q8)

Nhiều người dân cho biết do lô cốt án ngữ trước mặt, các hộ buôn bán trở nên ế ẩm, mất doanh thu. Anh Lại Hữu Nghĩa (32 tuổi) - người kinh doanh quán ăn trên đường Phạm Thế Hiển than thở: "Lô cốt mọc lên suốt hơn một năm nay, đa số thời gian là bỏ trống không có ai làm việc bên trong nhưng tôi thì phải nghỉ bán vì quá ế ẩm. Họ tới dựng lô cốt, đào đường xong rồi bỏ đi khiến đoạn đường này kẹt xe dữ dội, khách tới thấy xe cộ kẹt cứng hầu như không dám vào ăn".

Do tình hình lô cốt mọc lên dày đặc, nhiều cửa hàng kinh doanh lỗ vốn đã nhanh chóng trả mặt bằng. Tuy vậy, các hộ kinh doanh tại nhà cũng không có cách nào khác ngoài việc nghỉ "dài hạn" hoặc tìm kế sinh nhai khác. Ông Phan Văn Thanh (62 tuổi, ngụ P4Q8) cho biết: "Lô cốt "mọc" trên con đường này ít nhiều cũng đã 3 năm mà không hiểu thi công kiểu gì đến nay vẫn chưa xong. Nhà tôi kinh doanh, buôn bán chẳng được gì khiến đời sống bị đảo lộn. Chưa kể nhiều đoạn thi công xong thì tái lập mặt đường lởm chởm, nhiều ổ voi, ổ gà khiến xe cộ qua lại té liên tục".

"THẤT THỦ" SAU CƠN MƯA LỚN

Cùng cảnh ngộ, nhiều người dân sống trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) cũng than trời khi tuyến đường này không chỉ thường xuyên ngập sâu mà còn bị lô cốt bủa vây thường xuyên. "Mang tiếng là khu nhà giàu với nhiều cao ốc, tòa nhà chọc trời mọc lên liên tục nhưng chỉ có sống ở đây mới hiểu khổ đến mức nào. Dân buôn bán thì thất thu, một tháng ít nhất cũng phải nghỉ mấy ngày vì ngập. Đó là chưa kể lô cốt mọc lên liên tục" - một người dân ở đường Nguyễn Hữu Cảnh bức xúc.

Chỉ vài nơi có công nhân và máy móc thi công tại lô cốt

Để khắc phục tình trạng ngập nặng tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, giữa tháng 11-2019, hàng loạt rào chắn, lô cốt công trình được dựng lên choáng hết mặt đường. Vì mong hết cảnh ngập sau mưa, nhiều người thấy công trình được dựng lên đều tỏ ra vui mừng, mặc cho hàng ngày phải vật lộn với kẹt xe để về nhà. Tuy nhiên, hơn một năm đã trôi qua mà công trình vẫn ì ạch khi chỉ mới đạt 65% tiến độ. Theo đại diện chủ đầu tư, Dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh được thực hiện trong phạm vi 3,2km, với kinh phí 470 tỷ đồng nhưng dự kiến sẽ chỉ hoàn thành trong tháng 4-2021, tức là sau Tết Âm lịch 2021.

Tại khu vực nút giao Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh, hàng loạt lô cốt vẫn tồn tại nhằm rào chắn công trình cầu Thủ Thiêm 2. Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, không khí thi công khá vắng lặng, nhiều đoạn lô cốt rào chắn không cẩn thận gây bụi mịt mù khi gió to. Vào giờ cao điểm buổi sáng, hàng nghìn phương tiện từ hướng cầu Khánh Hội và Đinh Tiên Hoàng đổ về luôn phải chen nhau nhích từng chút một.

Lô cốt rào chắn công trình cầu Thủ Thiêm 2 bị "bỏ quên" khiến cát bụi bay mù mịt

Tương tự, dự án dựng hầm chui và vòng xoay tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Q7) chính thức được khởi công để xóa ùn tắc ở khu Nam TPHCM. Khu vực này là một trong những nút thắt kẹt xe lớn ở cửa ngõ phía Nam khi thường xuyên ùn tắc và tiềm ẩn tai nạn giao thông. Đường Nguyễn Văn Linh cũng có mật độ xe tải nặng, xe container lớn. Tuy vậy, chính công trình này lại trở thành "điểm đen" khi tình trạng kẹt xe ở khu vực trở nên trầm trọng.

Hiện ước tính có đến hàng trăm lô cốt ở nhiều dự án đang án ngữ khắp nơi trên địa bàn TPHCM. Điều đáng nói, nhiều lô cốt còn vi phạm các quy định về an toàn, kích cỡ, biển báo, hoặc đào đường xong rồi... để đó. Theo lực lượng Thanh tra Sở GTVT TPHCM, kể từ đầu năm 2020, Thanh tra Sở phát hiện nhiều nhà thầu thi công các công trình trên đường mắc các lỗi vi phạm thường xuyên, gây nguy hiểm như rào chắn nghiêng ngã, xiêu vẹo, không đúng quy cách gây nguy hiểm cho người đi đường; nhiều công trình sau khi thi công không hoàn trả nguyên trạng mặt đường, tái lập mặt đường cẩu thả; không bố trí lực lượng điều tiết giao thông...

Từ đó, Sở GTVT TPHCM đã đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cần xem xét lại năng lực các đơn vị thi công thường xuyên vi phạm và có biện pháp chế tài, xử lý; chấn chỉnh tình trạng thi công mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

Thanh tra quy hoạch hai bên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh

Mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố Quyết định 79/QĐ-TTr ngày 26-11-2020, thanh tra công tác quy hoạch tại tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh. Đoàn thanh tra có nhiệm vụ thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, Viện Quy hoạch xây dựng (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), các chủ dự án, công trình và tổ chức cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, phát hiện những vướng mắc tồn tại của cơ chế chính sách để kiến nghị, bổ sung, sửa đổi, phát hiện những vi phạm nếu có để xử lý, kiến nghị Chánh thanh tra Bộ Xây dựng xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, đường Nguyễn Hữu Cảnh chỉ dài hơn 3km nhưng có đến 6 khu phức hợp cao cấp, bao gồm bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại và hơn 17.000 căn hộ chung cư với các dự án như: The Manor, SunWah Pearl, Saigon Pearl, Vinhomes Central Park... Các dự án đều được xếp vào nhóm chung cư trung và cao cấp với mức giá lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi mét vuông.

Bình luận (0)

Lên đầu trang