Sau phản ánh của Báo Công an TPHCM:

Sân bay đã trang bị nước và ly nhựa miễn phí cho hành khách

Thứ Tư, 16/12/2020 09:12  | An Hoà

|

(CATP) Sau khi Báo Công an TPHCM đăng bài về nhu cầu của hành khách (HK), sân bay (SB) Tân Sơn Nhất đã trang bị nhiều thùng nước uống và ly nhựa miễn phí tại ga quốc nội. Tại một số cửa ra máy bay hoặc lối đi, sự xuất hiện này đã giúp được rất nhiều "thượng đế”, nhất là trong bối cảnh thời tiết như hiện nay. Tuy nhiên, tại tầng trệt ga quốc nội của Vietjet vẫn còn thiếu các thùng nước truyền thống so với nhu cầu.

Trước đây, tại SB từng đặt một số bình nước tinh khiết miễn phí, giống như nhiều SB quốc tế trong khu vực. Thế nhưng, cách dùng "hiện đại" có vẻ rất lạ với số đông HK khi không mang theo vỏ chai nước suối để lấy nước hoặc phải đưa miệng vào sát vòi nước xoay 360 độ. Nhiều người không biết sử dụng đành... nhịn khát, thay vì mua một chai nước suối loại nửa lít có giá "cắt cổ".

Trong khi đó, tại Cửa hàng Bigbowl, giá một chai nước suối hiện nay cũng làm nhiều "thượng đế” sốc. Nước khoáng Evian, nhập từ Pháp, loại nửa lít có giá lên đến 68 nghìn đồng, loại 750ml giá 88 nghìn. Theo quan sát của chúng tôi, không hề có sản phẩm trong nước để phù hợp với túi tiền người tiêu dùng. Ngoài ra, cửa hàng này bán 1 ổ bánh mì giá 75 nghìn, phở có ba mức giá: phở Wagyu 118 nghìn, phở bốn loại thịt 208 nghìn, phở Wagyu đặc biệt 228 nghìn. Ngoài SB Tân Sơn Nhất, tại SB Nội Bài (Hà Nội), chúng tôi thấy cửa hàng này cũng bán đồng giá như ở TPHCM.

Nước uống miễn phí tại sân bay Tân Sơn Nhất

Theo nhiều HK, Cửa hàng Cuisine de Saigon nằm cạnh cửa ra máy bay số 1 - 2, ga quốc nội, SB Tân Sơn Nhất có giá bán thức ăn, đồ uống rất cao. Cửa hàng Phố Chợ, nằm cuối lầu 1 của ga quốc nội cũng bán giá món nui xào bò, bánh ướt từ 85 nghìn đồng trở lên là không phù hợp với mặt bằng thu nhập chung. Thời gian qua, nhiều HK đi các tuyến nội địa tại SB Tân Sơn Nhất rất bất bình về cung cách phục vụ ăn uống, giá cả đắt đỏ tại khu vực phòng chờ sau khi đã check-in.

Từ tháng 6-2013, Cục Hàng không Việt Nam từng yêu cầu các Cảng Hàng không kiểm tra, xử lý nghiêm những đơn vị lạm dụng vị thế độc quyền nâng giá dịch vụ hàng hóa bất hợp lý trong SB. Thế nhưng, đến nay mọi chuyện vẫn như cũ. Chịu thiệt thòi nhất vẫn là HK, bởi lẽ chủ trương của ngành hàng không là tất cả mọi người cùng được bay, nghĩa là người có thu nhập khiêm tốn vẫn có quyền chọn dịch vụ của hàng không.

Song giá dịch vụ mặt đất để cung cấp cho "thượng đế” thì vẫn ở... tít chân trời! Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến việc khôi phục lượng HK nội địa sau đại dịch Covid-19 và chương trình kích cầu phát triển du lịch trong nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang