Hiểm họa từ chất gây nghiện mới

Thứ Ba, 15/12/2020 17:59

|

(CATP) Cùng với các loại chất ma túy "truyền thống", hiện nay nhiều chất gây nghiện mới như tem giấy, kẹo thuốc lá, bóng cười, nấm thần... cũng xuất hiện và len lỏi sâu vào những cuộc vui của giới trẻ thành thị, khiến nhiều người trở thành con nghiện. Loại chất gây nghiện này ngày càng được ngụy trang tinh vi khiến cơ quan chức năng cực kỳ khó khăn trong công tác kiểm tra, phát hiện và đấu tranh phòng chống.

Hàng loạt loại ma túy mới

Nấm ma túy (hay còn gọi nấm thức thần) là một dạng ma túy mới du nhập về Việt Nam. Thời gian gần đây, loại nấm này trở thành món hàng "hot" và được săn lùng nhiều trong giới trẻ. Chiều 14-12, chúng tôi hẹn một thanh niên tên H. (27 tuổi, ngụ Q10) để mua 100gr nấm. Khi trò chuyện, H. cho biết loại nấm này khi mới xuất hiện đã trở thành món hàng được nhiều người săn lùng. "Anh yên tâm, em chơi đủ loại rồi, từ kẹo đến cần, tem... đủ hết. Nhưng cái này (nấm) phê không kém gì những loại kia đâu" - H. cho biết.

Thấy chúng tôi tỏ vẻ không rành, H. chỉ cách sử dụng nấm thức thần đã học được từ cách chơi của nước ngoài. "Anh nhai trực tiếp hoặc bỏ vào đồ ăn, hoặc có thể pha với nước sôi và đường/mật ong như pha trà vậy... Nước ra sẽ có màu xanh đen, vị đắng nên muốn dễ uống phải vắt thêm chanh. Khi uống xong sẽ đắng miệng nên anh chuẩn bị một ly nước để tráng miệng". Trên mạng xã hội, H. là đầu mối chuyên cung cấp các loại cần sa, tem và nấm ma túy với trang Facebook hơn 10 ngàn lượt like.

Ma túy "nước xoài"

Theo các dân chuyên buôn nấm ma túy, hầu hết hàng hóa thường được nhập từ các tỉnh phía Bắc. Dân chơi đi bar đang chuyển sang sử dụng loại này tương đối nhiều vì ít bị phát hiện, khi dùng cho cảm giác khác lạ hơn, thậm chí là "ảo diệu", nhìn vô điện thoại hay ánh đèn xung quanh đều có màu sắc rực rỡ...

Đầu tháng 10-2020, Công an Q5 phát hiện đường dây mua bán chất ma túy được ngụy trang trong những gói "nước xoài" với chất bột màu vàng. Qua kiểm định, đây là hợp chất gây nghiện Bromazepam. Trên thực tế, "nước xoài" là loại ma túy biến tướng hoàn toàn mới, chưa từng xuất hiện tại Việt Nam.

Kỹ sư thiết kế đồ họa bỏ nghề đi trồng cần sa để bán

Ngoài các loại ma túy nói trên, tại TPHCM, không khó để tìm mua các loại chất gây nghiện khác từ các trang mạng, mà nhiều nhất trong đó vẫn là cần sa và cỏ Mỹ với giá chỉ 100 - 200 ngàn đồng/gói. Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển (Bệnh viện Tâm thần TPHCM) chia sẻ, Bromazepam trong "nước xoài" thực chất là thuốc chữa bệnh rối loạn lo âu, trầm cảm, mất ngủ. Nhưng vì có thể gây lệ thuộc nên chất này chỉ được sử dụng trong y học một cách hạn chế. Nếu uống liều quá cao có thể dẫn đến hậu quả khôn lường là ngộ độc, hôn mê. Còn uống thường xuyên, thuốc có thể gây lệ thuộc và ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của não bộ.

Hiểm hoạ từ chất gây nghiện

Trong vụ việc ma túy "nước xoài", Công an Q5 đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam Nguyễn Tiến Đạt (30 tuổi, quê An Giang) để điều tra, xử lý về hành vi "mua bán trái phép chất ma túy". Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, Đạt khai chỉ làm nhiệm vụ đi giao hàng cho một người tên Th. (H. Nhà Bè). Thông qua bạn bè giới thiệu, Đạt quen Th. và được người này thuê đi giao hàng nhiều lần. Trong đó, ngày 5-9, Đạt nhận 4 gói "nước xoài" và lần lượt đi giao 3 gói cho khách hàng. Gói còn lại Đạt đang trên đường giao cho một nữ khách hàng tại P9Q5 thì bị bắt.

Bóng cười được sử dụng rộng rãi trong các quán bar, vũ trường

Trước đó, giữa năm 2020, Công an Q.Cầu Giấy (TP.Hà Nội) cũng đã bắt quả tang một vụ mua bán trái phép chất ma túy là "nấm thức thần" do một sinh viên trên địa bàn thực hiện. Đó là Nguyễn Trần Tuấn Phương (19 tuổi, sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội). Qua kiểm định, lực lượng chức năng xác định thực chất là nấm ma túy chứa Psilocine và Psilotcin, có khả năng gây ảo giác mạnh cho người dùng. Chất này nằm trong danh mục các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội, theo Nghị định 73/2018.

Theo lời khai, Phương là học sinh giỏi 12 năm liền. Do áp lực học tập, đối tượng tìm đến nấm thức thần để giải khuây. Do nhà nghèo không có tiền mua "nấm" thường xuyên, Phương nảy sinh ý định tự trồng loại nấm này để sử dụng và sau đó đem bán kiếm lời. Sau thời gian tìm tòi trên mạng, đọc các tài liệu bằng tiếng Anh, Phương đã tự trồng thành công và thu hoạch mẻ "nấm" đầu tiên vào tháng 5-2020. Số "nấm" này được Phương rao bán trên internet với giá khoảng 300 ngàn đồng/gram.

Tương tự, Hoàng Gia Phú (26 tuổi, ngụ Q.Tây Hồ) là một kỹ sư thiết kế đồ họa với mức lương ổn định. Tuy nhiên, vì "áp lực công việc và trầm cảm", Phú thường xuyên mua và sử dụng cần sa. Nhận thấy việc mua quá tốn kém, Phú lên mạng học cách trồng, chế biến cần sa và mua hạt giống cùng các dụng cụ về để trồng tại căn hộ chung cư. Phú cho biết, định trồng cần sa vừa có ma túy để sử dụng, vừa để bán kiếm lời. Khi phát hiện vụ việc, Công an Q.Tây Hồ đã khám xét nhà Phú và phát hiện một kho xưởng trồng cần sa rất tinh vi với hệ thống máy sấy, lò ủ hiện đại. Mỗi mẻ cần sa khô thành phẩm, Phú chia cho các đầu nậu bán với giá 300 ngàn đồng/gram.

Cần sa được rao bán tràn lan trên mạng xã hội

Theo Công an TPHCM, tệ nạn ma túy trên địa bàn những năm qua tiếp tục tiềm ẩn và diễn biến phức tạp. Đối tượng sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa và sử dụng cùng lúc nhiều loại ma túy, nhất là ma túy tổng hợp. Người sử dụng các chất ma túy mới này gây ra tình trạng ảo giác, hoang tưởng, bị kích động mạnh, nếu sử dụng liều lượng nhiều sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Trong 5 năm gần đây, lượng ma túy tổng hợp mà Công an TPHCM thu giữ tăng bình quân hằng năm là 105,75%. Riêng trong năm 2019, số lượng ma túy phát hiện, thu giữ tăng đột biến với 339,311kg heroin, 1.422 tấn ma túy tổng hợp; 42.287kg cần sa...

Một lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an nhìn nhận, ma túy ngụy trang trong gói bột "nước xoài" là hình thức, thủ đoạn mới và "những sản phẩm này nếu được tiêu thụ ở các trường học thì cực kỳ nguy hiểm, gây tác hại khôn lường cho xã hội và khó khăn cho cơ quan chức năng trong phát hiện, ngăn chặn".

Bình luận (0)

Lên đầu trang