Chiêu của “quái xế”
Hành vi đua xe nếu đáp ứng các điều kiện được quy định trong Bộ luật Hình sự thì các đối tượng tham gia hoàn toàn có thể bị khởi tố hình sự hoặc áp dụng các khung xử lý cực kỳ nặng.
Thế nhưng để cơ quan công an có thể xác định và khởi tố thành công một vụ đua xe trái phép, buộc phải đáp ứng đủ các yếu tố khắt khe như xác định người chủ mưu, đối tượng chịu trách nhiệm cầm đầu, lôi kéo người khác. Bên cạnh đó, cần xác định rõ được địa điểm lôi kéo, điểm xuất phát cũng như điểm kết thúc của chặng đua trái phép…
Đua xe trái phép thường diễn ra vào ban đêm
Quá trình ghi nhận thực tế cho thấy, để xác định được đầy đủ các yếu tố nói trên yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ của nhiều đơn vị nghiệp vụ của lực lượng công an. Bởi các cuộc đua xe trái phép hiện nay phần nhiều mang tính tự phát, không ấn định cụ thể thông tin khiến việc theo dõi cũng như xử lý nhóm đối tượng này gặp nhiều khó khăn.
Nhiều đối tượng thuộc dạng có “máu mặt” trong giới đua xe cũng thể hiện sự am hiểu của mình về luật pháp nên tìm đủ mọi cách để “né” luật. Chính vì thế vô tình tạo ra tâm lý xem nhẹ pháp luật của số đối tượng này, cổ súy hành vi đua xe với lý do: Có bị bắt cũng không…đi tù!
Vấn nạn đua xe trái phép đang gây bức xúc cho người dân
Trong thời gian theo dõi cũng như thâm nhập những hội nhóm chuyên tổ chức các hoạt động đua xe, chúng tôi ghi nhận nhiều chiêu thức của các đối tượng nhằm tránh né sự theo dõi, truy bắt của lực lượng CSGT.
Trong vô số các thủ đoạn, việc lập các nhóm nhắn tin kín trên các nền tảng giao tiếp trực tuyến chính là phương pháp yêu thích được các đối tượng sử dụng. Thông thường, để một buổi “dợt xe”, bọn “quái xế” thông qua các nhóm chat trên để “gom” xe. Thời gian và địa điểm chính thức không bao giờ được tiết lộ cụ thể.
"Quái xế" có hàng trăm cách thức khác nhau nhằm qua mặt sự theo dõi của lực lượng chức năng
Tại một nhóm chat kín được các “quái xế” đặt tên “GrabFood Thèm món gì cũng có…” (tên nhóm được đặt nhằm tránh sự chú ý của công an), tối 11-12 dự kiến sẽ tổ chức một cuộc “dạo chơi” tốc độ tại khu vực Q2, Q9 và Q.Thủ Đức. Ngay trong buổi sáng, admin quản lý nhóm đã tung tin nhưng với độ chính xác không cao nhằm tránh lọt tin ra ngoài.
Theo đó, không ai biết chính xác vị trí tập trung cũng như thời gian. “Đêm nay tụi em gom được chắc cũng trên trăm xe. Cả pô xăng lửa lẫn xe sổ (tên bài độ xe). Lúc 9 giờ 30 tối nay chơi thì 9 giờ sẽ báo đài chính xác” – một “quái xế” trong nhóm chia sẻ.
Đúng như đã hẹn, địa điểm tập trung được ấn định tại một góc đường ở Q2. Nhưng khi cuộc đua vẫn chưa được diễn ra thì đã vướng phải sự truy quét quyết liệt từ các chiến sĩ CSGT Công an Q2. Kế hoạch tuy bị phá sản nhưng các “quái xế” vẫn quyết lên phương án cho một trận đua mới.
Khi phát hiện có sự xuất hiện của CSGT, "quái xế" sẽ nhanh chóng hủy kèo
Trong quá trình dự định tổ chức các buổi đua xe trái phép hoặc “đi bão”, nếu phát hiện sự theo dõi từ cơ quan chức năng hoặc chỉ cần nghi ngờ, các đối tượng sẵn sàng hủy kèo và nhanh chóng xóa toàn bộ nhóm chat để tránh bị “nắm thóp”.
Ngoài ra, trước mỗi cuộc đua, lực lượng “tydo” (các đối tượng nhận nhiệm vụ quan sát, cảnh giới) cũng sẽ được các admin tung ra nhiều ngõ ngách để nắm bắt thông tin. Thậm chí có đối tượng còn bám sát xung quanh các trụ sở công an, chỉ cần có sự xuất hiện của các tổ chuyên đề chống đua, cung đường và thời gian đua ngay lập tức được thay đổi.
Siết chặt “lò” độ xe
Thời gian gần đây, nhiều cơ sở với bề ngoài là điểm sửa xe máy thông thường nhưng trong đó là những “lò” độ xe chuyên nghiệp, nhận nâng cấp động cơ xe đang hoạt động trở lại.
Nhiều chủ cơ sở sửa xe, độ xe này còn công khai đăng tải các video clip quảng bá lên mạng xã hội youtube và facebook để thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Để cạnh tranh, dành khách, các chủ “lò” không ngần ngại cho “nài xe” (các tay lái chuyên chạy đua) ra so kè tốc độ, lấy chiến tích.
Tại một “lò xế độ” ở Sài Gòn
Tại một “lò” độ ở địa bàn giáp ranh huyện Bình Chánh và Q8, khi được chúng tôi ngỏ lời nâng cấp công suất máy cho chiếc xe Exciter đã xuống cấp, chủ cơ sở không ngần ngại nhận khách và còn nhanh chóng ngã giá.
“Xe này em lên cho anh máy lớn, đi trái 62 (thay thế piston máy có đường kính 62 mm), giữ nguyên dên zin. Tổng cộng 12 triệu bao chạy mạnh cho anh” – người này khẳng định chắc nịch. “Mà mình độ lên như vậy đi ra đường có bị bắt không?” – chúng tôi hỏi lại. “Đã chơi xe độ thì phải chấp nhận, còn sợ Cảnh sát giao thông bắt thì cứ xe zin mà chơi” – gã đáp lại với giọng đầy mỉa mai.
Các chiếc xe “độ” sau khi xuất xưởng sẽ được sử dụng trong các cuộc đua tốc độ trên đường
Còn tại một lò độ khác ở Q.Thủ Đức có tên B. “Thủ Đức”, thời gian gần đây nhận được sự ủng hộ “nhiệt tình” đến từ các thanh niên mới lớn. Để có được sự quan tâm như vậy, “lò” độ này đã phải nghiên cứu riêng cho mình một bài độ không đụng hàng với những công thức áp dụng riêng tự chế.
Xe mạnh, giá rẻ và thế là khách hàng cứ nườm nượp ghé đến đây làm xe. Điều này mang lại niềm vui cho chủ “lò” nhưng lại là sự mệt mỏi và lo lắng đối với những hộ dân sinh sống xung quanh.
Theo trung tá Nguyễn Văn Hải – nguyên Đội trưởng Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn (Phòng CSGT đường bộ đường sắt Công an TPHCM), việc quản lý chưa chặt các cơ sở chuyên nhận sửa, độ môtô, xe gắn máy chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến vấn nạn đua xe vẫn tồn tại âm ỉ.
“Theo ý kiến đóng góp của cá nhân tôi, các đơn vị quản lý hành chính của công an quận, lực lượng cảnh sát khu vực cũng như quản lý thị trường cần phối hợp chặt chẽ để kiểm soát những “lò” độ này vì ngoài nâng cấp, sửa chữa, các cửa hàng còn kinh doanh nhiều phụ tùng có dấu hiệu nhập lậu từ nước ngoài” – trung tá Hải chia sẻ
Các chiến sĩ CSGT xuống đường làm nhiệm vụ phòng chống đua xe
Quá trình đấu tranh với các đối tượng đua xe được xem là nhiệm vụ nguy hiểm đối với lực lượng thực thi công vụ
Trong tuần qua, Công an TPHCM tiếp tục mở cuộc ra quân, thiết lập cao điểm trấn áp nạn đua xe trái phép dịp cuối năm. Một cán bộ thuộc Phòng CSGT tâm sự, quá trình đấu tranh với các đối tượng đua xe được xem là nhiệm vụ nguy hiểm đối với lực lượng thực thi công vụ.
Đa phần bọn “quái xế” đều có tuổi đời còn khá trẻ, độ liều lĩnh cao nên khi phát hiện sự hiện diện của CSGT, chúng sẵn sàng chống trả hoặc lái xe với tốc độ cao để thoát thân. “Quá trình truy đuổi, nếu anh em làm nhiệm vụ chỉ cần phân tâm hoặc thiếu tập trung ngay lập tức sẽ tự nhận lấy những hậu quả nguy hiểm đến sức khỏe” – vị này chia sẻ.
Xóa sổ đua xe - chuyện không của riêng CSGT
Chính Trung tá Huỳnh Trung Phong, nguyên Trưởng Phòng CSGT cũng cho rằng, những thanh niên đua xe thường hẹn nhau thông qua mạng xã hội, hình thành các nhóm kín để lôi kéo và trao đổi với nhau.
Sau đó bọn chúng tụ tập, dợt xe, thi thố trong khoảng thời gian chớp nhoáng rồi nhanh chóng giải tán hoặc di chuyển qua nơi khác… nên gây khó khăn cho lực lượng chức năng để phát hiện, xử lý kịp thời. Không những vậy, những thanh niên này thường rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện và bỏ chạy.
Chính vì lẽ này, để công tác chống đua xe được thực hiện có hiệu quả, thì ngoài trách nhiệm của CSGT thì cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các đơn vị nghiệp vụ khác như cảnh sát hình sự; lực lượng quản lý hành chính, các đồng chí cảnh sát khu vực đến cả lực lượng quản lý thị trường. Tất cả phải cùng hợp nhất, tạo nên một thế trận tổng hợp trên mặt trận đấu tranh, phòng chống đua xe.
Đua xe trái phép là tội phạm chứ không phải tệ nạn
Theo luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết – Đoàn Luật sư TPHCM, cần thống nhất coi đua xe trái phép là tội phạm chứ không phải tệ nạn vì bản chất của hành vi đua xe là đã gây nguy hiểm cho xã hội rồi, cần nghiên cứu xem xét hình thức xử lý hình sự ngay khi có hành vi đua xe chứ không chờ diễn ra đua rồi mới bắt. Xử phạt phải có tính răn đe, ngăn chặn.
Điều 207 cũng quy định người đua xe gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe, tài sản người khác thì phạt tù 2-7 năm trong khi Điều 202 quy định đối với người điều khiển vô ý gây hậu quả tương tự có thể phạt tù 6 tháng tới 5 năm. Ở đây hai hành vi khác nhau hoàn toàn về bản chất: đua xe là bên cố ý, có tổ chức vì không ai đua một mình; hành vi trong Điều 202 là đơn lẻ, vô ý. Tuy nhiên hình phạt không chênh nhau bao nhiêu. Như vậy, cần tăng hình phạt với tội đua xe trái phép để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, 6 tháng cuối năm 2020, hệ thống camera được lắp đặt trên các tuyến đường đã ghi nhận 14.349 ôtô vi phạm giao thông, các trường hợp này đã được CSGT gửi thông báo về nơi cư trú cho chủ xe và đã có khoảng 1.500 trường hợp nộp phạt hơn 1,6 tỷ đồng, chiếm hơn 10%. Những trường hợp vi phạm quá thời hạn 30 ngày chưa nộp sẽ bị đưa vào diện không cho đăng kiểm xe do chưa hoàn thành xử lý vi phạm.
Hiện Trung tâm điều hành giao thông đô thị quản lý 857 camera giám sát giao thông cùng với hệ thống camera di động của các CSGT thuộc Phòng CSGT đường bộ- đường sắt CATP ghi hình cơ động trên các tuyến đường. Hướng sắp tới , phòng CSGT đường bộ- đường sắt CATP sẽ tập trung kế hoạch tăng tỷ lệ xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh camera ; theo đó, tỷ lệ phạt "nguội" tại TP HCM năm 2020 chiếm 36% và sẽ nâng lên 80-90% trong những năm tới.