Càng gần tới cuối năm càng nhiều chiêu trò mới được các đối tượng xấu sử dụng, khiến người dân một khi sa vào bẫy nợ do chúng tạo ra thì khó tìm được lối thoát.
Vay một trả... tùm lum!
Những ngày vừa qua, tâm trạng chị Trì Thụy T. (ngụ Q12) lúc nào cũng nơm nớp lo. Nợ chồng nợ, “lãi mẹ đẻ lãi con” và hàng trăm thứ phí phát sinh khi thanh toán chậm do các chủ nợ áp đặt khiến chị T. rơi vào cảnh kiệt quệ. Nguyên nhân cũng chỉ vì những khoản vay không lối thoát mà chị trót dính vào chiếc bẫy nợ do các băng nhóm “tín dụng đen” giăng ra.
Vốn là chủ 1 cơ sở nhà hàng tiệc cưới ở Q12, nhưng từ đầu năm 2020 do tình hình kinh doanh gặp khó khăn bởi tác động của dịch Covid-19, chị T. buộc phải vay mượn đủ chỗ để tìm cách duy trì hoạt động.
Nhưng nguồn tiền vay mượn được từ người thân, gia đình đã dần vơi trong khi hoạt động kinh doanh chẳng mấy khả quan, đường cùng, chị T. buộc phải tìm giải pháp cứu cánh bằng khoản tiền vay từ nhóm thanh niên gốc Bắc do bạn bè giới thiệu, số tiền vay ban đầu là 200 triệu đồng theo hình thức góp ngày, trong vòng 24 ngày (mỗi ngày đóng 12 triệu).
Tuy nhiên, theo trình bày của chị T., số tiền thực chị nhận chỉ là 156 triệu, do nhóm đối tượng đã trừ trước 20 triệu phí “dịch vụ” và yêu cầu đóng trước 2 ngày tiền góp là 24 triệu.
Với cách cho vay “cắt cổ” như vậy, dù biết trước một khi sa vào chiếc bẫy nợ này thì khó lòng thoát ra, nhưng chị T. cũng đành nhắm mắt đưa chân.
Chồng chị Trì Thụy T. gửi thông tin cầu cứu tới Báo CATP
Lần đầu tiếp xúc với chị tại nhà hàng tiệc cưới để bàn chuyện vay mượn, nhóm người lạ mặt do 1 thanh niên tên Tú cầm đầu, rất nhã nhặn, lịch sự, thậm chí còn tỏ ra đồng cảm, khiến vị chủ nhà hàng mất cảnh giác.
“Biết là tiền phí khá cao và lãi suất thuộc dạng khủng nhưng cũng vì không muốn toàn bộ tâm huyết của hai vợ chồng phải đổ sông đổ biển, tôi đành ký vào bản hợp đồng (HĐ) vay mượn” - chị T. nước mắt lăn dài, tâm sự.
Từ ngày 21-1, bắt đầu vay 200 triệu đồng cho đến thời điểm gia đình tìm đến tòa soạn Báo CATP cầu cứu, chị T. gần như không còn khả năng chi trả khi trở thành con nợ của hàng chục đối tượng.
Tất cả các băng nhóm này gần như có mối quan hệ với nhau. Bằng thủ đoạn vắt kiệt sức con nợ, chúng sẽ giới thiệu cho nhau “con mồi” để thực hiện hành vi bóc lột. Tổng số tiền sau nhiều lần “đáo dây nợ” qua lại (vay thêm gói mới để trả cho khoản vay trước còn thiếu) đã lên tới tiền tỷ.
“Tín dụng đen” bủa lưới dân nghèo
Biết nạn nhân không còn khả năng đóng tiền lãi, bộ mặt thật của các chủ nợ mới hiện nguyên hình. Mỗi ngày qua đi, chị T. phải nhận hàng trăm cuộc gọi và tin nhắn hăm dọa, thậm chí các đối tượng còn nhiều lần tìm đến nhà hàng tiệc cưới của chị ở Q12 để gây áp lực. “Vợ chồng tôi đã nhiều lần nghĩ đến việc tự tử để giải quyết nợ nần, nhưng vì thương con nhỏ nên chúng tôi vẫn phải gắng gượng vượt qua”, người phụ nữ này tâm sự.
“Tín dụng đen” thời... 4.0
Ngoài các hình thức, thủ đoạn truyền thống, thời gian gần đây nhiều băng nhóm “tín dụng đen” bắt đầu sử dụng chiêu thức mới, áp dụng công nghệ cao để phục vụ cho mưu đồ xấu. Tất cả chiêu trò cũng chỉ để các đối tượng có thể kiểm soát con nợ, đưa họ ngày càng lún sâu vào chiếc bẫy do chúng giăng ra.
Cầm lá đơn cầu cứu trên tay tìm đến tòa soạn, chị Phạm Thị Mỹ N. (ngụ Q4) không giấu được hoảng loạn vì gần như mọi thông tin cá nhân, hoạt động của chị đều bị các đối tượng xấu kiểm soát.
Người phụ nữ này kể, khoảng tháng 7 năm nay, do bị người bạn lừa mất khoản tiền lớn, chị rơi vào túng quẫn. Trong lúc khó khăn, chị có vào kho ứng dụng CH Play trên điện thoại chạy hệ điều hành Android tải về 1 ứng dụng mang tên Modong. Đây thực tế là ứng dụng cho vay, được các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực “tín dụng đen” phát triển.
Chị Phạm Thị Mỹ N. bị hàng loạt app vay tiền tín dụng đen “
xâu xé”
Sau khi được cấp quyền truy cập vào toàn bộ kho dữ liệu cá nhân trên điện thoại, chị N. được giải ngân 900 ngàn đồng vào tài khoản ngân hàng (số tiền vay là 1,6 triệu). Ngoài ứng dụng Modong, chị N. tiếp tục tải thêm 3 ứng dụng khác và vay tiền, mỗi app chị vay 2 triệu đồng nhưng thực nhận chỉ 1,2 triệu.
Điểm chung của tất cả ứng dụng trên đều cho người vay vay số tiền nhỏ nhưng khấu trừ các loại phí rất cao và phải trả nợ dứt điểm trong thời gian ngắn.
Ngay sau khi được 4 ứng dụng trên giải ngân tiền, chị N. cầm chưa ấm tay đã phải tính đường trả nợ. Gần tới ngày tất toán khoản vay, chị bất ngờ nhận được cuộc điện thoại lạ.
Đầu dây bên kia, 1 phụ nữ nói giọng nhẹ nhàng mở đầu câu chuyện, sau một hồi thăm dò, người này mới tiết lộ mình là nhân viên tư vấn của các ứng dụng cho vay nói trên.
Cận cảnh những app “tín dụng đen” vây bủa dân nghèo
“Bữa giờ chị đang kẹt tiền và phải nhắn tin tùm lum để mượn phải không? Thôi chị lấy điện thoại ra rồi em hướng dẫn tải thêm 1 ứng dụng nữa, tụi em sẽ giải ngân cho chị đáo hạn”, người này ân cần hướng dẫn.
Cứ thế, từ 3 ứng dụng vay tiền đầu tiên, chị N. bắt đầu bị các đối tượng đưa vào vòng xoáy lúc nào chẳng hay. Cứ thế, hàng chục ứng dụng lần lượt nằm trong danh sách tải về của chị. Mặc dù vậy, điều khủng khiếp nhất vẫn chưa xảy ra.
“Trong vòng 2 tháng, tôi được các đối tượng dẫn dắt vay tiền của hàng chục ứng dụng. Đến khi phát hiện mình không còn khả năng chi trả thì cũng là lúc hàng tá chiêu trò công kích tôi được đưa ra”, chị N. nhớ lại.
Sau nhiều ngày trả tiền trễ hẹn, chị tá hỏa khi các đối tượng đã phát tán tin nhắn đòi nợ sang người thân và đồng nghiệp của mình.
Tất cả những tin nhắn riêng tư hay thông tin hình ảnh của chị cũng bị chúng truy cập, sử dụng để khống chế.
Cùng đường, chị N. chỉ còn biết cầu cứu người thân, nhưng số tiền chị vay đã vượt quá tầm kiểm soát của gia đình.
Thậm chí, chị N. đã tìm đến cái chết như một cách giải thoát khỏi cảnh nợ nần, nhưng rất may được người nhà phát hiện, đưa đi cấp cứu kịp thời.
Do các ứng dụng vay tiền “nóng” đều là “ứng dụng đen”, được các đối tượng tự phát hành, nên sau khi cài đặt, điện thoại của người dùng lập tức bị các đối tượng theo dõi.
Tất cả thông tin từ danh bạ, tin nhắn, email cho tới lịch trình di chuyển của “con nợ” đều bị các chủ nợ theo dõi sát sao.
Chính vì thủ đoạn mới này, con nợ dù muốn hay không cũng sẽ bị các đối tượng khống chế một cách vô hình.
Công an Q4 khám xét nơi các đối tượng cho vay qua app làm việc
“Để cài đặt ứng dụng trên, điều đầu tiên mà ứng dụng yêu cầu chính là việc chủ sở hữu điện thoại phải cấp quyền truy cập vào camera, danh bạ, tin nhắn, máy ghi âm cùng nhiều vùng dữ liệu quan trọng. Điều này nhằm mục đích khống chế nạn nhân cũng như lấy trộm thông tin cá nhân của con nợ. Chỉ cần người vay tiền từ chối bất kỳ yêu cầu nào thì lập tức sẽ không cài đặt được ứng dụng”, một nhân viên lập trình ứng dụng chia sẻ.
Thời gian qua, Công an TPHCM đã liên tục lên kế hoạch đấu tranh, triệt phá các đối tượng cho vay theo hình thức công nghệ cao. Mới đây, cuối tháng 10 vừa qua, Công an Q3 triệt phá 1 nhóm cho vay nặng lãi bằng nhiều hình thức, đặc biệt là thông qua việc kiểm soát iCloud trên các thiết bị iPhone, iPad để buộc người vay trả nợ. Cụ thể trước khi cho vay, nhóm này sẽ yêu cầu khách đăng xuất iCloud trên iPhone. Khách đồng ý thì nhóm sẽ đổi iCloud mới (hay nói rõ hơn là bên cho vay sẽ đổi lại mật mã iCloud nhưng không cho chính chủ biết), bật tính năng Find My Phone và đồng bộ danh bạ, rồi mới làm HĐ. Ngoài HĐ cho vay còn có HĐ bán và cho thuê điện thoại.
Trước đó, Công an Q4 đã triệt phá đường dây cho vay nặng lãi qua app. Quá trình làm rõ, cơ quan điều tra phát hiện Tian Yi Gui (28 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, tạm trú Q4) cùng 6 người khác hoạt động cho vay tiền qua app tại 1 công ty đầu tư tư vấn tài chính do Tian điều hành. Công ty này sử dụng 2 app là ABLOAN và VNCARD để cho vay, theo phương thức: nhân viên trong công ty sẽ gọi điện cho khách hàng để tư vấn về việc vay vốn; nếu khách đồng ý, nhân viên sẽ cung cấp đường dẫn để khách cài đặt app trên điện thoại và sập bẫy!