Cần xem các "video bẩn" là tội ác

Thứ Sáu, 27/11/2020 18:17

|

(CATP) Ngày 25-11, Công an Đồng Nai phát thông tin cảnh giác về vụ bé trai V.P.L (8 tuổi, ở Trảng Bom) tử vong trong nhà tắm, nguyên nhân được xác định là do bé cố học theo "video bẩn" trên mạng, thử thách trẻ tìm cách tự treo mình lên móc quần áo mà vẫn... thở được. Nhiều sự việc tương tự diễn ra đã khiến mạng xã hội (MXH) rúng động, báo chí đã nhiều lần phản ánh, cơ quan chức năng cũng vào cuộc mạnh mẽ, nhưng dường như vấn nạn này rất khó xử lý.

Tràn ngập "video bẩn"

Tối 21-11, như thường lệ, bé L. vào nhà vệ sinh tắm. Hơn 30 phút sau không thấy động tĩnh gì, người mẹ gọi nhưng không thấy con trả lời. Linh tính có điều chẳng lành, mẹ của L. phá cửa vào, phát hiện bé treo lơ lửng sát vách tường, chiếc áo đang mặc dính trên móc treo. Gia đình nhanh chóng đưa L. đi cấp cứu nhưng bé không qua khỏi.

Theo người thân, L. rất hiếu động, thường thích móc áo, quần trên người vào cành cây để treo lủng lẳng thân mình. Có lần bị người lớn la rầy vì các hành vi dại dột, nguy hiểm, L. cho biết mình đang chơi theo trò "Thử thách Momo".

Trước đó, tháng 10-2020, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) tiếp nhận trường hợp tương tự là bé gái D. (5 tuổi, ngụ Q.Tân Phú), được đưa đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do bắt chước "trò chơi treo cổ" trên internet (cũng là "Thử thách Momo") và không qua khỏi do bị ngạt khí quá lâu dẫn đến chết não, ngưng tim.

Ảnh đại diện của trò chơi "Thử thách Momo" gây ám ảnh

Điểm chung của 2 nạn nhân là còn rất nhỏ và đều được người lớn cho tiếp xúc, sử dụng điện thoại thông minh, tivi từ rất sớm. Trong khi đó, các ứng dụng nổi tiếng nhất thế giới về chia sẻ video và MXH như Youtube, Tik Tok, Facebook... luôn tồn tại hàng loạt video có nội dung kỳ dị, cổ vũ bạo lực, kiểu "giang hồ mạng" với các hành động đâm chém người, đốt xe, ngôn từ thô tục cho đến khiêu dâm 18+... Điều đáng lo là những video này thường được chia sẻ rất nhiều, do chính Youtube, Tik Tok đề xuất đến người xem bởi thu hút đông lượt tương tác, mang lại thu nhập khủng cho chủ kênh, nên ngày càng có thêm nhiều "video bẩn" ra đời, xuất hiện tràn ngập trên không gian mạng.

Mới đây, nhiều tờ báo đồng loạt đăng tin về Hưng Vlog - một trong những Youtuber (người làm video đăng Youtube) nổi tiếng và tai tiếng nhất ở Việt Nam (VN). Chỉ trong 1 tháng, Youtuber này cho đăng 2 video hướng dẫn "lấy trộm tiền trong heo đất", "nấu cháo gà nguyên lông", thu hút rất đông trẻ em theo dõi nhưng sau đó phải hứng chịu nhiều chỉ trích của cộng đồng mạng do nội dung phản cảm. Hưng Vlog sau đó bị cơ quan chức năng phạt 17,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, đối với giới Youtuber, các nội dung của Hưng Vlog chỉ là "trò trẻ con" so với giới "đàn anh" trong nghề như NTN Vlogs (do Nguyễn Thành Nam làm chủ sở hữu). NTN Vlogs từng nổi tiếng khi sở hữu kênh video đạt 10 triệu lượt người đăng ký theo dõi đầu tiên tại VN. Ngoài ra, Nam còn nổi lên nhờ những video như chuốc thuốc mê em trai, dùng băng keo quấn cả người cậu này lại đem chôn sống, dùng chiếc thau bơi ra sông lớn...

Sau đó, nhận thấy "video bẩn" thu hút quá nhiều lượt xem, Nam tiếp tục làm các video khác với nội dung nguy hiểm gấp bội như: Thử thách trèo cột điện 100m, thả 100 con dao từ trên cao xuống đất. Dù Youtube đã cảnh cáo và cũng từng bị lực lượng chức năng triệu tập để làm việc, NTN Vlogs vẫn tiếp tục cho ra đời những video kiểu tương tự bất chấp tất cả để kiếm lượt xem.

Một trẻ ở Phú Thọ từng nuốt đồ bấm móng tay chỉ vì học theo video trên Youtube

Hệ luỵ khôn lường

Những "video bẩn" này thường có nội dung giật gân, gây sốc, bạo lực với tiêu đề gợi trí tò mò, nên đối tượng tương tác chính thường là trẻ em, trẻ vị thành niên - lứa tuổi còn hiếu động, thích khám phá những điều mới lạ. Hệ lụy tiếp theo là dù mang nội dung "bẩn" và gây nguy hại cho trẻ nhưng chủ các kênh Youtube này thường không bị giới hạn độ tuổi. Do vậy, không quá khó để bắt gặp những video với nội dung "bẩn" và nhảm nhí xuất hiện đầy rẫy ngay khi vừa truy cập vào các trang Youtube, Tik Tok...

Khi trẻ chưa đủ tuổi trưởng thành, kỹ năng sống và kiến thức xã hội còn non nớt thì việc tiếp cận thường xuyên với các "video bẩn" trên mạng sẽ làm ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống, thậm chí cả nhân cách các em. Đây cũng là bài toán đau đầu khi mặt trái của MXH đã len lỏi vào mọi gia đình.

"Trẻ em xem video hàng ngày sẽ tác động đến suy nghĩ, phát ngôn và cũng không có khả năng tự bảo vệ mình trước những kiến thức xấu, nên dễ bắt chước những gì vừa tiếp thu được và các hành vi phản cảm lặp đi lặp lại sẽ được trẻ coi là bình thường. Do đó, video trên mạng đang tác động rất mạnh đến định hướng của giới trẻ”, Phó GS-TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.

Cần mạnh tay hơn trong xử lý

Ngày 6-10, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), Bộ Công an phối hợp các bộ, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu, xử lý các video có nội dung nhảm nhí, giật gân xuất hiện tràn lan trên MXH.

Trào lưu rạch tay từng lan truyền trên Facebook và được nhiều bạn trẻ làm theo

Theo Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, cơ chế kiểm duyệt của Youtube phụ thuộc vào hậu kiểm, dẫn đến người sử dụng dễ dàng đăng tải các clip vi phạm, trong khi quy trình thẩm định và gỡ bỏ clip vi phạm mất nhiều thời gian. Chính Youtube đã thừa nhận không có hệ thống tự động nào là hoàn hảo và họ cũng không thể xem thủ công tất cả video đã đăng, người dùng nếu thấy trường hợp vi phạm nên báo cáo cho họ. Điều này cho thấy Youtube đang đẩy việc kiểm duyệt nội dung về phía người sử dụng, hầu như không có biện pháp triệt để nhằm ngăn chặn những nội dung độc hại trước khi chúng bị phát tán ra ngoài.

Thời gian qua, Bộ TT-TT đã hợp tác tích cực với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến xuyên quốc gia như Google, Youtube, Facebook trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ những video mang nội dung xấu, độc. Cụ thể, từ năm 2017 đến tháng 8-2019 Facebook đã gỡ 70% thông tin độc hại trên nền tảng của mình; Google cũng gỡ và chặn 7.478 video clip vi phạm trên Youtube, xóa 18 kênh Youtube. Riêng trong quý II-2020 có tới hơn 222.000 video đã bị gỡ bỏ khỏi Youtube, tuy nhiên tình trạng video xấu được đăng tải trên nền tảng này vẫn còn nhiều và có chiều hướng gia tăng.

Để làm trong sạch môi trường mạng, nhiều ý kiến cho rằng cùng với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng, cơ quan chức năng cần sớm tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm quản lý, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, ngoài việc xử lý hành chính thì mức tiền phạt cũng phải tăng cao hơn.

Hưng Vlog dạy cách trộm tiền trong heo đất, video đạt hàng trăm ngàn lượt xem rồi mới bị khóa

Ở góc độ phụ huynh, chị Võ Thị Như Minh (TPHCM) cho biết, trong khi MXH có ích ở nhiều điểm như giúp trẻ tiếp cận với thế giới, học ngoại ngữ, trau dồi kỹ năng sống... thì các "video bẩn" cũng để lại ảnh hưởng lớn đến tâm lý trẻ. Điều phụ huynh mong muốn là video xấu cần được loại bỏ ngay từ đầu, trước khi chúng được đăng tải và chia sẻ rộng rãi rồi sau đó mới bị phát hiện. Để làm được điều này, cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc, kiểm soát chặt chẽ nội dung trên các nền tảng MXH cũng như cần có chế tài đủ mạnh, thậm chí xử lý hình sự đối với những người tạo ra "video bẩn".

Tại phiên chất vấn ngày 8-11-2019, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, doanh thu từ quảng cáo (QC) trên Facebook ở Việt Nam (VN) khoảng 1 tỷ USD, nhưng chưa đóng thuế. Nếu truy thu thì số thuế thu được có thể lên tới hàng trăm triệu USD.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, Chính phủ đã có động thái kiểm soát dòng tiền phục vụ QC tin giả, tin độc hại chảy về Facebook, Google. Thủ tướng đã chỉ đạo về việc sử dụng biện pháp kinh tế để ngăn chặn dòng tiền QC sai sự thật. Bộ TT-TT cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước lên phương án kiểm soát các giao dịch thanh toán xuyên biên giới. Ngoài ra, bộ này đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 181/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013, trong đó quy định chi tiết một số điều của Luật QC, đặc biệt là với các hoạt động QC trên nền tảng xuyên biên giới.

Theo đề xuất của đơn vị soạn thảo NĐ mới, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ QC xuyên biên giới trên môi trường mạng có phát sinh doanh thu hoặc có người sử dụng tại VN phải tuân thủ quy định của pháp luật VN; trong đó có luật về QC, quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Đơn vị cung cấp dịch vụ QC xuyên biên giới phải nộp thuế theo quy định pháp luật. Các đơn vị này có nghĩa vụ kiểm tra, rà soát sản phẩm QC để đảm bảo quy định.

Nghị định cũng yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ QC xuyên biên giới phải có giải pháp bảo đảm người phát hành QC ở VN có khả năng kiểm soát, phát hiện và loại bỏ các sản phẩm QC vi phạm pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang