Hiện Bộ Công an đang tổng hợp các ý kiến, qua đó sẽ tham mưu cho Chính phủ và UBQG phòng, chống ma túy xây dựng Chương trình Phòng chống ma túy giai đoạn 2021-2025. Đây là Chương trình có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính quyết định đối với công tác phòng chống ma túy giai đoạn mới, nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 36-CT/TW ngày 16-8-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát ma túy.
"Điểm huyệt" tội phạm ma túy
Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, việc tổng kết toàn diện Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 là cơ sở quan trọng giúp chúng ta xây dựng Chương trình Phòng chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025 bảo đảm tính khả thi, hiệu quả cao, thiết thực, để những quyết sách vừa đúng, vừa trúng.
Bộ Công an đang tổng hợp các ý kiến, qua đó sẽ tham mưu cho Chính phủ và UBQG phòng, chống ma túy xây dựng Chương trình Phòng chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025, nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát ma túy phù hợp với tình hình mới.
Các đại biểu dự Hội nghị hợp tác phòng chống ma túy lần thứ 18
Về giải pháp nào cho cuộc chiến ma túy trong giai đoạn tiếp theo, đại tá Vũ Văn Hậu cho biết: "Khó như phòng, chống dịch Covid-19 mà chúng ta vẫn làm được, đó là nhờ sức mạnh, sự thống nhất của toàn Đảng, Nhà nước và nhân dân. Cuộc chiến ma túy cũng vậy. Nếu như cả xã hội cùng chung tay, cả hệ thống chính trị vào cuộc, mọi người dân cùng tham gia thì chúng ta sẽ thắng lợi".
Theo Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, tội phạm ma túy thực chất là tội phạm kinh tế, do đó đấu tranh với loại tội phạm này cần đánh vào mục tiêu cao nhất là kinh tế, xử lý, truy thu nguồn tài chính, tài sản do phạm tội mà có của tội phạm ma túy. Dùng chính các nguồn lực tài chính đó để hỗ trợ cho công tác đấu tranh của lực lượng chức năng như thu ôtô, tiền, bất động sản...
"Chúng ta nên có cách tiếp cận mạnh dạn như thế, cần tính toán "đòn kinh tế" trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy. Chúng tôi cho rằng tội phạm ma túy rất liều lĩnh, có khi không sợ mất mạng bằng mất tiền. Cần "điểm huyệt" tội phạm ma túy vào việc đó, cần có một văn bản dưới luật để xử lý việc này" - đại tá Vũ Văn Hậu nêu ý kiến.
Ngoài ra, để ngăn chặn từ xa ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, ngăn chặn ngay từ biên giới, các lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tăng cường biện pháp nghiệp vụ cùng hệ thống các giải pháp, lớp lang ngăn chặn. Bên cạnh đó, cá thể hóa trách nhiệm của từng lực lượng từ Trung ương đến địa phương, cấp ủy, chính quyền trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy và công tác cai nghiện.
Cùng với đó, việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật tạo cơ sở pháp lý đầy đủ đồng bộ cho công tác phòng chống tội phạm về ma túy, công tác cai nghiện, quản lý sau cai, đưa người nghiện vào cơ sở bắt buộc... nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay; rất cần tăng cường nguồn lực cho công tác này.
Trong đó, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, các địa phương cần tích cực huy động tổng thể các nguồn lực, quan tâm ưu tiên đầu tư, bố trí, bổ sung thêm kinh phí từ nguồn ngân sách tại chỗ cho công tác phòng chống ma túy, tổ chức xã hội hóa công tác phòng chống ma túy, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho công tác này, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phụ thuộc hoàn toàn vào Trung ương, Chính phủ.
Tình hình ma túy trong khu vực và thế giới ngày càng phức tạp
Nhiều giải pháp kéo giảm tội phạm ma túy
Trong 6 tháng cuối năm 2020, UBND TPHCM sẽ tiến hành nhiều giải pháp mạnh mẽ, phù hợp. Theo đó, UBND TPHCM đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất việc bổ sung các chất ma túy mới vào danh mục các chất ma túy phải được thực hiện liên tục, nhanh chóng. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu bổ sung, hướng dẫn chẩn đoán người nghiện theo các chất ma túy như ketamine, cocaine, cần sa, bồ đà và các chất hướng thần khác.
Chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường lực lượng, bố trí cán bộ, phương tiện... nhằm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ với người, hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng hóa tạm nhập tái xuất để kịp thời phát hiện, đấu tranh với hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất để sản xuất ma túy. Đề xuất chủ trương cho TP áp dụng cơ chế đặc thù thực hiện mô hình cai nghiện tự nguyện tập trung đối với tất cả người nghiện trên địa bàn...
Để kéo giảm tội phạm ma túy, Công an TPHCM đã chỉ đạo lực lượng chức năng bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác nghiệp vụ, kịp thời phát hiện các đầu mối, đường dây tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy. Nhất là các đường dây quy mô lớn, có tính chất liên tỉnh, xuyên quốc gia, có tàng trữ, sử dụng vũ khí nóng. Ngoài ra, tập trung xác minh, truy bắt các đối tượng truy nã, nhất là các đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm về ma túy.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động tại vũ trường, bar, karaoke, khách sạn..., tránh tình trạng lợi dụng để tổ chức sử dụng ma túy. Phải tăng cường phối hợp với các địa phương có chung đường biên giới với các nước trong việc hợp tác đấu tranh với các đối tượng, đường dây vận chuyển, mua bán ma túy có yếu tố xuyên quốc gia, truy bắt đối tượng truy nã.
Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM cũng cho rằng, để ngăn chặn tình trạng ma túy ngày càng tràn lan thì không chỉ có lực lượng công an mà đòi hỏi toàn bộ hệ thống chính quyền và người dân cùng vào cuộc; nâng cao ý thức, nhận diện ma túy và phải phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ trong trứng nước.
Trong thời gian tới, Ban giám đốc Công an TP sẽ chỉ đạo các đơn vị, công an địa phương tăng cường các giải pháp nghiệp vụ để đấu tranh với tệ nạn ma túy. Đồng thời phối hợp các lực lượng chức năng, BĐBP, Hải quan, tăng cường phối hợp liên ngành kiểm tra hành chính các điểm kinh doanh dịch vụ nhạy cảm có biểu hiện nghi vấn mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép ma túy...
Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng:
Thời gian qua, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, trực tiếp là Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam (Đoàn 3) đã phối hợp với Công an TPHCM liên tiếp triệt phá thành công nhiều đường dây ma túy xuyên quốc gia, từ Campuchia qua biên giới các tỉnh An Giang, Tây Ninh về TPHCM tiêu thụ.
Quá trình truy vết các đối tượng hoạt động qua lại hai bên biên giới, lực lượng Biên phòng đã phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an TPHCM cũng như các đơn vị thuộc Công an các quận, CAP để xác minh thông tin đối tượng, nhân thân, lai lịch, hoạt động của chúng, thông tin về địa bàn... Đặc biệt là công tác ngoại tuyến di biến động của đối tượng, các tổ công tác thường bao gồm cả Công an, Biên phòng.
Trong suốt quá trình đấu tranh chuyên án cũng như mọi hoạt động của lực lượng Biên phòng tại địa bàn TP đều nhận được sự phối hợp nhiệt tình, chặt chẽ, cởi mở của các đơn vị Công an TPHCM; sát cánh bên nhau như anh em cùng một đơn vị, không nề hà, câu nệ, bất kể ngày đêm. Có thể nói, nếu không có sự phối hợp tích cực, nhịp nhàng của Công an TPHCM thì sẽ không có những chuyên án lớn như thế trong thời gian qua. Bộ Tư lệnh BĐBP cũng đã tặng nhiều bằng khen, giấy khen cho các đơn vị, cá nhân thuộc Công an TPHCM có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chuyên án.
(CATP) Trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy tại nước ta, có 3 nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định là phải giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại.