Có tiền... có pháo
Kể từ thời điểm Nghị định 137 chính thức có hiệu lực từ cuối tháng 11-2020, thị trường mua bán
pháo lậu tại các chợ đen trên mạng xã hội đã bất ngờ tấp nập người rao bán với nhiều chủng loại. Đặc điểm chung của các loại pháo này là đều có tiếng nổ lớn, thậm chí có loại pháo còn có sức công phá, dễ gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Đa phần các đối tượng rao bán pháo lậu qua mạng đều sử dụng các tài khoản Facebook ẩn danh hoặc các tài khoản mạng xã hội Zalo không có thông tin chính xác để tiện bề hoạt động. Chỉ cần đánh từ khóa "pháo tết" trong công cụ tìm kiếm của mạng Facebook, người dùng có nhu cầu mua pháo đã có thể tiếp cận với hàng trăm tài khoản rao bán pháo lậu. Đa phần các loại pháo được các đối tượng đăng tải hình ảnh, rao bán trên mạng đều có xuất xứ từ Trung Quốc với lượng thuốc nổ kích nổ cao, dễ gây ra sát thương.
Pháo lậu bị tịch thu
Cách thức mua hàng đơn giản, người mua chỉ cần để lại thông tin, chuyển tiền vào đúng số tài khoản của người bán đưa ra, pháo ngay lập tức được vận chuyển tới địa chỉ được đính kèm. Để kích thích lượng người tương tác, đặt hàng, các đối tượng không ngần ngại quay video clip cận cảnh các mặt hàng "cấm" để PR. Thậm chí, có đối tượng còn trực tiếp đốt pháo để quảng cáo. Đằng sau mỗi video này là hàng trăm lượt bình luận cổ vũ, đặt mua.
Tại một nhóm công khai có tên "Pháo Tết 2021 không cọc", chúng tôi phát hiện nhiều hoạt động mua bán pháo tết được thực hiện một cách công khai và rầm rộ. Theo tìm hiểu, nhóm công khai này mới chỉ được thành lập từ cuối tháng 11 nhưng chỉ sau ít ngày, diễn đàn mua, bán pháo lậu trên đã có tới gần 5 ngàn lượt người đăng ký theo dõi. Liên hệ với một chủ tài khoản Zalo có tên Trần Tôn, ngay sau đó chúng tôi được người này gửi ngay một bảng danh sách bao gồm 13 loại pháo nổ thông dụng kèm giá tiền. Chỉ cần chọn loại pháo mẫu mà mình thích, để lại địa chỉ nhận hàng và chuyển tiền, pháo sẽ tự động được người bán vận chuyển tới tận tay.
Tương tự, tại một diễn đàn mua bán "Lozi - Hội mua bán xe cũ chính chủ TPHCM", một tài khoản có tên "Sang Nhỏ” đã công khai rao bán loại pháo bi có hình viên kẹo với đầy đủ kích thước. Giá bán được để công khai cùng thông tin liên hệ. Phía dưới bài đăng, rất nhiều bình luận hỏi mua từ cư dân mạng đã được để lại.
Các loại pháo đa phần có xuất xứ từ Trung Quốc
Tăng cường truy quét pháo lậu
Lo ngại tình trạng pháo lậu sẽ diễn ra rầm rộ trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới không phải không có cơ sở, nhất là việc nhiều đối tượng cố tình hiểu sai, xuyên tạc Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo nổ, pháo hoa để dẫn dắt người dân hiểu không đúng về các quy định Nhà nước trong việc sử dụng các vật liệu nổ này.
Trong những ngày vừa qua, hàng loạt các đường dây, đối tượng vận chuyển pháo lậu trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam liên tục bị lực lượng chức năng phát hiện và triệt phá. Điều này thể hiện sự quyết tâm của cơ quan chính quyền trong việc siết chặt hoạt động kinh doanh pháo lậu, đảm bảo an ninh trật tự nhưng cũng dấy lên nhiều lo ngại xung quanh việc mua, bán trái phép mặt hàng cấm này.
Mới đây, 2 vụ vận chuyển pháo lậu trái phép bằng ôtô đã bị lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước bắt giữ với tổng trọng lượng 77kg. Công an TP.Đồng Xoài cho biết, khoảng 0 giờ 30 ngày 9-12, trong quá trình tuần tra, Công an kinh tế TP.Đồng Xoài phối hợp Đội QLTT số 6, Công an P.Tân Xuân phát hiện ôtô BS: 62A-148.25 có biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu kiểm tra hành chính.
Bảng báo giá pháo lậu
Thời điểm này, một đối tượng trên xe bất ngờ bỏ chạy thoát thân. Kiểm tra, cơ quan công an và lực lượng QLTT phát hiện hơn 50 bịch pháo bi lớn nhỏ các loại với tổng trọng lượng 27kg. Danh tính cả 2 đối tượng vận chuyển số pháo trên được xác định là Nguyễn Bảo Khanh (17 tuổi) và lái xe Phạm Minh Đại (26 tuổi, cùng ngụ Long An). Tại cơ quan công an, Khanh khai "hàng" vừa được mua của một người lạ. Kẻ trốn thoát là Vinh (26 tuổi, ngụ Long An) được cho là chủ số pháo trên.
Công an TP.Đồng Xoài cũng thông tin, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án "buôn bán hàng cấm" đối với 2 bị can Nguyễn Xuân Trường và Đoàn Quang Minh (cùng 18 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai) vận chuyển gần 11kg pháo nổ, bị lực lượng công an bắt giữ vào ngày 26-11; khởi tố vụ án "buôn bán hàng cấm" đối với bị can Lê Vương Trung (29 tuổi, ngụ Quảng Nam) vận chuyển 19kg pháo nổ bị phát hiện ngày 24-11.
Trước đó, khoảng 19 giờ 45 ngày 8-12, tại khu vực cầu Sông Bé (ấp 4, xã Thanh Hòa, H.Bù Đốp, Bình Phước), Đội Đặc nhiệm Phòng phòng chống ma túy và tội phạm phối hợp với Đồn Biên phòng Thanh Hòa, Đội kiểm soát Hải quan tỉnh bắt quả tang vụ vận chuyển pháo nổ trái phép. Khi lực lượng chức năng yêu cầu dừng lại kiểm tra, đối tượng để lại ôtô Toyota Camry BS: 93A-152.80 rồi nhảy xuống sông trốn thoát. Kiểm tra phương tiện, lực lượng chức năng thu giữ 14 hộp pháo bông, 50 bịch pháo bi với tổng trọng lượng 50,4kg.
Nhóm "Pháo Tết 2021 không cọc" thu hút nhiều thành viên tham gia
Còn tại tỉnh Quảng Trị, sau nhiều lần mật phục, lực lượng chức năng phát hiện một đối tượng vận chuyển pháo lậu ở gần khu vực biên giới Việt - Lào. Vào 4 giờ 30 ngày 4-12, Đồn Biên phòng Thuận chủ trì, phối hợp với Đội Trinh sát Đặc nhiệm (Biên phòng Quảng Trị) và Công an huyện Hướng Hóa bắt quả tang đối tượng vận chuyển pháo lậu.
Theo đó, tại vườn tràm giáp sông biên giới Sê Pôn (thuộc thôn Long Quy, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), lực lượng chức năng phát hiện ông Lê Quốc Hiệp (SN 1983, trú thôn Long Quy) vác bao nilon màu đen, bên trong có 1 thùng chứa 20 hộp giấy. Hộp giấy có nhiều màu sắc với ký hiệu C0834, chứa 36 ống hình trụ tròn nghi là pháo. Lực lượng chức năng mở rộng kiểm tra hiện trường, tìm thấy thêm 5 bao nilon màu đen chứa thùng các-tông và các hộp giấy. Tổng cộng có 120 hộp với tổng trọng lượng 168kg nghi là pháo nhập lậu.
Đại diện lực lượng Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, để ngăn chặn tình trạng trên, ngoài việc tăng cường lực lượng để đấu tranh với tội phạm, đơn vị sẽ phối hợp tuyên truyền để người dân khu vực biên giới hiểu rõ Nghị định 137/2020/NĐ-CP, chỉ cho phép sử dụng pháo hoa sản xuất trong nước, loại pháo này không có tiếng nổ và khi sử dụng phải đăng ký và phải cam kết đảm bảo an toàn.
Hai đối tượng vận chuyển pháo lậu
Pháo chỉ là những ống tre rỗng
Có không ít đối tượng lợi dụng nhu cầu mua pháo vào dịp Tết Nguyên đán của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo. Chúng đóng giả làm người bán pháo, sau khi nhận tiền cọc của người mua thì không giao hàng, đồng thời chặn Facebook, chặn số điện thoại.
Mất tiền vì mua phải pháo... lừa
Người mua khi bị lừa đành phải "ngậm bồ hòn" do đa số các tài khoản bán pháo đều là tài khoản ảo, sử dụng hình ảnh, thông tin của người khác, trong khi tiền cọc lại chuyển qua mạng, không giao trực tiếp. Anh Nguyễn Tiến D. - người đã bị lừa với thủ đoạn như trên kể lại: "Họ bảo chắc chắn là có, muốn mua pháo thì phải chuyển đủ tiền mới giao. Tôi đã làm theo nhưng đến khi nhận được mới tá hỏa trong đó chứa toàn ống tre".