Các đối tượng luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi để tổ chức vận chuyển ma túy với số lượng ngày càng lớn. Thậm chí tại một số khu vực biên giới, đã xuất hiện tình trạng các đối tượng sử dụng thiết bị bay không người lái (Flycam) để tiến hành quan sát, theo dõi các tuyến, khu vực, địa điểm mà chúng dự định sẽ vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy.
"NÓNG" BIÊN GIỚI TÂY NAM
Trước đây, ma túy thẩm lậu vào Việt Nam bằng 2 con đường chính: heroin và ma túy tổng hợp dạng thuốc lắc, hồng phiến từ Tam giác Vàng qua biên giới các tỉnh Tây Bắc, Bắc miền Trung vào Việt Nam rồi sang Trung Quốc tiêu thụ; ma túy đá, ketamine và một số loại ma túy tổng hợp khác lại từ Trung Quốc qua biên giới các tỉnh phía Bắc xâm nhập trở lại Việt Nam. Thời gian gần đây, các tay "trùm" ma túy đã đưa công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất ma túy lên khu vực Tam giác Vàng thay vì sản xuất ma túy đá ở Trung Quốc. Các đối tượng đầu tư những nhà xưởng sản xuất quy mô lớn ở những vị trí biệt lập, từ đó đưa ma túy vào Việt Nam rồi ngược sang Trung Quốc và đi nước thứ 3 tiêu thụ.
Kiểm tra tang vật vụ 300kg ma túy đá ngày 30-2
Theo đánh giá của lực lượng phòng, chống ma túy các nước, giá thành ma túy đá ở Việt Nam đang rẻ đứng thứ ba ở khu vực Đông Nam Á chỉ sau Myanmar và Lào. Đồng thời, Bộ Công an Việt Nam cũng phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tập trung đánh mạnh các "sào huyệt" của tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Tây Bắc, nên các đối tượng có xu hướng dịch chuyển xuống khu vực biên giới Tây Nam để hoạt động. Hiện nay, tuyến biên giới này đang xuất hiện nhiều "điểm nóng" như cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), Tây Ninh, An Giang. Từ đây, ma túy được vận chuyển nhanh chóng về TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Các đối tượng triệt để lợi dụng đặc điểm địa hình cũng như khó khăn, sơ hở trong kiểm tra, kiểm soát địa bàn, đối tượng để hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ khu vực Tam giác Vàng qua Campuchia sang Việt Nam tiêu thụ hoặc vận chuyển đi nước thứ 3. Các sòng bạc, trường gà, tụ điểm vui chơi giải trí ở khu vực biên giới của Campuchia giáp với Việt Nam tiềm ẩn nhiều phức tạp, tội phạm ma túy thường lợi dụng các dịch vụ này làm nơi tập kết ma túy trước khi vận chuyển trái phép vào Việt Nam. Thời gian qua, Công an TPHCM và các địa phương đã liên tiếp ngăn chặn nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn từ biên giới Campuchia vào nội địa.
Tang vật vụ bắt giữ 40kg ma túy đá
Điển hình như ngày 15-8-2020, Công an huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) phát hiện một đối tượng điều khiển ôtô chở lượng lớn ma túy, nên đã bố trí lực lượng mật phục. Tuy nhiên, khi thấy công an ra tín hiệu dừng xe kiểm tra, nghi can không chấp hành, tiếp tục điều khiển ôtô với tốc độ cao. Phải nhanh chóng triển khai đội hình chốt chặn, phối hợp với Công an tỉnh Long An, các tổ công tác mới bắt được Nguyễn Văn Thái (30 tuổi, ngụ thị xã Hồng Ngự). Kiểm tra xe của đối tượng, CQĐT phát hiện có 3 túi chứa 41 bịch nylon hàn kín, tổng trọng lượng 45,342kg ma túy tổng hợp dạng đá. Thái khai vận chuyển số "hàng" trên cho các đối tượng ở Campuchia, đưa từ biên giới về TPHCM tiêu thụ.
Trước đó, khoảng 20 giờ 10 ngày 8-5, lực lượng Biên phòng tỉnh An Giang tiến hành mật phục tại khu vực tổ 5 (ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú) cũng phát hiện 3 đối tượng từ Campuchia đi xuồng nhỏ qua sông Bình Di mang theo các bọc màu đen có dấu hiện nghi vấn. Khi tổ công tác tiếp cận để kiểm tra, 3 đối tượng nhanh chóng lên 2 xe máy chờ sẵn và chạy đến cây xăng Hải Thịnh Phát (tổ 23, ấp Tân Khánh), rồi lên ôtô BS: 67A 050.67 bỏ chạy.
Tổ công tác tiến hành truy đuổi đến khu vực chợ Đồng Ky (thuộc tổ 19, ấp Đồng Ky, xã Quốc Thái, huyện An Phú), bắt giữ An Ngọc Hà (35 tuổi, ngụ Hà Nam) và Nguyễn Văn Tài (20 tuổi, ngụ TP.Hải Phòng). Tiến hành kiểm tra phương tiện, tổ công tác phát hiện trên ôtô có 3 ba lô và các bọc màu đen, bên trong có chứa tổng cộng 40kg ma túy đá. Hai đối tượng này khai 2 ngày trước đã đi đò sang Campuchia vận chuyển ma túy đá về Việt Nam để hưởng tiền công 65 triệu đồng.
Khoảng 3 giờ ngày 14-3-2020, BĐBP tỉnh Kon Tum cũng tóm gọn một nhóm đối tượng vận chuyển ma túy có trang bị vũ khí "nóng" chuẩn bị vượt rừng vào biên giới Việt Nam, gồm: Sa Lí, Thao Khiêm, Keo Ta, Phút Xí La và Năng Bua (nữ), bị bắt quả tang cùng 60.000 viên ma túy tổng hợp, 2kg cần sa, 1 khẩu súng quân dụng, 1 ôtô và 1 xe máy khi đang tập kết hàng tại thị xã Xa mạc khi say, tỉnh Attapư (Lào)...
Nguyễn Văn Thái cùng 45kg ma túy đá
NHỮNG KẺ "CHẾT THUÊ"
Để vận chuyển ma túy từ Campuchia vào nội địa, những "ông trùm" các đường dây ma túy xuyên quốc gia tìm cách móc nối với số đối tượng người Việt Nam ngay tại Campuchia. Như trường hợp Đỗ Như Ý (28 tuổi, quê Cà Mau), một nữ DJ (chỉnh nhạc) tại các điểm karaoke, quán bar ở Campuchia.
Gần đây, dịch Covid-19 bùng phát, do thất nghiệp nên khi có người thuê vận chuyển ma túy từ Campuchia về TPHCM, trả công 500USD/lần, Ý đã nhận lời. Sau khi được một đối tượng người Trung Quốc đưa cho bọc nylon, khoảng 4 giờ ngày 2-6, Ý giấu "hàng" trong hành lý rồi tìm cách nhập cảnh trái phép về Việt Nam qua khu vực biên giới thuộc ấp An Khánh, xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Tuy nhiên, Đỗ Như Ý đã bị tổ công tác thuộc Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh An Giang phối hợp lực lượng Biên phòng bắt giữ cùng hơn 4kg ma túy tổng hợp các loại.
Thu giữ 300kg ma túy đá ngày 20-3
Hiện nay cũng xuất hiện các đường dây chuyên tổ chức vận chuyển ma túy từ Campuchia vào Việt Nam do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu. Trong vụ Công an TPHCM phối hợp với Cục CSĐT tội phạm về ma túy và các lực lượng lượng chức năng bắt gần 300kg ma túy đá tại quận Bình Tân (TPHCM) ngày 20-3-2019, đây chính là đường dây buôn ma túy quốc tế quy mô lớn do các đối tượng người Trung Quốc điều hành, có sự tham gia của các đối tượng người Thái Lan, Lào và Việt Nam. Ma túy được các đối tượng đưa từ Tam giác Vàng (Myanmar) sang Lào qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) rồi về TPHCM để đi các nước tiêu thụ.
Sau khi giao dịch thành công, các ông chủ tại Tam giác Vàng sẽ giao "hàng" cho đối tượng người Thái Lan thường gọi là Lý A Sảo (hay A Thủ) phụ trách toàn bộ khâu vận chuyển từ Thái Lan về Việt Nam. A Thủ vốn là người Thái gốc Việt nên rất thông thuộc các tuyến có thể vận chuyển loại hàng quốc cấm này ở cả 2 nước, nhưng khi vận chuyển ma túy từ biên giới về TPHCM, y đã thuê một nhóm đối tượng người dân tộc Mông tại tỉnh Đắk Nông làm cửu vạn. Sau khi ma túy được tập kết về TPHCM, các đối tượng sẽ giấu trong các container hàng hóa rồi làm thủ tục xuất khẩu chính ngạch qua các cảng biển sang Phillippines hoặc sang Đài Loan tiêu thụ.
Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an dự báo, trong thời gian tới, tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, hai nước đã có nhiều chương trình, kế hoạch nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới. Ngoài việc tập trung phối hợp điều tra, bóc gỡ các đường dây ma túy, bắt giữ các đối tượng phạm tội và đối tượng truy nã về ma túy; kiểm soát công khai các khu vực trọng điểm về ma túy, gồm cả đường bộ, đường thủy, sân bay, bến cảng thuộc địa bàn biên giới; Bộ Công an Việt Nam và Cảnh sát Hoàng gia Campuchia đã thống nhất chỉ đạo các lực lượng chuyên trách triển khai các hoạt động phòng chống ma túy và truy bắt đối tượng truy nã đang lẩn trốn trên lãnh thổ của nhau. Đồng thời, Công an các tỉnh giáp biên và các Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) cũng tăng cường phối hợp, tổ chức tuẩn tra, kiểm soát và điều tra chung, mở các đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên địa bàn biên giới hai nước.
(Còn tiếp...)
(CATP) Với tỷ lệ lên đến 95% người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, trong số này lại có tới 70% là giới trẻ, học sinh - sinh viên (HS-SV, 17 - 35 tuổi), đây là mục tiêu mà tội phạm ma túy nhắm tới. Để phục vụ nhu cầu, thị hiếu của một số người trẻ, giới tội phạm ma túy luôn tìm cách đưa ra thị trường những chất gây nghiện mới, thay đổi hình thức, mẫu mã để kiếm siêu lợi nhuận.