Trạm trung chuyển rác gây ô nhiễm trong nội thành: Cần giải pháp tổng thể

Thứ Ba, 22/08/2023 09:19

|

(CATP) Định hướng quy hoạch vị trí "Trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050" đã được UBND TPHCM chấp thuận, giúp giảm dần các trạm trung chuyển (TTC) rác trong khu vực (KV) nội đô, tăng vị trí TTC rác ra các tuyến vành đai. Điều đáng nói là trong rất nhiều "trạm" thì "bô rác trung chuyển" nằm ngay chân cầu Sài Gòn, dưới tuyến metro, đầu đường Ung Văn Khiêm, P25Q.Bình Thạnh mà Chuyên đề Công an TPHCM đã phản ánh những ngày đầu tháng 8/2023 rất cần khắc phục sớm về tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) cũng như mỹ quan đô thị (MQĐT).

Ô nhiễm khu vực nội đô

Hiện nay, nhiều TTC, điểm tập kết rác tại TPHCM từng bị người dân phản ánh không bảo đảm yêu cầu về môi trường, diện tích, điều kiện thu gom... gây mất MQĐT, ÔNMT. Trước tình hình đó, nhiều địa phương trên địa bàn TPHCM, nhất là KV nội đô đang thắt chặt kiểm soát nguồn gốc, thành phần, khối lượng chất thải tập kết tại các TTC để hạn chế ÔNMT, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Theo phản ánh của người dân, đầu tháng 8/2023 phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM đã có mặt nhiều ngày tại TTC rác ngay đầu đường Ung Văn Khiêm, P25Q.Bình Thạnh. Hàng ngày có một số ôtô tải thu gom ép rác chở đi, trong khi hàng chục xe rác thô sơ cũng tụ tập về đây. Với kiểu che chắn tạm bợ (rào tôn), tại TTC này rác tràn ra xung quanh, nhất là phía sau TTC, mùi hôi bốc ra nồng nặc. Một đơn vị làm việc phía sau TTC rác liên tục ca thán về tình trạng ÔNMT.

Chưa hết, khu vui chơi, giải trí, tổ chức sự kiện, tiệc cưới... nằm gần đó cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của mùi xú uế bay ra từ TTC rác. Không hiểu vì sao rất nhiều nơi khác thích hợp để làm TTC, nhưng KV đầu đường Ung Văn Khiêm, P25Q.Bình Thạnh vốn trước đây là công viên công cộng, tạo cảnh quan cho thành phố, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây bỗng mọc lên TTC rác, không những làm ảnh hưởng nghiêm trọng về thẩm mỹ - khi đây là cửa ngõ ra vào trung tâm thành phố, mà khi tuyến metro sắp đi vào hoạt động lại nằm bên trên TTC rác, mùi hôi bốc lên hàng ngày càng làm ảnh hưởng nghiêm trọng về môi trường!

Tập kết rác bên ngoài trạm trung chuyển

Theo Ủy ban nhân dân TPHCM, hiện mạng lưới thu gom rác thải sinh hoạt từ các điểm tập kết về TTC và vận chuyển đến các khu liên hợp (KLH) xử lý trên địa bàn do 3 đơn vị cùng thực hiện: Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TPHCM (CITENCO), Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích quận, huyện và Hợp tác xã (HTX) vận tải công nông. Để vận hành hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, hiện toàn TPHCM có hơn 900 điểm tập kết tập trung rác (cả nội thành và ngoại thành), 27 TTC để tập kết tạm thời chất thải rắn sinh hoạt thu gom tại nguồn để vận chuyển đến các khu xử lý tập trung (trong đó 6 TTC đạt chuẩn về trạm ép rác kín, có hệ thống thu gom, xử lý môi trường với hệ thống phun xịt chế phẩm khử mùi; 13 trạm đã cải tạo, nâng cấp nhà xưởng kín và lắp đặt bổ sung các hệ thống thu gom, xử lý môi trường, có hệ thống phun xịt chế phẩm khử mùi; 8 TTC đang hoạt động tạm theo nhu cầu quản lý trên địa bàn quận, huyện).

TPHCM sẽ giảm dần các TTC rác trong KV nội đô, tăng vị trí TTC trên các tuyến vành đai của TPHCM. Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ người dân sống gần các TTC rác có nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, nhiều bệnh mãn tính, đặc biệt là bệnh về da liễu do ÔNMT gây nên; bên cạnh đó, các TTC rác nằm trong lòng thành phố cũng gây ra tình trạng mất MQĐT...

Kết quả giám sát của Ban quản lý các KLH xử lý chất thải thành phố về đánh giá chất lượng vệ sinh (VS) trên địa bàn cho thấy, công tác thu gom rác tại các điểm hẹn, VS điểm tập kết, vận hành TTC, quản lý rác dân lập tương đối bảo đảm. Tuy nhiên, một số KV vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.

Trên thực tế, một số TTC rác nằm trong lòng khu dân cư (KDC) có đông người dân sinh sống đã trở thành "điểm nóng" khiến người dân TPHCM phản ánh về tình trạng ÔNMT cũng như gây mất MQĐT. Các TTC rác trong lòng KDC đồng nghĩa với việc người dân hàng ngày bị ảnh hưởng bởi tình trạng ÔNMT. Đa số TTC này đều có hệ thống máy móc thô sơ, lạc hậu, làm chậm quá trình xử lý, khiến rác tồn đọng tạo mùi hôi thối và rò rỉ nước thải ngấm vào đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Nhất là vào mùa mưa, khi rác ứ đọng nhiều gặp mưa xuống gây ngập úng trên diện rộng khiến rác thải trôi nổi khắp nơi; nước bẩn từ TTC rác lại có thêm cơ hội phát tán nhanh chóng vào KDC tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh...

Cần sớm di dời trạm trung chuyển rác trong khu vực này

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM từng có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân TP.Thủ Đức và các quận, huyện ở TPHCM tăng cường giám sát hoạt động của những đơn vị cung ứng dịch vụ VS môi trường trên địa bàn, yêu cầu các đơn vị chấp hành đúng, đầy đủ quy định, quy trình kỹ thuật để duy trì liên tục chất lượng VS môi trường và sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước. Các đơn vị thực hiện phương án bố trí thời gian thu gom rác tại nguồn và tập kết, vận chuyển tại các điểm hẹn, TTC phù hợp để tránh ùn ứ, bảo đảm MQĐT.

Sở Tài nguyên - Môi trường cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp tổ chức, cá nhân xả chất thải không đúng nơi quy định; tăng cường xử lý các trường hợp, đơn vị cung ứng dịch vụ VS môi trường không tuân thủ quy định, quy trình kỹ thuật, hợp đồng cung ứng dịch vụ đã ký kết, tiếp nhận thành phần chất thải không đúng quy định, chất thải từ tỉnh, thành khác vận chuyển về thành phố.

Theo đó, CITENCO đã áp dụng công nghệ hiện đại để bảo đảm VS môi trường, quá trình vận hành được kiểm soát nghiêm ngặt, không để phát tán mùi hôi ra bên ngoài, gây ÔNMT. CITENCO cùng TP.Thủ Đức đã triển khai thí điểm dán logo nhận diện xe gom rác dân lập đổ về các TTC, như Hiệp Bình Chánh, Long Hòa, Long Trường thuộc TP.Thủ Đức, giúp quản lý lực lượng thu gom rác, điều phối khối lượng rác tại các TTC tốt và thuận lợi hơn, công suất xử lý tại các TTC được bảo đảm. Việc này cũng tránh được trường hợp các xe rác ở địa bàn khác đổ không đúng nơi quy định.

Rác tràn ra xung quanh...

Do Q3 là địa bàn trong nội đô nên các điểm trung chuyển, tập trung rác sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Chính quyền Q3 đã tiến hành chuyển đổi lấy rác vào ban đêm thay vì ban ngày như trước đây đồng thời trang bị xe ép rác hiện đại; bên cạnh đó thường xuyên nhắc nhở lực lượng thu gom tập kết rác đúng giờ, không quá sớm, tăng cường VS các điểm lấy rác, giao các phường và Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Q3 kiểm tra, nhắc nhở. Địa phương cũng thành lập HTX môi trường quận để nâng cao chất lượng thu gom rác trên địa bàn. Tương tự, Q1 là địa bàn trung tâm nên hiện đang chia nhỏ lượng rác tại các điểm tập kết và di chuyển điểm tập kết liên tục, vì thế phần nào đã hạn chế ảnh hưởng đến người dân.

Quận Gò Vấp chủ động chuyển các điểm trung chuyển rác ra xa KDC, thời gian lấy rác nhanh, VS sạch sẽ nên đã giảm thiểu ÔNMT. Quận 12 cũng đã chuyển điểm tập kết rác An Sương trên Quốc lộ 1A (thuộc P.Tân Thới Nhất, Q12) đã tồn tại hơn 30 năm gây ÔNMT, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân về TTC Hiệp Thành, P.Hiệp Thành; đồng thời vận động các ban ngành, đoàn thể cùng nhân dân dọn VS, lát gạch, trồng cây xanh, đầu tư làm mới các bức tường và vẽ tranh tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. Thời gian đầu sau khi xóa bãi rác này, P.Tân Thới Nhất, Q12 đã tổ chức rào chắn, lắp camera, cử lực lượng chức năng trực, tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác tại đây. Đến thời điểm hiện nay, tình trạng vứt rác ở khu vực này không còn...

Bình luận (0)

Lên đầu trang