Sao chưa giải được bài toán 'núi rác' gây ô nhiễm?

Thứ Ba, 24/11/2015 13:40  | Ngọc Hà

|

(CAO) Nhiều năm nay, người dân thôn Pré, xã Phú Hội (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) và chính quyền, các ngành hữu quan tỉnh, huyện, dư luận, báo, đài đặc biệt quan tâm đến câu chuyện bãi rác khổng lồ trên địa bàn thôn Pré, xã Phú Hội.

Sống chung với rác

Giữa tháng 11-2015, một số hộ dân thôn Pré điện thoại đến Đường dây nóng báo CATP phản ánh bức xúc về sự tồn tại của bãi rác này. Theo phản ánh, bãi rác khổng lồ này xuất hiện nhiều năm nay, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều hộ dân trong thôn, gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, nước tưới cây trồng của bà con.

Bãi rác thôn Pré ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân

Cách bãi rác chừng 1 km là khu dân cư tập trung và khu công nghiệp (KCN) Phú Hội, hàng ngàn nhân viên - công nhân, người dân phải chịu đựng nỗi lo sợ nước rỉ ra từ bãi rác khổng lồ làm ô nhiễm mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của họ; mùi rác khuếch tán trong không khí lan ra cùng những chuyến xe chở rác ngày mấy lượt ra – vào khiến họ phải chịu đựng sự “tra tấn” nhức óc từ thứ mùi khó chịu đặc trưng này.

Bãi rác này có từ năm 2.000, được thu gom trên toàn địa bàn 8 xã, 1 thị trấn thuộc huyện Đức Trọng, với số dân khoảng gần 300.000 người.

Theo quan sát của chúng tôi, bãi rác nằm trên một quả đồi, rừng cạn kiệt, do Trung tâm quản lý và khai thác công trình công cộng (TTQL-KTCTCC) huyện Đức Trọng quản lý và đổ rác cho đến nay.

Bãi rác lộ thiên, không có các hạng mục công trình bảo vệ môi trường, không có hệ thống thu gom nước thải từ rác và hệ thống xử lý nước thải, không có lớp ngăn cách đáy. Mọi hoạt động từ thu gom đến phân loại, xử lý rác đều là thủ công, duy nhất 1 chiếc máy đào là chủ lực.

Ngày 18-11-2015, chúng tôi chứng kiến, chỉ trong 1 tiếng, có 3 xe chuyên dụng chở rác đến đổ. Chiếc máy múc hoạt động liên tục. “Nó” có nhiệm vụ gom rác từ những chiếc xe đổ tràn xuống, gọn lại thành đống; múc rác đổ vào chiếc máy sàng loại trung, phân loại, phần lọt xuống dùng làm phân vi sinh.

“Núi rác” sau khi phân loại, chia thành 3-4 bãi khổng lồ, bốc mùi nồng nặc. Khoảng chục người chen giữa bãi rác đang lượm các chất liệu nhựa, nylon, sắt, thép… đóng vào bao tải, xếp thành đống để chở đi tiêu thụ, tái chế.

Giữa trưa nắng, mùi xú uế đặc trưng bốc lên khiến chúng tôi thực sự thấy quá khủng khiếp. Kỳ lạ là trong số những người đi lượm rác, có mấy người dù mặc đồ, đi ủng, đeo bao tay kín mít nhưng không hề mang khẩu trang (!?).

Anh Bùi Văn (50 tuổi), cho biết: "Vợ chồng anh làm công việc này gần chục năm rồi. Hồi mới làm, chưa quen thứ mùi kinh khủng này, ói liên tục, về không ăn được cơm, chỉ uống nước. Ngửi riết giờ mũi anh bị… “điếc”, thấy bình thường”.

Công việc này mang lại cho vợ chồng anh bình quân mỗi người 5 triệu đồng/tháng. Nếu hôm nào lượm được nhiều, thu nhập của họ tăng. Họ có 2 người con, đang tuổi ăn học. “Chúng tôi không trình độ, không có vốn làm ăn, chấp nhận đeo bám công việc này để kiếm sống”, anh Văn cho biết.

Một người đàn ông trung niên “trốn” trong một bụi cây gần đó vì không chịu nổi nắng và mùi hôi khủng khiếp của bãi rác. Anh này cho biết: nắng còn đỡ, mùa mưa thật khủng khiếp. Nó ngấm vào người, giặt tốn cả đống xà phòng, người vẫn hôi hám. Con cái thấy ba lảng tránh, bịt mũi kêu: “ba hôi quá à” rồi xua tay không cho đến gần.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ, cứ để dành phần chúng tôi…”, anh Văn tỏ ra lạc quan.

Dù đã chuẩn bị khẩu trang mang theo, chúng tôi cũng không sao lán lại ở đó lâu được. Công việc của những công nhân - người lao động phải gắn bó cuộc đời với bãi rác, thu gom rác thật đáng trân trọng biết bao!

Một số người dân kể với chúng tôi, vào mùa mưa hoặc những khi mưa lớn, nước rỉ ra từ bãi rác không được thu gom xử lý, chảy tràn trên mặt đất. Họ lo sợ chất nước thải này ngấm vào lòng đất, ô nhiễm mạch nước ngầm sinh hoạt.

Lạ là sát ngay bãi rác chỉ vài bước chân là một ngôi nhà, có người ở đó. Cách chừng 30m có một căn nhà khác hướng Đông, một căn hướng Tây. Khoảng 6-7 căn nhà nằm rải rác trong bán kính 400m gần bãi rác, đều là nhà tạm của người dân làm để canh tác đất rẫy, vườn của họ.

Tại khu dân cư tập trung, người dân và công nhân KCN bày tỏ bức xúc: "Những khi có gió về hướng này, họ phải chịu đựng mùi hôi từ bãi rác đến phát bệnh. Nước giếng tuy không bị đục, chưa thấy hiện tượng gì nhưng có mùi hôi, tanh. Hàng ngày, cả chục chiếc xe chở rác qua đây khiến họ nặng đầu, nhức óc. Kiến nghị hoài với chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa thấy bãi rác rời đi".

Không biết còn phải chịu đựng đến bao giờ?

Ngày 19-8-2015, ông Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã có thông báo kết luận bãi rác thôn Pré gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; ảnh hưởng lớn đến môi trường sản xuất, kinh doanh, gây nhiều bức xúc cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Phú Hội.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm chậm thu hút doanh nghiệp mới đầu tư vào KCN. Theo thông báo này, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã quy hoạch khu xử lý rác tập trung tại xã Tân Thành, huyện Đức Trọng (cách bãi rác thôn Pré khoảng 20km) để đóng cửa bãi rác này.

Nhưng do chi phí đền bù lớn và không thỏa thuận được mức chi phí xử lý rác nên dù đã kêu gọi nhiều năm, chưa có nhà đầu tư nào tham gia dự án xây dựng khu xử lý rác mới.

Bãi rác nằm trên một quả đồi, do Trung tâm quản lý và khai thác công trình công cộng (TTQL-KTCTCC) huyện Đức Trọng quản lý và đổ rác cho đến nay

Làm việc với chúng tôi, ông Hồ Hữu Hiếu - Giám đốc TTQL-KTCTCC huyện Đức Trọng cho biết: Bình quân mỗi ngày, bãi rác chứa thêm khoảng 60 tấn rác. Hiện lượng rác có trong bãi khoảng gần 100.000 tấn.. Bãi rác này đã trở nên quá tải. Cần có phương án xử lý, di dời, thay thế. Đây là vấn đề bức xúc, mối quan tâm của nhiều người, nhiều cấp, nhiều ngành tại địa phương.

“Lâu nay, chúng tôi mới chỉ xử lý thủ công, bởi không có kinh phí nhập máy móc công nghệ hiện đại. Do đã có chủ trương từ UBND tỉnh, hai tháng trước, Trung tâm chúng tôi đã hoàn tất hồ sơ, trình dự án chờ phê duyệt, giải quyết vấn đề này. Dự án thực hiện hai việc song song: đào hố, chôn lấp rác, trồng cây xanh, đóng cửa bãi rác thôn Pré, dự kiến kinh phí khoảng 23 tỷ đồng; số tiền còn lại xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Tân Thành, mua lò đốt Châu Âu để xử lý rác thu gom về lâu dài. Đến nay, vẫn đang chờ được cấp trên thẩm định, phê duyệt", ông Hồ Hữu Hiếu cho biết.

Bình luận (0)

Lên đầu trang