(CATP) Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) chết người gây hoang mang trong dư luận. Điều này cho thấy thực trạng về bảo đảm an toàn trong lao động (ATLĐ) vẫn còn bị xem nhẹ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng về người và của cho gia đình và xã hội...
Những cái chết... bất ngờ
Dù đã 2 ngày trôi qua nhưng vụ TNLĐ tại Bình Thuận vẫn khiến dư luận không khỏi bàn tán. Theo đó, khoảng 11 giờ 20 phút ngày 11/11, tại công trình xây dựng 7 tầng ở Khu đô thị Phố Biển, đường Nguyễn Trãi (P.Phú Thủy, TP.Phan Thiết, Bình Thuận) đã xảy ra vụ tai nạn khiến 3 công nhân tử vong tại chỗ.
Theo người chứng kiến vụ việc, trong lúc nhóm công nhân 4 người lên thang vận hành ở lầu 6 công trình xây dựng (cách mặt đất gần 20m) để xuống đất ăn cơm trưa thì bất ngờ gặp sự cố. Chiếc thang đưa người lên trên cao rồi rung lắc dữ dội. Lúc này, 1 người trong số đó đã nhanh chóng bám vào giàn giáo bằng sắt và nhảy ra khỏi thang thì chỉ vài giây sau, chiếc thang này bị đứt cáp rơi tự do xuống đất. Ba nạn nhân còn bên trong gồm: ông N.V.X (SN1954), ông B.N.L (SN 1961) và bà N.T.T (SN 1978, cùng ngụ địa phương) đã tử vong. Nhận được tin báo, lực lượng CA địa phương có mặt tổ chức khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai của các nhân chứng và trưng cầu giám định pháp y để điều tra làm rõ vụ việc.
Trước đó, ngày 08/11, CAH.Phù Mỹ cũng đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ CA tỉnh Bình Định khám nghiệm hiện trường và tử thi của 2 nạn nhân là N.T (SN 1968) và D.C.T (SN 1971, cùng ngụ Phù Cát) - công nhân của Công ty TNHH Thuận Hưng ở P.Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, tử vong trong lúc thi công hạ tầng ngầm đường điện của công trình di dời hệ thống điện phục vụ xây dựng cao tốc Bắc - Nam tại xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ.
Hay một vụ TNLĐ nghiêm trọng khác xảy ra lúc 9 giờ 30 ngày 08/11 tại công trường thi công cống dân sinh của đường gom cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, đoạn qua thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Vào thời điểm trên, hai công nhân đang gỡ giàn giáo tấm đan bê-tông dài 3,5 m, rộng hơn một mét thì bất ngờ tấm đan nghiêng, lật úp đè trúng người khiến cả hai thiệt mạng thương tâm.
Đừng để TNLĐ trở thành nỗi ám ảnh của NLĐ (ảnh minh họa)
Cách đó không lâu, tại khu vực phân xưởng Khai thác 3, Công ty CP Than Vàng Danh, TP.Uông Bí, Quảng Ninh cũng đã xảy ra vụ TNLĐ trong hầm lò khiến 4 công nhân tử vong. Nguyên nhân ban đầu được xác định, do thời gian qua khu vực này có nhiều trận mưa to kéo dài nhiều ngày dẫn đến tích tụ bùn nước, nên trong lúc nhóm công nhân làm việc thì bất ngờ bị than và bùn đá tràn vào vùi lấp.
Không chỉ có những vụ TNLĐ dẫn đến chết người, thực tế cho thấy còn vô số vụ TNLĐ gây thương tích để lại hậu quả nghiêm trọng như phải cắt bỏ tay, chân; có trường hợp bị liệt, mất khả năng vận động, sống thực vật...
Nâng cao bảo đảm an toàn lao động
TNLĐ gây ảnh hưởng không riêng người lao động (NLĐ) mà còn kéo theo hệ lụy cho cả một gia đình và là gánh nặng cho xã hội. Dù TNLĐ là điều không ai mong muốn nhưng một khi đã xảy ra thì cả NLĐ lẫn doanh nghiệp đều phải gánh chịu nhiều thiệt hại. Do đó, trước mỗi vụ TNLĐ đều là một bài học đắt giá mà chủ doanh nghiệp cũng như NLĐ đều phải lưu tâm cảnh giác.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNLĐ, trong đó một phần là do nhận thức về ATLĐ của bộ phận NLĐ và người sử dụng lao động còn hạn chế; đặc biệt ở những doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở tư nhân chưa dự báo, kiểm soát hết các nguy cơ có thể xảy ra TNLĐ để kịp thời có biện pháp phòng tránh hiệu quả. Bên cạnh đó, NLĐ cũng chưa được hướng dẫn, đào tạo bài bản... dẫn đến việc không được trang bị kiến thức đầy đủ về ATLĐ, các quy định cần thiết trong quá trình làm việc.
Để tránh những hậu quả khôn lường từ TNLĐ, cách tốt nhất là chủ động phòng tránh. Trong đó, người sử dụng lao động phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về vệ sinh, ATLĐ; chú trọng việc ban hành quy trình, quy phạm ATLĐ trong sản xuất tại doanh nghiệp; trang bị phương tiện bảo vệ đầy đủ, phân loại lao động để tăng cường công tác huấn luyện, phổ biến kiến thức về ATLĐ. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành cần tăng cường huấn luyện về ATLĐ cho người sử dụng lao động, chỉ đạo doanh nghiệp cải thiện điều kiện lao động, giảm thiểu nguy cơ tiềm ẩn gây TNLĐ; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định của Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động ở các hợp tác xã, các làng nghề; chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành khai báo, điều tra kịp thời, xác định chính xác nguyên nhân xảy ra TNLĐ; cần quan tâm đến TNLĐ của NLĐ tự do (không có hợp đồng lao động)...
Hơn ai hết, bản thân NLĐ cần phải tuân thủ đúng và đầy đủ quy tắc ATLĐ; phải có trách nhiệm tự tìm hiểu thông qua các điều kiện tiếp nhận thông tin về cách thức, kỹ năng để tự bảo vệ chính mình trong quá trình làm việc.
6 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra hơn 3.201 vụ TNLĐ làm 3.262 người bị nạn (giảm cả về số vụ và người bị tai nạn so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó số vụ TNLĐ chết người là 345 vụ; số người chết vì TNLĐ là 353 người. Tuy số vụ TNLĐ có giảm nhưng thiệt hại từ những vụ việc lại có xu hướng tăng, trong đó thiệt hại về vật chất trên 5.600 tỷ đồng (tăng khoảng 3.100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước). Tổng số ngày nghỉ của NLĐ do TNLĐ là 76.636 ngày. Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều TNLĐ chết người gồm: xây dựng, khai thác khoáng sản, dệt may, da giày.