Cậu bé mồ côi cha mẹ đậu đại học cầu cứu Bộ trưởng

Thứ Ba, 30/08/2016 02:10  | Hoàng Quân

|

(CAO) Lẽ ra đậu đại học là niềm hạnh phúc nhưng đối với cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ thì điều đó lại là nỗi lo lắng và tuyệt vọng. Nỗi đau, mất mát dai dẳng và hoàn cảnh túng quẫn trước ngày vào trường đại học khiến cậu bé quyết định viết tâm thư cầu cứu Bộ trưởng Bộ GG&ĐT.

Thảm cảnh của cậu học trò mồ côi

Đêm gần khuya ngày 27-8, phóng viên nhận được cuộc điện thoại của một người dân ở quê nhà nói rằng một cậu học sinh từng là nhân vật trên Báo Công an TP.HCM đang lâm cảnh bi đát; nhờ truyền thông chuyển đến cơ quan chức năng tâm tư, lời khẩn cầu tha thiết của em.

Đó là trường hợp của em Hoàng Văn Sơn (18 tuổi, trú số 6 Lâm Thị Lan, Tiểu khu 1, thị trấn Tĩnh Gia, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Sơn là nhân vật trong bài: “Thảm cảnh của một gia đình” (Báo Công an TPHCM ngày 8-11-2014).

Hoàn cảnh của gia đình em quá bi đát, thuộc một trong những hộ nghèo khó nhất thị trấn Tĩnh Gia. Bố của Sơn qua đời vì tai nạn giao thông khi em mới 2 tuổi. Người mẹ là Lê Thị Nguyên (46 tuổi) cực khổ làm lụng nuôi hai con. Dù nghèo khó nhưng chị cũng chăm lo cho các con ăn học đầy đủ.

Đột ngột, đầu năm 2013, chị bị ung thư vú, được điều trị tại Bệnh viện K (ung thư) tại Hà Nội. Sau thời gian dài được hóa trị, xạ trị tốn kém gần trăm triệu đồng vẫn không khỏi do bệnh đã ở giai đoạn 4 (giai đoạn cuối) và di căn đến các bộ phận khác, lại không có tiền nữa nên bà Nguyên xin về nhà.

Hoàng Văn Sơn (trái) và anh trai chăm sóc mẹ khi bà bị bệnh ung thư (và đã qua đời)

Gần một năm trời trong căn nhà tuyềnh toàng, xiêu vẹo, chị quằn quại chống chọi với căn bệnh quái ác và giành giật sự sống từng ngày. Đầu năm 2015, chị vĩnh viễn ra đi.

Sơn và anh trai Hoàng Văn Anh (22 tuổi) làm hết nhiệm vụ của bố và mẹ trong gia đình. Do hoàn cảnh khó khăn, bố mất sớm nên Anh nghỉ học sớm, làm công nhân nhà máy nhiệt điện.

Từ khi mẹ đổ bệnh thì Anh nghỉ ở nhà làm thuê, nấu rượu, chăn nuôi lợn, kiếm tiền chăm sóc mẹ, nuôi em trai ăn học. Sơn vừa đi học vừa phụ anh làm việc, chăm sóc mẹ. Số tiền vay nợ của ngân hàng và nhiều người đã gần 100 triệu đồng để chữa bệnh cho mẹ giờ hai anh em không biết lấy ở đâu để trả.

Nghẹn lòng bức tâm thư gửi Bộ trưởng

Sơn ngoan hiền được hàng xóm, bạn bè, thầy cô yêu mến. Nghĩ chỉ có con đường học tập mới xây dựng được tương lai, thoát khỏi cảnh nghèo khó, tự lo cho bản thân và anh trai nên Sơn chăm chỉ học hành.

Vừa qua, em thi đậu tốt nghiệp và đại học với 23 điểm. Ngày Sơn nhận giấy báo, người thân, bà con hàng xóm mừng lắm đến nhà động viên, chúc mừng. Ai cũng khâm phục với tấm gương cậu bé mồ côi, nghèo mà vượt khó, có ý chí.

Nhưng rồi mọi người bỗng buồn rầu khi nghe Sơn phân tích ngành học của mình chi phí quá cao nên em không có khả năng theo học. Bà con thương tình cũng hỗ trợ được ít tiền nhập học chứ không thể hỗ trợ học phí cho Sơn.

Khi làm hồ sơ đăng ký vào trường, Sơn chọn ngành Cơ điện tử - NUT của Đại học Nagaoh – Nhật Bản (ngành đào tạo quốc tế tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội).

Ngày 26-8, Sơn viết thư tay gửi bác Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT qua đường bưu điện. Thư có nội dung: “Bác ơi, hôm nay (25-8) cháu nhận được giấy báo nhập học thì cũng là ngày buồn thứ 3 của cháu trong cuộc sống. Ngày buồn thứ nhất khi cháu mất đi người bố do tai nạn giao thông lúc cháu chỉ mới 2 tuổi, chưa biết cảm nhận cái chết của bố là gì.

Bức thư cầu cứu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với nội dung đẫm nước mắt của cậu học trò nghèo mồ côi cả cha lẫn mẹ

Ngày buồn thứ hai là khi cháu bước chân vào lớp 10 trường THPT Tĩnh Gia I thì người mẹ thân yêu cũng bỏ lại cháu mà ra đi do bị bệnh ung thư. Mẹ ra đi rất nhanh, do nhà nghèo, bệnh nặng.

Cháu cảm nhận được nỗi đau này. Cháu vĩnh viễn mất đi cả bố và mẹ, chỉ còn lại người anh trai hơn cháu 2 tuổi. Lấy ai chăm sóc, nuôi nấng anh em chúng cháu, lấy gì để sống và thực hiện ước mơ vào trường đại học đây?

Sau đám tang mẹ, cháu đã nghỉ học nhưng nhờ sự động viên, cưu mang của bà con, cô bác, hàng xóm cùng thầy cô giáo và bạn bè, cháu đã vượt qua, tiếp tục đến trường và bước đầu đạt được ước mơ là đậu đại học.

Nhưng bác Bộ trưởng ơi, nỗi buồn đau thứ 3 này cháu đang gặp phải do chính cháu gây ra. Do không nghiên cứu kĩ thông tin, nên không biết chuyên ngành cháu đăng ký học là ngành Cơ điện tử - NUT (Đại học Nagaoh – Nhật Bản) lại là mã ngành đào tạo quốc tế của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đây là ngành học, trường Đại học mà cháu hằng mong ước, nhưng lại có mức học phí rất cao, 30 – 40 triệu đồng/năm, lại không được giảm bớt bất kì chế độ gì. Cháu đã cùng người thân lặn lội ra trường hỏi xin chuyển sang một ngành học khác của Trường Đại học Bách khoa hoặc rút hồ sơ vào nộp nguyện vọng của trường Đại học Xây dựng.

Nhưng cháu đã tuyệt vọng khi thầy cô trả lời là không được rút hồ sơ vì theo quy định, khi nộp hồ sơ trúng tuyển, giấy chứng nhận gốc đã về trường thì trường đã cập nhật và gửi số hiệu về hệ thống GD&ĐT, đồng nghĩa với việc mã xét tuyển đã hết hạn và không thể thay đổi được nữa.

Bác ơi! Cháu là trẻ mồ côi cha mẹ, nhà cháu nghèo thì cháu làm sao cháu theo học nổi ạ? Giá như bố mẹ còn sống, nhà cháu không nghèo, giá như có phép màu nào đó cho cháu có điều kiện đi học.

Cháu hứa nếu được đi học, cháu sẽ đi làm thêm, khi ra trường sẽ xin việc làm, lo cho bản thân, phụ giúp gia đình, phục vụ quê hương, giúp ích cho xã hội, chăm lo hương khói cho cha mẹ”.

Sơn nghẹn ngào nói tâm nguyện của em như vậy. Kính mong lãnh đạo Bộ GD&ĐT quan tâm, xem xét và giúp đỡ cháu xin được chuyển sang một ngành học khác có học phí thấp hơn hoặc xin xét tuyển vào Trường Đại học Xây dựng để tiếp tục thực hiện ước mơ của mình, thực hiện ước nguyện của bố mẹ trước lúc qua đời.

Mọi sự quan tâm, chia sẻ xin gửi về:

Hoàng Văn Sơn (18 tuổi, trú số 6 Lâm Thị Lan, Tiểu khu 1, thị trấn Tĩnh Gia, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa); điện thoại: 01696.834.593 (Sơn), 01693.177.160 (chị Nghĩa)

hoặc

Ban công tác bạn đọc Báo Công an TP.HCM (110 Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM).

Bình luận (0)

Lên đầu trang