(CATP) Sáng 30/10, Công an TPHCM phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh TPHCM tổ chức Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTG, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 22) về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù tại TPHCM, đồng thời ký kết phối hợp giữa 2 đơn vị trong thực hiện Quyết định số 22, giai đoạn 2024 - 2028. Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc CATP và ông Trần Văn Tiên, Giám đốc Ngân hàng CSXH Thành phố đồng chủ trì hội nghị.
Tạo công ăn việc làm
Theo báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định số 22, đa số người chấp hành xong án phạt tù về cư trú trên địa bàn do không có nghề hoặc tay nghề, trình độ văn hóa thấp nên rất khó tìm được việc làm. Một số người tuy có điều kiện để lao động, hòa nhập cộng đồng nhưng do bản tính lười lao động, sống bám vào gia đình, có mối quan hệ xã hội phức tạp nên nguy cơ tái phạm tội và vi phạm pháp luật cao. Ngoài ra, một số người sau khi chấp hành xong án phạt tù không về nơi cư trú hoặc người từ tỉnh, thành phố khác đến TPHCM cư trú, tìm kiếm việc làm nhưng không xuất trình giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù nhằm mục đích che giấu quá khứ phạm tội, gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát.
Với đặc điểm trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các chính sách liên quan đến người chấp hành xong án phạt tù, trong đó có việc vay vốn đào tạo nghề, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo Quyết định số 22 trên địa bàn Thành phố.
Hai đơn vị ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện Quyết định số 22
Căn cứ vào Quyết định số 22 cũng như các Kế hoạch, Công văn và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công an liên quan đến tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Cơ quan thi hành án hình sự CATP đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có liên quan trong việc triển khai, thực hiện tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù; đồng thời trực tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ. Mặt khác, để tuyên truyền sâu rộng và hướng dẫn cụ thể cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng Công an thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng, tái hòa nhập cộng đồng, CATP đã tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch về tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn về công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng cho gần 1.100 đại biểu.
Qua hơn 1 năm thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn TP, có 81 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn, với số tiền 5.315.000.000 đồng. Số tiền vay được, người chấp hành xong án phạt tù sử dụng vào mục đích để đào tạo nghề và thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, bước đầu đã góp phần giúp người chấp hành xong án phạt tù học nghề, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng tái phạm tội. Tuy nhiên, số người đủ điều kiện, được giải quyết vay vốn còn khiêm tốn trên tổng số người chấp hành xong án phạt tù đang cư trú trên địa bàn TP.
Góp phần hạn chế tái phạm tội
Nhìn chung, chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ đã được CATP chỉ đạo, triển khai kịp thời; đã tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức trong việc phối hợp thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng trên địa bàn TP.
Song song với các mặt công tác trên, thời gian qua, Công an địa phương đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền vận động, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc hỗ trợ việc làm, cho vay vốn làm ăn đối với người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng trở về địa phương, góp phần ổn định cuộc sống; đồng thời qua đó thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật giúp người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng nhận thức rõ chính sách nhân đạo của Nhà nước, tích cực động viên giúp đỡ những người này vượt qua mặc cảm, khuyến khích ý thức tự giác học tập, lao động để sớm tái hòa nhập cộng đồng và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù đã đáp ứng nhu cầu chính đáng của người chấp hành xong án phạt tù mong muốn được vay vốn để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, hạn chế tái phạm tội, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Chính sách tín dụng được ban hành thể hiện chính sách nhân đạo, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta đối với người từng phạm tội.
Tại hội nghị, CATP đã ký kết Kế hoạch phối hợp với Ngân hàng CSXH Chi nhánh TP trong thực hiện Quyết định số 22 trên địa bàn TP giai đoạn 2024 - 2028, trong đó đề ra các nội dung, hình thức phối hợp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban thuộc hai cơ quan trong quá trình thực hiện.
Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc CATP đề nghị thời gian tới, Công an các đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch phối hợp một cách hiệu quả, phù hợp với tình hình, điều kiện tại từng địa bàn. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo Công an cấp xã thực hiện tốt công tác rà soát, lập danh sách người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để gửi Ngân hàng CSXH TP thẩm định, giải quyết vay và giám sát vốn vay theo quy định.
Công an các đơn vị, địa phương cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có chính sách vay vốn theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ đến các cơ quan, đoàn thể, cộng đồng dân cư và người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương nắm được chủ trương, điều kiện được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh sớm ổn định cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội.