(CAO) Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, có thể nói là cái Tết cuối cùng của các tiểu thương. Chợ cũ Sài Gòn (đường Tôn Thất Đạm) chỉ còn được nhắc đến qua lời kể hoặc từ những tư liệu về một Sài Gòn Xưa.
Một góc
Chợ Cũ năm 1968 - Ảnh: Tư liệu
Trong những ngày đầu năm, phiên chợ Tết cuối cùng chứa đựng nhiều nỗi buồn, bởi lẽ nơi đây nổi danh các sản phẩm ngon nhất xứ và chợ cũng gắn liền với những kỷ niệm của vùng đất phương nam từ trăm năm trước.
Theo công văn của UBND TP.HCM gửi đến UBND Q.1 và các sở ban ngành liên quan, Chợ Tôn Thất Đạm (P.Bến Nghé, Q.1) hay còn được gọi là “Chợ cũ” sẽ chính thức bị giải tỏa trắng sau Tết Đinh Dậu 2017. |
Học giả Vương Hồng Sển đã nhắc đến Chợ Cũ trong tác phẩm “Sài Gòn năm xưa” (năm 1960), trong đó, tác giả đã nhắc đến ký ức về ngôi Chợ Cũ trong những năm ông được cha đưa lên Sài Gòn đi học (năm 1919).
“Con bắt đầu nếm mùi cháo cá Chợ Cũ, hủ tíu Chợ Mới, xem hát thì Chùa Bà Chợ Lớn, nhai thịt bò kho thằng Lù, có năm cắc leo chuồng gà ngồi coi hát Tây, và cảnh không còn gặp nữa là: bữa bữa hai cha con thượng cao lâu ăn cơm xá xíu”, học giả Vương Hồng Sển viết.
Chợ Cũ ngày nay
Những món ăn mà học giả nhắc đến là cháo cá, thịt bò kho, cơm xá xíu,… không chỉ có thế, Chợ cũ nổi tiếng bởi cà phê dĩa, cơm thố của các đầu bếp gốc Hoa di cư. Đến nay, tiệm cơm thố số 67 Tôn Thất Dạm vẫn còn, vẫn thơm ngon các món nổi tiếng như sườn xào chua ngọt, gà tiềm thuốc bắc, hầm vĩ chưng hột vịt,…
Trước đó, Chợ Cũ từng mang tên “Bến Thành”, thuở đó, nơi đây là một khu chợ sầm uất ven kênh Thị Vải. Bởi lẽ việc kết nối sông Sào Gòn và các khu vực buôn bán của người Ấn Độ, người Hoa đã giúp ngôi chợ quy tục các sản vật đặc trưng của miền Nam và các nước.
Chợ Cũ nhìn về hướng bến Bạch Đằng. Ảnh: "Sài Gòn – Chợ Lớn ký ức đô thị và con người"
Năm 1864, tờ Le Monde Illustré đã miêu tả Chợ Cũ “các mặt hàng chính người ta tìm thấy ở chợ Sài Gòn gồm ngũ cốc, gạo, đường dừa, trà, hạt tiệu và tất cả các loại trái cây vùng nhiệt đới”.
Năm 1887, kênh Chợ Vải chính thức được người Pháp lấp lại, bất chấp sự chống đối của các tiểu thương buôn bán dọc bờ kênh từ những năm trước. Lý do để lấp kênh vì vệ sinh và y tế. Kênh được biến chuyển là Đại lộ Charner, nay là khu vực Phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Sau Tết Nguyên đán, ngôi chợ hàng trăm tuổi này chính thức đóng cửa
Kênh Chợ Vải biến mất, khu Chợ Cũ cũng bị phá dỡ để xây tòa nhà ngân khố thế cho tòa nhà cũ trên đường Catinat (nay là Đồng Khởi). Đồng thời, Chợ Mới (chợ Bến Thành) được xây dựng cách đó không xa là điềm báo một thời kỳ đi xuống cho Chợ Cũ.
Chợ Mới được hình thành, các tiểu thương mua bán tấp nập. Chợ Cũ vẫn tồn tại, vẫn nổi danh là chợ của đồ ăn ngon, nguyên liệu tươi rói nhưng không còn cột gạch, mái ngói; thay vào đó là những sạp hàng như cái chòi, dựng ra trên vỉa hè đường Tôn Thất Đạm.
Trạm tramway ở Sài Gòn - Chợ Lớn (trước cổng Chợ Cũ) - Ảnh: "Sài Gòn – Chợ Lớn ký ức đô thị và con người".
Theo lời kể của những tiểu thương “lão thành” tại Chợ Cũ, không ai nhớ chợ được hình thành từ năm nào, ai là người thành lập chợ đầu tiên. Họ chỉ biết, ngôi chợ gắn liền với đời sống sinh hoạt hằng ngày, biết bao niềm vui nỗi buồn với ngôi chợ thời gian qua sẽ chỉ còn là kỷ niệm.
Thuở đó, chợ sầm uất, tấp nập người mua kẻ bán từ các món khô đến đồ mỹ phẩm. Nhiều tiểu thương gắn nghề với chợ từ đời ông bà truyền lại, Chợ Cũ đã từng là nguồn thu nhập của nhiều thế hệ. Dĩ nhiên, tình hàng xóm nơi đây cũng đong đầy theo thời gian.
Chợ Cũ (Tôn Thất Đạm) trong ngày mùng 3 Tết Nguyên đán
Khi được hỏi, nếu “Chợ Cũ không còn, bà con sẽ ra sao”, câu trả lời chỉ vỏn vẹn “chắc sẽ nhớ Chợ Cũ lắm”.
Kết thúc những ngày Tết Nguyên đán, ngôi chợ hàng trăm tuổi sẽ chính thức dừng kinh doanh và khép lại một phần ký ức của người Sài Gòn. Những năm sau, Chợ Cũ với gam màu xưa cổ tại trung tâm thành phố sẽ chỉ còn là cái tên gợi nhớ về quá trình hình thành của Sài Gòn Xưa hoặc trong các tác phẩm văn học.