Mưa to, nguy cơ ngập lụt, sạt lở
Theo CĐ của Thủ tướng, do ảnh hưởng của không khí lạnh đã xảy ra mưa lớn tại các tỉnh Trung bộ; đặc biệt ở Thừa Thiên - Huế (TT-H), Quảng Nam, Quảng Ngãi nhiều nơi mưa rất lớn với tổng lượng trong 24 giờ trên 300mm, có nơi hơn 550mm, gây ngập cục bộ tại các khu vực (KV) thấp, trũng, chia cắt giao thông (GT), ảnh hưởng đến sản xuất (SX), sinh hoạt của người dân. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, KV Trung bộ có thể vẫn tiếp tục xảy ra mưa lớn trong thời gian tới, nguy cơ cao xảy ra lũ, ngập lụt sâu cục bộ tại vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi.
Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo chỉ đạo của Thủ tướng tại CĐ875/CĐ-TTg ngày 30-9-2022, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể: UBND các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, rà soát, chủ động sơ tán dân khỏi KV nguy hiểm, nhất là nơi có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn GT, nhất là qua các ngầm, tràn, KV ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại về người; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi mưa lũ, ngập lụt, chủ động bảo đảm nguồn cung lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại KV có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở; sẵn sàng tổ chức cứu trợ các hộ có nguy cơ thiếu đói.
Công an các địa phương nỗ lực giúp dân
Bộ Tài nguyên - Môi trường tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động ứng phó. Các Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương theo chức năng được giao phối hợp với địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác bảo đảm an toàn đối với SX nông nghiệp, công nghiệp, chủ động điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện, bảo đảm an toàn công trình, góp phần giảm lũ cho KV hạ du.
Công điện ngày 10-10-2022 của Chính phủ nêu rõ, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với địa phương chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn GT, nhất là tại các KV có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất; khắc phục nhanh các tuyến GT sạt lở do mưa lũ. Bộ Y tế phối hợp với địa phương chỉ đạo, triển khai khám chữa bệnh cho bà con vùng lũ, bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong và sau lũ. Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho học sinh và cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, hạn chế thiệt hại. Các Bộ Quốc phòng, CA chỉ đạo lực lượng vũ trang chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân khỏi KV nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương. Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương, địa phương tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, đưa tin kịp thời, chính xác về diễn biến mưa lũ, chỉ đạo của cơ quan chức năng; phối hợp hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó để hạn chế thiệt hại do thiên tai.
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức trực ban theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền chỉ đạo, xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Công an các tỉnh, thành chủ động giúp dân
Cũng trong ngày 10-10, Văn phòng Bộ CA có CĐ16/CĐ-V01 gửi Ban chỉ huy ƯPT các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát (CS) phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CSPCCC&CNCH), Cục CS giao thông, Cục CS quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Ban chỉ huy ƯPT Công an các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, TT-H, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và TP.Đà Nẵng về chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng giúp dân...
Công an đến hiện trường giúp dân ứng phó với tình huống thiên tai
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh Trung bộ từ Quảng Bình đến Phú Yên có mưa to từ 200-400mm, riêng TT-H có nơi trên 500mm. Ngày 10-10, từ Quảng Bình đến Quảng Trị tiếp tục mưa 40-70mm, có nơi trên 90mm. Từ ngày 10 đến 11-10, TT-H, Quảng Ngãi mưa rất lớn từ 150-250mm, có nơi trên 300mm; Bình Định - Phú Yên mưa 70-150mm, có nơi trên 150mm. Mưa lớn gây lũ trên các sông trong KV từ TT-H đến Quảng Ngãi, đỉnh lũ ở mức báo động (BĐ) 1 - BĐ 2, có sông trên BĐ 2; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị.
Với yêu cầu chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng Bộ CA (Thường trực Ban chỉ đạo ƯPT/BCA) đề nghị Ban chỉ huy ƯPT Công an các đơn vị, địa phương triển khai biện pháp kịp thời, hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra; trong đó tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ CA cùng chính quyền địa phương về công tác ứng phó với thiên tai; rà soát các phương tiện thủy, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn để sẵn sàng tại những vị trí xung yếu, trọng điểm, bảo đảm thực hiện nghiêm phương châm "Bốn tại chỗ", "Ba sẵn sàng"...
Căn cứ diễn biến của mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, khẩn trương triển khai các phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện và điều kiện ứng phó, bảo đảm phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu của lực lượng CA trên mặt trận phòng, chống thiên tai: đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn GT, nhất là qua các ngầm, tràn, KV ngập sâu, nước chảy xiết, kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông khi chưa đảm bảo an toàn. Chủ động các phương án phòng, chống thiên tai trong cơ quan, đơn vị CA; bảo đảm an toàn cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, lực lượng kiểm tra, rà soát những khu dân cư ven sông, suối, nơi thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ở nơi có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; tổ chức cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu của địa phương; giúp dân khắc phục hậu quả, thiệt hại do thiên tai gây ra. Kịp thời thông tin về hình ảnh, hoạt động của lực lượng CA trong công tác phòng, chống thiên tai. Tổ chức tốt công tác trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm lực lượng, phương tiện sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống thiên tai.
Ngày 11-10, mực nước lũ tại TP.Hội An là 2,21m (trên BĐ3 là 0,11m) và có dấu hiệu lên chậm. TP.Hội An đã thông báo đến các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nghỉ trong ngày. Đối với KV ngập nặng, mọi hoạt động kinh doanh (KD), sinh hoạt đều phải tạm dừng. Phần lớn các hộ KD tại khu phố cổ Hội An đều di dời tài sản ra bên ngoài để tránh thiệt hại.
Nhằm bảo đảm an toàn trong việc đi lại của người dân và du khách, chính quyền địa phương, lực lượng CA đã giăng dây cấm các phương tiện ở một số KV nước sâu, chảy xiết, bố trí lực lượng túc trực để tránh việc người dân, du khách đến KV nguy hiểm. Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ ngày 9 đến 17 giờ ngày 10-10 trên địa bàn tỉnh có mưa rất lớn, phổ biến từ 300-450mm. Đêm 10 đến sáng 11-10, lũ trên các sông tiếp tục lên và đạt đỉnh, sau đó xuống chậm. Chiều 10-10, tại thôn Vĩnh Tuy, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra đợt lốc xoáy làm tốc mái 21 căn nhà của người dân, làm 1 người bị thương.