Bạc Liêu là một trong những địa phương còn khó khăn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Qua những lần tỉnh này mời gọi nhà đầu tư, tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại…, nhiều nhà đầu tư đồng ý thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh với số vốn rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh các dự án khả thi, còn không ít dự án nằm trên giấy, gây lãng phí tài nguyên đất và khiến dư luận bức xúc.
Dự án tỷ đô còn trên giấy!
Cuối năm 2020, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố từ đầu năm đến hết tháng 11, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn vào 60 tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, Bạc Liêu tiếp tục dẫn đầu, với một dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 4 tỷ USD (chiếm hơn 15% tổng số vốn đăng ký đầu tư); TPHCM đứng thứ 2, với tổng số vốn FDI đăng ký đạt trên 3,8 tỷ USD.
Nhà Công tử Bạc Liêu đang xuống cấp
Người dân vùng ven biển nghèo ở xã Vĩnh Hậu A (H.Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) hết sức vui mừng khi lãnh đạo địa phương thông báo: "Không còn bao lâu nữa, nơi đây sẽ là trung tâm nhiệt điện lớn nhất cả nước. Người dân sẽ được giải quyết việc làm".
Trước đó, tháng 01-2020, UBND tỉnh Bạc Liêu chấp thuận cấp giấy phép đầu tư Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu (LNG Bạc Liêu), do Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd và các đối tác Hoa Kỳ làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô sử dụng ngoài khơi vùng biển Bạc Liêu khoảng 183 héc-ta và gần 70 héc-ta đất tại H.Hòa Bình; có công suất 3.200 MW, với tổng số vốn khoảng 93.600 tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD). Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 15%, vốn vay chiếm tối đa 85%. Đây là dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn FDI lớn nhất khu vực ĐBSCL.
Theo đó, Tổ hợp điện khí LNG gồm Trạm đầu mối tiếp nhận LNG, lưu trữ khí và tái hóa khí cùng các trang thiết bị liên quan được đặt tại Khu A1 ngoài khơi vùng biển tỉnh Bạc Liêu, với diện tích 183 héc-ta. Tổ hợp nhà máy phát điện trên bờ được đặt tại xã Vĩnh Hậu A, với diện tích gần 70 héc-ta (đất do Nhà nước quản lý và các hộ dân quản lý). Giai đoạn thực hiện dự án từ tháng 01-2021 đến tháng 12-2027. Tiến độ chuẩn bị đầu tư giai đoạn phát triển dự án từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đến cuối tháng 9-2021. Chủ đầu tư xây lắp, đưa vào vận hành thương mại Giai đoạn 1 (750 MW) từ tháng 01-2021 đến tháng 12-2023; xây lắp, đưa vào vận hành thương mại các giai đoạn còn lại của dự án đạt đủ công suất 3.200 MW từ tháng 01-2024 đến tháng 12-2027.
Phối cảnh Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu
Sau buổi lễ hoành tráng, khu đất để thực hiện dự án vẫn không thay đổi. Dự án 4 tỷ USD không một bóng người. Sở KH&ĐT tỉnh Bạc Liêu giải thích, dự án đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Nhiều thủ tục thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của các bộ, ngành Trung ương, như: thẩm định báo cáo khả thi, giao khu vực biển, phương án đấu nối, đàm phán hợp đồng mua bán điện... Đến nay, nhà đầu tư vẫn đang thực hiện đàm phán hợp đồng PPA với Công ty Mua bán điện (EPTC) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (làm việc về cơ chế giá điện). Thực tế, dự án đang nằm trên giấy, bởi nguồn vốn không có để thực hiện.
Có dấu hiệu nhà đầu tư "xí phần"
Sở KH&ĐT tỉnh Bạc Liêu cho biết, trên địa bàn có hơn 155 dự án. Trong đó, hơn 140 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 46.106 tỷ đồng; 15 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư 4,491 tỷ USD. Trong số này, nhiều dự án có tính chất động lực, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Bạc Liêu, như: nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch... Tuy nhiên, nhiều dự án khác vẫn còn nằm trên giấy.
Làm việc với nhà đầu tư thực hiện các dự án chậm tiến độ, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho rằng, hầu hết nhà đầu tư "đổ lỗi" vướng mặt bằng, thiếu vốn, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một trong những nguyên nhân đáng quan tâm là không ít nhà đầu tư tranh thủ "xí chỗ" đất dự án trước. "Nếu không triển khai thực hiện được thì họ tìm mọi cách chuyển nhượng cho các đơn vị khác, thu lãi rất nhiều trong khi họ đầu tư chả mất bao nhiêu vốn..." - một lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho biết.
Ảnh 3D mô phỏng 4 tuabin khí chu trình hỗn hợp của Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu
Tại vùng ven biển H.Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu), tháng 3-2019, Dự án Nhà máy điện gió Nhật Bản Bạc Liêu - Giai đoạn 1 (gọi tắt là Điện gió Đông Hải 2) được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, do Công ty TNHH Kỹ thuật ứng dụng Việt Nam và Công ty cổ phần U&I Advisory Service làm chủ đầu tư; quy mô sử dụng đất hơn 834 héc-ta, công suất 50 MW, với số vốn là 2.497 tỷ đồng. Theo kế hoạch, vào tháng 4-2022, dự án sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động. Nhưng đến nay, dự án còn đang hoàn thiện một số hồ sơ, thủ tục, giải phóng mặt bằng.
Tương tự, vùng ven biển thuộc xã Vĩnh Thịnh (H.Hòa Bình) có Dự án Khu phức hợp năng lượng mặt trời kết hợp nuôi tôm công nghệ cao, được tỉnh Bạc Liêu chấp thuận đầu tư từ tháng 01-2020, do Công ty cổ phần Quan hệ quốc tế - đầu tư - sản xuất làm chủ đầu tư, với diện tích hơn 172 héc-ta, tổng vốn đầu tư hơn 1.326 tỷ đồng. Tại H.Hòa Bình còn có Dự án Nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao do Công ty cổ phần Vinashrimp làm chủ đầu tư, đã được tỉnh Bạc Liêu chấp thuận đầu tư từ tháng 5-2019, có diện tích gần 450 héc-ta, với tổng số vốn hơn 499 tỷ đồng. Đến nay, dự án vẫn giậm chân tại chỗ, tỉnh Bạc Liêu phải gia hạn tiến độ thực hiện dự án.
Dự án "đắp chiếu"
Tỉnh Bạc Liêu còn 16 dự án đang "đắp chiếu", ì ạch kéo dài nhiều năm hoặc nhận dự án rồi để đó tại khu vực trung tâm TP.Bạc Liêu. TP.Bạc Liêu có 4 dự án (mức vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng) khởi công rồi bỏ hoang phí. Trong đó, Dự án Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Công tử Bạc Liêu (phường 3) được tỉnh Bạc Liêu phối hợp Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Công tử Bạc Liêu và nhà đầu tư tổ chức lễ khởi công vào tháng 11-2019, có khuôn viên rộng hơn 18.000m2, tổng số vốn ban đầu được nhà đầu tư công bố hơn 1.000 tỷ đồng, gồm nhiều hạng mục: khu bảo tàng, nhà trưng bày hiện vật, khách sạn, quảng trường, khu hội nghị. Sau 3 năm khởi công, dự án này vẫn "đắp chiếu".
Mô hình Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Công tử Bạc Liêu
Kế tiếp, Dự án Trung tâm thương mại - dịch vụ - giải trí Nguyễn Kim Bạc Liêu do Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim làm chủ đầu tư. Năm 2016, dự án được nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất. Sáu năm nay, dự án vẫn chưa thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư. Báo chí nhiều lần phản ánh, dư luận quan tâm, nhưng chưa biết khi nào dự án này được xử lý xong.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Thiều (Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu) cho biết: Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành liên quan mạnh dạn tham mưu, nếu nhà đầu tư nào không triển khai dự án thì đề xuất thu hồi ngay. Nếu nhà đầu tư thật sự còn vướng về mặt bằng thì chính quyền tỉnh phải tìm mọi cách tháo gỡ, giao "đất sạch" cho nhà đầu tư triển khai dự án. Có kiên quyết như vậy mới khắc phục được tình trạng nhiều dự án "treo" kéo dài 5 - 10 năm, gây lãng phí lớn và bức xúc trong cán bộ, nhân dân, ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương
Đối với Dự án LNG Bạc Liêu với số vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho biết, thủ tục ở địa phương đã cơ bản thực hiện xong. Các vướng mắc còn lại thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành Trung ương.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Thiều (Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu) cho biết: Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành liên quan mạnh dạn tham mưu, nếu nhà đầu tư nào không triển khai dự án thì đề xuất thu hồi ngay. Nếu nhà đầu tư thật sự còn vướng về mặt bằng thì chính quyền tỉnh phải tìm mọi cách tháo gỡ, giao "đất sạch" cho nhà đầu tư triển khai dự án. Có kiên quyết như vậy mới khắc phục được tình trạng nhiều dự án "treo" kéo dài 5 - 10 năm, gây lãng phí lớn và bức xúc trong cán bộ, nhân dân, ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương
Đối với Dự án LNG Bạc Liêu với số vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho biết, thủ tục ở địa phương đã cơ bản thực hiện xong. Các vướng mắc còn lại thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành Trung ương.
(Còn tiếp...)