Nhiều biện pháp "khẩn" để tăng nguồn cung xăng dầu cho TPHCM

Thứ Ba, 11/10/2022 06:06

|

(CAO) Nguyên nhân chính của thiếu hụt nguồn cung là từ cuối năm 2021 đến nay, chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng. Vì thế, chủ yếu duy trì lượng hàng đủ cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp và lượng dự trữ tồn kho theo quy định...

Trước tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, tập trung tại một số tỉnh, thành phố như: TPHCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk..., Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân chính là từ cuối năm 2021 đến nay, chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng. Vì thế, chủ yếu duy trì lượng hàng đủ cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp và lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ.

Ngoài ra, bão lũ cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.

Cảnh chen chúc chờ đổ xăng tại một cửa hàng ở TP.Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Đức Nam

Do đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt); đồng thời sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh.

Việc này bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố (đầu mối là Sở Công Thương) chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp.

Mặt khác, chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng theo đúng quy định.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước; yêu cầu thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ.

Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định.

Theo báo cáo của Sở Công Thương TPHCM, trên địa bàn có 3/550 cửa hàng đóng cửa, chiếm 0,54% và 121/550 cửa hàng tạm hết mặt hàng xăng (chiếm 20%). Đồng thời, có một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu quy mô lớn gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung và đã được Bộ Công Thương chỉ đạo, hỗ trợ giải quyết khó khăn.

Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ cho biết, thời gian vừa qua nguồn hàng chủ yếu của công ty được cung cấp bởi Công ty Xuyên Việt Oil.

Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, đồng thời bị tước Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trong vòng 1,5 tháng nên Công ty Xuyên Việt Oil không thể nhập khẩu hoặc mua từ nguồn trong nước dẫn đến gián đoạn nguồn cung. Hiện tại, công ty đang tìm kiếm nguồn cung từ các thương nhân đầu mối khác để đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho hệ thống phân phối.

Trong ngày 8/10 công ty nhận đã được 350m3 xăng từ Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu tại Kho VK Cục Hậu Cần để bổ sung nguồn cung, đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn. Trong ngày 10/10, công ty đã chia sẻ nguồn cung đối với 36 đại lý (cung cấp 4m3 xăng cho mỗi đại lý).

Công ty CP Vật tư Xăng dầu Comeco (có 39,65% cổ phần của Công ty Saigon Petro và 44,79% cổ phần của Tổng công ty dầu Việt Nam PVoil) hiện có 33 cửa hàng trực thuộc, 12 cửa hàng đại lý và 7 cửa hàng thuộc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu.

Các cửa hàng thuộc hệ thống của công ty chủ yếu trên địa bàn TPHCM trong tình trạng hết xăng, còn dầu. Công ty lấy hàng chủ yếu từ Saigon Petro.

Lý giải tình trạng thiếu hàng, công ty báo cáo hiện tồn kho xăng của Công ty Saigon Petro ở mức thấp. Mặc dù Saigon Petro đã có kế hoạch nhập hàng từ trước, song do thời gian nhập hàng bị chậm so với kế hoạch nên việc giao hàng chưa thực hiện được (Công ty Saigon Petro tuy đã nhập 12.000m3 xăng, dầu từ các nhà máy Nghi Sơn, Bình Sơn nhưng do bão nên thời gian nhận hàng tại cảng Cát Lái và cảng Trà Nóc bị dời lại).

Bộ Công Thương đã có chỉ đạo trực tiếp đối với Công ty Saigon Petro nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho hệ thống phân phối cũng như nguồn cung đối với các thương nhân phân phối. Công ty cam kết sẽ cấp hàng theo đúng kế hoạch ngay khi có thể.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương đã làm việc cụ thể với từng thương nhân đầu mối cung ứng xăng dầu (Petrolimex, Saigon Petro, Tây Nam...) đề nghị có phương án bổ sung nguồn cung cho thị trường.

Thời gian tới, danh sách các cửa hàng duy trì hoạt động sẽ được công bố để doanh nghiệp và người dân có thể thuận tiện khi cần đổ xăng. Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường TPHCM tiếp tục quyết liệt bám sát địa bàn, nắm thực tế về tình hình cung ứng của các cửa hàng trên địa bàn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang