(CATP) Sau 9 năm hoạt động, Công viên (CV) Saigon Water Park (còn gọi là CV nước Sài Gòn) chính thức đóng cửa suốt 17 năm nay, gây sự tiếc nuối cho người dân và sự lãng phí lớn về quỹ đất.
Công viên nước Sài Gòn có diện tích khoảng 5 héc-ta, tọa lạc tại P.Linh Đông, Q.Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức), cách trung tâm quận 1 khoảng 10km, được xây dựng bởi Công ty liên doanh Văn hóa thể thao dưới nước gồm liên doanh giữa Tổng công ty Du lịch Sài Gòn và Công ty Pegasus Leisure. Nguyên liệu xây dựng CV được nhập khẩu từ nước ngoài về, tiêu chuẩn và chất lượng vượt xa các CV thời điểm đó. Sau 9 tháng thi công, CV nước Sài Gòn khai trương vào ngày 13/12/1997.
Với vốn đầu tư lên tới 12 triệu USD, công trình được xây dựng bài bản, hiện đại với nhiều trò chơi dưới nước mới lạ như: biển nhân tạo, dòng sông lười, trượt ống xoắn, hố đen cao 15m, dài 70m cùng các trò chơi cảm giác mạnh khác... Những ngày đầu, CV nước Sài Gòn đã thu hút đông đảo người dân đến vui chơi giải trí. Khoảng 2 năm sau, CV thường xuyên quá tải, khách đến nườm nượp.
Công viên nước Sài Gòn nổi tiếng một thời (ảnh tư liệu)
Đối với đông đảo người dân TPHCM, nhất là thế hệ 7X, 8X, CV nước Sài Gòn gắn với bao kỷ niệm tuổi thơ. Anh Vũ Ngọc Minh (ngụ quận 12) nhớ lại, hồi trước giới trẻ không có nhiều chỗ vui chơi giải trí như bây giờ, cả Sài Gòn chỉ có một CV nước nên được đến đây chơi là niềm mơ ước của bao người. Vào thời đó, CV này đông khách lắm. Những ngày cuối tuần, dịp nghỉ hè hoặc lễ tết, có lúc người ta phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ mới mua được vé. Lúc đầu, vé vào cổng có giá 35.000 đồng. Năm 2006, giá vé nâng lên thành 75.000 đồng đối với người lớn và 50.000 đồng đối với trẻ em cao dưới 1,1m. Giá vé như vậy là khá đắt, nhưng nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để được vào CV vui chơi thỏa thích.
Sự thành công của CV nước Sài Gòn đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, dẫn đến sự ra đời của hàng loạt CV nước khác ở TPHCM như: CV Văn hóa Đầm Sen, Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, CV nước Đại thế giới... Những địa điểm vui chơi giải trí sau này được đầu tư bài bản, hiện đại, nhiều trò chơi hấp dẫn, trong khi đó CV nước Sài Gòn không tập trung nâng cao chất lượng và bổ sung những trò chơi mới mẻ dẫn đến việc kinh doanh thua lỗ nặng nề. Tính đến năm 2005, CV nước Sài Gòn lỗ 200 tỷ đồng, cho đến trước khi đóng cửa vĩnh viễn là 207 tỷ đồng.
Suốt 17 năm qua, gần 5 héc-ta đất "vàng" xây dựng CV nước Sài Gòn bị bỏ hoang phung phí
Năm 2006, CV nước Sài Gòn bị đóng cửa vĩnh viễn trong sự tiếc nuối của nhiều người, một năm sau thì bị san bằng, được cho là giải phóng mặt bằng để xây dựng "làng biệt thự Vista". Tuy nhiên, dự án này không được phê duyệt. Năm 2009, UBND TPHCM yêu cầu "giữ nguyên chức năng ban đầu" của CV nước Sài Gòn và không được xây dựng nhà ở. Từ đó đến nay, CV "vang bóng một thời" bị bỏ hoang một cách phung phí, cây cối mọc um tùm. Một số đoạn rào chắn bằng tôn xung quanh CV bị rỉ sét, mục nát, xiêu vẹo, xuống cấp nghiêm trọng. Bức tường rào ở khu vực giáp với đường Phạm Văn Đồng trở thành nơi tập kết rác thải sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường. Một số chỗ bên trong khu đất được người dân tận dụng làm chỗ nghỉ ngơi, phơi quần áo trông nhếch nhác...
Nhiều chỗ biến thành nơi đổ rác
Chính quyền địa phương cho biết, suốt 17 năm kể từ khi CV ngừng hoạt động, khu đất xây dựng CV vẫn đang bị bỏ trống, chưa có đơn vị nào khai thác sử dụng. Mới đây, có thông tin một doanh nghiệp nào đó sẽ đầu tư dự án trên đất CV. Phường đã có báo cáo với TP.Thủ Đức về khu đất, còn về chủ trương thì phụ thuộc cấp trên. Trước thực trạng một khu đất "vàng" nằm ở mặt tiền đường Phạm Văn Đồng bị "ngâm" một cách phung phí, người dân mong muốn thành phố sớm có chủ trương sử dụng lô đất này một cách hiệu quả, tránh sự lãng phí không đáng có.