(CAO) Hiện nay, các địa phương đang tập trung xử lý, khoanh vùng, di dời dân cư để tránh ngập lụt và tổ chức theo dõi chặt chẽ các sự cố.
Theo báo cáo ngày 11/9 của các địa phương, tính đến 19h tối qua (10/9), trên hệ thống đê đã phát sinh tổng số 25 sự cố đê điều tại 9 tỉnh, thành phố.
Trong đó, có 1 sự cố vỡ đê cấp V, dài 10m tại đê tả sông Lô thuộc địa bàn xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang bảo vệ cho khu vực 40 ha với khoảng 230 hộ dân, địa phương đã tổ chức di dời dân cư để tránh ngập lụt và đang tiến hành xử lý hàn khẩu, nhưng phải tạm dừng do chênh lệch mực nước lớn.
10 sự cố lũ tràn trên các tuyến đê cấp IV-V thuộc đê chỉnh trang thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên); cục bộ nhiều vị trí đê tả, hữu Thao thuộc huyện Hạ Hòa, Phú Thọ với chiều dài khoảng 5,0km; đê hữu Bùi thuộc huyện Chương Mỹ và đê sông Tích thuộc xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.
Ngay trong đêm, Công an tỉnh Tuyên Quang cùng các lực lượng chức năng chuyển các bao đất, cát đến hiện trường triển khai ứng phó đoạn đê sông Lô bị vỡ.
Xảy ra 5 sự cố sạt mái đê: sự cố sạt 30m mái phía sông tại K76+500 đê hữu Cầu (đê cấp II), huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; sạt mái phía sông đê hữu Hồng tại K154+258 - K154+280 dài 20m và từ K154+236-K154+250 dài 14m (đê cấp I); sự cố sạt mái phía sông đê bối Phù Vân dài 20m và mái đê bối Thụy Xuyên dài 20m, tỉnh Hà Nam. Hiện các địa phương đã xử lý bước đầu, khoanh vùng và tổ chức theo dõi chặt chẽ các sự cố.
1 sự cố đùn sủi tại K17+720 đê tả Thương (đê cấp II), tỉnh Bắc Giang, địa phương đã được xử lý giờ đầu. Ngoài ra, nước lũ đã tràn qua đỉnh các bờ bao phía bờ tả sông Lục Nam.
1 sự cố kẹt cánh cống Đa Hội 2, tại K10+600 đê tả Cầu (đê cấp II), tỉnh Bắc Giang; 07 sự cố rò rỉ mang cống, cánh cống tại huyện Tứ Kỳ và thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Hiện các địa phương đã tổ chức xử lý giờ đầu.
Ngoài ra, đã tổ chức hoành triệt 22 cống qua đê không đảm bảo an toàn (08 cống thuộc tỉnh Hải Dương và 14 cống thuộc tỉnh Hà Nam).