Dân kêu trời vì thuốc ‘kích thích’ gây rụng tiêu

Thứ Năm, 04/08/2016 12:30

|

(CAO) Chưa kịp vui mừng khi tiêu được mùa, có giá thì nhiều hộ dân Đắk Lắk đã “khóc dở mếu dở” vì trót lỡ phun trúng loại thuốc kích thích khiến tiêu rụng hết trái non. Điều đáng nói là người dân không biết phải “bắt đền” ai cho loại thuốc kinh dị này.

Vụ phá rừng ở Lâm Đồng: Xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị có dấu hiệu tiêu cực

Tiêu rụng trái non sau khi phun thuốc

Chỉ cho chúng tôi xem vườn tiêu đã rụng gần hết lá, chuỗi hoa và trái non ngay sau khi phun xong thuốc kích thích vi sinh là Vytazyme và Motox Sec, hai vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Tuệ (46 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hoa ở thôn Thạch Sơn, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk xót xa cho biết: “ Vào ngày 14-7, tôi mua 2 loại thuốc vi sinh là Vytazyme và Motox Sec về phun toàn bộ vườn tiêu, sau khi xịt xong thì mấy ngày sau xảy ra hiện tượng nhiều cây rụng gần hết trái, số còn lại vẫn đang tiếp tục rụng, cứ đà này vườn tiêu nhà tôi vụ này mất trắng”.

Bà Hoa khóc nức nở bên vườn tiêu của gia đình

Được biết gia đình ông Tuệ, có gần 1500 trụ tiêu đang ra hoa kết trái xum xuê, nhưng đến 18-7 khi vào thăm vườn tiêu thì ông Tuệ phát hiện thấy hiện tượng lạ xuất hiện đồng loạt ở vườn như tiêu rụng lá non, cuống trái non…Sau khi phát hiện, ông và gia đình vô cùng lo lắng vì toàn bộ tài sản của gia đình đều nằm hết ở vườn tiêu này.

Trước đó theo tìm hiểu của chúng tôi, có hai gia đình thuộc các xã Ea Tar và Quảng Tiến cũng rơi vào tình trạng tương tự, sau khi phun loại thuốc kích thích này xảy ra các hiện tượng trái non thi nhau rụng tả tơi khiến gia đình vô cùng bàng hoàng, lo lắng vì không hiết tại sao lại xảy ra.

Tuy nhiên sau khi phát hiện vụ việc, người trồng tiêu đã thông báo với phía công ty và được nhân viên công ty thực vật “hứa” đảm bảo đền bù nên họ chấp nhận không thông báo rộng rãi để chờ phía công ty có biện pháp đền bù như đã hứa.

Điêu đứng vì tiêu

Sau khi phát hiện vườn tiêu có dấu hiệu lạ, ông Tuệ đã ra Đại lý vật tư Nông nghiệp Trông Từ ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, nơi bán thuốc cho mình để trình báo sự việc. Chủ đại lý đã cử người đến xác minh và hứa sẽ liên hệ Công ty đồng thời kết hợp gia đình xử lý, phục hồi lại vườn tiêu, xịt thử kiểm tra là do thuốc hay do người phun nhưng lại hoàn toàn không nhắc đến việc bồi thường khiến vợ chồng ông Tuệ vô cùng bức xúc.

Hai loại thuốc ông Tuệ mua về phun vườn tiêu

Được biết trong vụ tiêu năm ngoài gia đình ông Tuệ thu hoạch được 2,5 tấn. Năm nay gia đình ông đã đi vay ngân hàng được 250 triệu để tái đầu tư vào vườn tiêu với hi vọng sẽ có thu hoạch trang trải nợ nần, lo cho các con ăn học nay gặp phải loại thuốc này khiến gia đình ông rơi vào cảnh điêu đứng. Bà Hoa (vợ ông Tuệ) nức nở cho biết: “Cả gia đình chỉ trông vào vườn tiêu để có thu nhập giờ tiêu bị thế này thì chúng tôi biết lấy gì để sống, để trả nợ cho ngân hàng nữa đây ”.

Theo bà Huỳnh Thị Trâu, chủ đại lý vật tư Nông nghiệp Trông Từ cho biết: “Ông Tuệ có đến mua 2 loại thuốc bảo vệ thực vật Vytazyme và Motox Sec. tại đại lý của chúng tôi. Sau đó tôi có nghe ông Tuệ phản ánh tiêu bị rụng đài, trái non là do phân bón lá cao cấp Vitazyme gây ra. Trong khi đó, mặt hàng này đã được chúng tôi bán nhiều năm nay mà không hề có vấn đề gì xảy ra. Ngay sau khi nhận được thông tin, tôi và đại diện công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang có vào kiểm tra. Kết quả cho thấy, diện tích tiêu của ông Tuệ có hiện tượng rụng đài, trái non”.

Ngoài ra bà Trâu cũng đưa ra nghi vấn: “Có thể, do phun quá liều lượng, phun khi thời tiết quá nắng. Cũng có khả năng, trước khi phun hai loại thuốc nói trên, người dân dùng thùng phuy phun thuốc cỏ mà không xúc sạch. Do vậy, trong ống dẫn vẫn còn thuốc cỏ thì gây nguy hiểm cho tiêu là điều không tránh khỏi. Để làm rõ vấn đề này, công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang và chúng tôi đang tiếp tục kiểm tra, theo dõi. Nếu như lỗi do thuốc gây ra thì chúng tôi tiến hành phục hồi lại tiêu cho người trồng”.

Từ phản ánh của người dân rất mong công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang có câu trả lời chính xác và phương án giải quyết thỏa đáng đến người dân trong thời gian sớm nhất.

Bình luận (0)

Lên đầu trang