ĐIỆP KHÚC… MƯA LÀ NGẬP!
Đầu năm đến nay, tại TPHCM có hàng chục cơn mưa, trong đó có những cơn mưa lớn xảy ra vào các buổi chiều ngày 2 và 19-2, 1, 2 và 23-4, 5-5 gây ngập trên diện rộng. Tiếp đó, cơn mưa kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ chiều 15-5-2017 khiến nhiều tuyến đường trên các quận của thành phố như: 6, 7, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Gò Vấp... chìm trong “biển nước”. Nhiều tuyến đường ngập sâu hơn nửa mét, khiến giao thông bị tê liệt.
Đặc biệt, cơn mưa lớn chiều 19 và 20-5 ở Nam bộ khiến nhiều khu vực tại TPHCM, hàng loạt tuyến đường ở nhiều quận như: 1, 2, 3, 9, Thủ Đức, Bình Thạnh... nước không kịp thoát, dẫn đến ngập sâu. Ngập nặng nhất là khu vực 2 đầu cầu Rạch Chiếc, Xa lộ Hà Nội thuộc các quận: 2, 9, Thủ Đức. Nước ngập gần “lút” cả xe máy, phương tiện giao thông chết máy la liệt, nhiều người phải dầm mưa, hì hụp lội trong nước để dẫn xe đi, không ít người bị té, tài sản hư hỏng nặng... Ở một số “điểm nóng” về ngập như: đường Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân (Q.Thủ Đức), Lê Văn Việt, Đỗ Xuân Hợp (Q9), Lương Định Của, dưới dốc cầu Thủ Thiêm (Q2), Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh)... cũng bị nước bao phủ.
Q.Thủ Đức là một trong những khu vực bị ngập nặng nhất. Hễ mưa lớn, trên nhiều tuyến đường của quận này như: Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân... nước chảy cuồn cuộn, ngập lênh láng, có chỗ ngập quá yên xe máy, nhiều cửa hàng, nhà cửa, tiệm sửa xe... bị nước tràn vào, nhiều tài sản bị hư hỏng. Đáng báo động hơn là chỉ cần có mưa nhỏ, một số đoạn QL13 thuộc Q.Thủ Đức như: Khu “mũi tàu” (đoạn giao nhau giữa QL13 cũ và QL13 mới), gần cầu Ông Dầu, trước Công ty Cân Nhơn Hòa... bị ngập lênh láng.
Đường thấp trũng, xuống cấp bị ngập đã đành, tại nhiều tuyến được đầu tư bài bản về hạ tầng cũng bị mưa nhấn chìm. Tại làn ôtô trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn cách cầu Bình Lợi khoảng 200m hướng từ Q.Thủ Đức về Q.Bình Thạnh, cũng ngập nặng. Nhiều đoạn tại làn xe hai bánh, nước dâng cao khoảng 40cm, lưu thông rất khó khăn, nhờ lực lượng dân quân tự vệ hướng dẫn, người đi đường mới tránh được chỗ nước chảy xiết và “bẫy” ngầm.
Các tuyến đường như: Âu Cơ, Lạc Long Quân, Lê Đại Hành, Trường Chinh (Q.Tân Bình), Mã Lò, Tân Kỳ - Tân Quý, Lê Văn Quới (Q.Tân Phú)... cũng bị ngập sâu do nước mưa không kịp thoát. Tại Q5, nhiều tuyến đường như: Dương Tử Giang, Châu Văn Liêm... cũng ngập nặng. Tại giao lộ Hồng Bàng - Phú Hữu, một lô cốt bị sóng đánh ngã hàng rào, phải nhờ tới lực lượng chức năng phân luồng, người dân mới tránh được tai nạn.
Một số đoạn trên Đại lộ Võ Văn Kiệt (ngang Q.Bình Tân), dưới chân cầu Rạch Cây (Q6) cũng bị nước mưa bao phủ, có nơi nước ngập tới yên xe. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, khu vực các quận: 8, 12, Thủ Đức, Bình Tân... có mây hội tụ nhiều nên mưa lớn hơn các khu vực khác. Lượng mưa ở Q8 đo được từ 50 - 60mm, Q.Bình Tân lên đến 100mm.
Nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị cho biết, thành phố đang “trả giá” cho việc quy hoạch và đô thị hóa chưa khoa học. Nước luôn đổ về vùng trũng, nhưng các kênh rạch không được nạo vét mà còn bị san lấp, lấn chiếm tràn lan, dẫn đến nhiều khu vực tại các quận: 8, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Thủ Đức, H.Nhà Bè... ngập nặng hơn.
NHIỀU GIẢI PHÁP CHỐNG NGẬP
Ông Đỗ Tấn Long - Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP - cho biết: “Từ đầu năm đến nay, số lượng mưa và số trận mưa ít hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, số trận mưa “cực đoan” thì nhiều hơn. Hậu quả là gây ngập cục bộ trên diện rộng”.
Để giải quyết bài toán chống ngập, từ năm 2016 - 2020, thành phố dự trù chi 97.300 tỷ đồng. Trong đó, 82.000 tỷ đồng cho quy hoạch tổng thể thoát nước, 15.000 tỷ đồng cho thủy lợi chống ngập úng. Đến đầu năm 2017, thành phố còn 171 điểm ngập do mưa ở những tuyến đường hoặc hẻm phân cấp quận, huyện quản lý, 40 điểm ngập do mưa ở những tuyến đường lớn phân cấp Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP quản lý, 9 điểm ngập do triều cường. Trong 40 điểm ngập do mưa, có 23 điểm đã giải quyết bằng biện pháp cấp bách như: Xây dựng các cống nhỏ mở hướng thoát về các cống lớn hoặc ra kênh, rạch, sửa chữa các cống đã bị sụp... Tuy nhiên, cần tiếp tục có những biện pháp căn cơ hơn.
Thành phố đặt ra mục tiêu xóa ngập 8/17 tuyến đường, gồm 3 tuyến ở khu vực trung tâm, 5 tuyến ngoại vi. Mặt khác, hoàn thành các dự án đầu tư để xử lý 13/23 điểm ngập nước đã xử lý tạm trước đây. Đề xuất lắp đặt 35 camera nhằm ghi nhận thông tin mưa gây ngập, mức độ ngập... để đưa ra phương án ứng phó hiệu quả. Sở Giao thông - Vận tải sẽ cập nhật thông tin ở 40 điểm ngập thường xuyên, sau đó đưa lên website của Sở cho người dân biết để có lộ trình lưu thông phù hợp.
Ngoài ra, thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước để xóa, giảm 9 điểm ngập do triều cường. Nhanh chóng hoàn tất việc duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước trước mùa mưa, giải tỏa các công trình lấn chiếm kênh, rạch, cửa xả. Tập trung hoàn thành các công trình nhằm giải quyết các điểm ngập nước trên các tuyến đường: Hậu Giang, Hồng Bàng, Gò Dưa, An Dương Vương... Hoàn thành 87 công trình nạo vét sông, kênh, rạch trên địa bàn các quận: 7, 8, 11, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, Thủ Đức, các huyện: Cần Giờ, Bình Chánh...
Thông tin với báo chí, ngày 16-5, ông Trần Quang Lâm - Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải - cho biết năm 2017, mục tiêu của Sở sẽ xóa 12/40 điểm ngập, riêng tháng 6-2017 sẽ xóa 8/40 điểm ngập thường xuyên. Ưu tiên xóa một số điểm ngập có lưu lượng giao thông cao như: QL1A, QL13 (Q.Thủ Đức), đường Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân), Huỳnh Tấn Phát (Q7). Riêng dự án chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư, sẽ thực hiện trong vòng 10 tháng.
Bà Phan Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quan hệ cộng đồng Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM - cho biết, ngày 16-5-2017, công ty đã ra mắt ứng dụng “truyền tải thông tin ngập cho TPHCM” (gọi tắt là UDI Maps). Ứng dụng này cung cấp thông tin chi tiết, chính xác về tình hình mưa, triều cường, các điểm ngập trên địa bàn thành phố, hỗ trợ người dùng tránh các vị trí ngập, tìm các tuyến đường khác thay thế.
Ông Nguyễn Xuân Hùng (đường Tô Ngọc Vân, Q.Thủ Đức): Khu vực này có địa hình thấp, hệ thống ống cống, mương thoát nước bị tắc nghẽn do rác thải, nước không thoát được nên mưa lớn một chút chẳng mấy chốc khu vực này bị nước nhấn chìm. Nước ứ đọng cộng với chất thải, rác rưởi, xác động vật chết bốc mùi hôi thối, hễ lội nước một lúc là chân tay ngứa ngáy, rất khó chịu. Do bị ngập hoài nên thường xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài hàng mấy tiếng đồng hồ liền. Chị Trần Thị Nguyên (đường An Dương Vương, giáp ranh P.An Lạc, Q.Bình Tân và P16Q8): Nhiều năm nay, khu vực tôi ở thường xuyên bị ngập úng. Mưa lớn hay nhỏ cũng đều ngập. Nhiều người đi qua đây bị té hoài, nhất là học sinh và phụ nữ chở con nhỏ. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị đến cơ quan chức năng, Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP đã triển khai dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên tuyến đường này, nhưng tiến độ thi công còn chậm nên khả năng thoát nước không mấy hiệu quả. Ông Lê Văn Thanh (đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh): Mưa lớn biến khu vực này thành cái hồ. Gia đình tôi phải hì hục đắp bờ ngăn nước tràn vào nhà. Mưa làm cho các miệng hố ga, ống cống trở thành những cái bẫy ngầm rất nguy hiểm. Mỗi lần muốn đi đâu, tôi phải dùng gậy dò đường mới dám đi. Không ít phương tiện giao thông đã sập những cái bẫy chết người này. |