Gần lắm, Trường Sa

Chủ Nhật, 21/05/2017 17:04

|

Ngày 16-5-2017, đoàn công tác gồm Ban Tuyên giáo Trung ương, Kho bạc Nhà nước và một số ban ngành địa phương đã hoàn thành chuyến thăm một số đảo tại Trường Sa thân yêu.

Có thể nói, một trong những điều khiến Trường Sa trở nên gần gũi, gắn bó với đất liền, với ngư dân chính là những trạm dịch vụ hậu cần, y tế trên các đảo. Nằm cách xa đất liền hàng trăm ki-lô-mét, ngư dân đánh cá ở vùng biển Trường Sa luôn coi các đảo có chủ quyền của ta như những điểm tựa vững chắc cả về vật chất lẫn tinh thần. Mỗi khi tàu thuyền gặp bão tố, hết lương thực, nước ngọt, xăng dầu, máy móc hỏng hóc, bị bệnh tật..., các ngư dân tìm đến những đảo gần nhất để nhờ bộ đội hải quân và chính quyền trên đảo trợ giúp.

Hiện nay tại các đảo lớn của Trường Sa đều có Trạm dịch vụ kỹ thuật, hậu cần sẵn sàng giúp đỡ ngư dân. Thiếu úy Trần Thông Thái, Phó chỉ huy trưởng Trung tâm dịch vụ KT-HC đảo Sinh Tồn cho biết, chỉ tính từ đầu năm 2017 tới nay đã có trên 40 lượt tàu, thuyền của ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam... ghé trung tâm để nhận sự hỗ trợ. Trung tâm đã cung cấp trên 100 khối nước ngọt miễn phí, sửa chữa miễn phí trên 30 trường hợp hỏng hóc, cung cấp 50 khối xăng dầu với giá như trong đất liền. “Mỗi lần ghé đảo, bà con ngư dân thường tặng những mẻ cá tươi ngon nhất cho bộ đội, để bày tỏ tình quân dân thắm thiết” - thiếu úy Thái vui vẻ nói.

Các trạm quân y trên đảo cũng là những địa chỉ khiến bà con đi biển dài ngày an tâm về sức khỏe. Theo thiếu tá Phạm Tuấn Vũ, Trưởng trạm quân y đảo Trường Sa đông, từ năm 2016 đến nay, trạm đã cấp cứu, khám chữa bệnh miễn phí cho 79 ngư dân, trong đó có 4 trường hợp phải mổ ruột thừa khẩn cấp. “Ngư dân đi biển thời gian dài nhưng ít ăn rau, dư thừa chất đạm, lại thường thao tác mạnh, nên rất dễ dẫn đến những chứng bệnh đường ruột, đặc biệt là viêm ruột thừa. Trong trường hợp này, chúng tôi phải xử trí nhanh, không thể chờ đất liền. Rất mừng là sau điều trị bà con đều khỏe mạnh, tiếp tục ra khơi bám biển”, thiếu tá Vũ cười tươi cho biết.

Không chỉ cây xanh, chính những hộ dân trên các đảo lớn đã góp phần khiến cho Trường Sa trở nên gần gũi, thân thương hơn, trong tình cảm của người lính xa nhà. Hiện một số đảo đã hỗ trợ xây nhà khang trang cho các hộ dân sinh sống tại đây. Các ông chồng thường là ngư dân, vợ ở nhà nội trợ, trồng rau, nuôi gia cầm và chăm sóc con cái. Trên đảo có nhà trẻ, trường học miễn phí cho các con em, với thầy cô từ đất liền ra công tác.

Chị Trần Thị Tiệm, 32 tuổi, quê Bình Định - một trong bảy hộ dân của đảo Sinh Tồn - tâm sự: “Gia đình tôi có bốn người, ra đảo đã 4 năm nay. Ông xã hàng ngày đi đánh cá, tôi ở nhà nấu nướng, lo cho hai đứa đi học. Thằng lớn học lớp 4, đứa nhỏ lớp mẫu giáo. Ở ngoài này mọi thứ đều được đảo hỗ trợ, từ lương thực, thuốc men, học hành... Ti vi ở đây xem cũng rõ như đất liền, còn điện thoại thì dùng sóng Viettel”.

Dẫn khách ra phía sau nhà, chị Tiệm chỉ cho chúng tôi xem giàn khổ qua đầy trái và đàn vịt xiêm đang tuổi lớn, rồi xin phép lên hội trường để nhận quà từ các đoàn ra thăm đảo. “Đoàn nào ra đây cũng có quà tặng cho các hộ dân, vui lắm!”, chị Tiệm nói.

Thật xúc động khi đến thăm các ngôi chùa trên một số đảo ở Trường Sa. Giữa muôn trùng sóng gió, bỗng hiện lên những mái chùa trầm mặc, yên bình với mùi khói nhang quyện với hương thơm từ hàng hoa sứ. Thấy như đâu đây thấp thoáng một góc phố, một làng quê Việt Nam hiền hòa, thân thuộc từ ngàn đời.

Đại đức Thích Nguyên Hoàng, quê Quảng Nam, trụ trì chùa Sơn Linh trên đảo Sơn Ca, tâm sự: “Theo phân công của Giáo hội Phật giáo tỉnh, thầy trụ trì ở đây hai năm sẽ có người khác ra thay. Nhưng đến thời hạn rồi lại thấy gắn bó với chùa, với quân dân trên đảo nên thầy phát tâm tình nguyện ở lại 5 năm. Thầy luôn cầu cho mưa thuận gió hòa, lòng người an lạc, khỏe mạnh, đất nước thanh bình”.

Tuy vẫn còn không ít khó khăn, nhưng với sự quan tâm đặc biệt của đất liền, đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên các đảo Trường Sa đã được nâng cao gấp bội phần so với trước đây. Cảm giác bình yên, ấm áp, tin tưởng luôn hiện diện trên từng gương mặt, nụ cười, từng hàng cây, mái nhà, ngôi chùa trên đảo. Trường Sa vì thế luôn thân thương, gần gũi trong trái tim mỗi người con đất Việt, dù ở xa hay có dịp tới thăm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang