Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương:

Cụ ông khóc ròng vì... cái cống thoát nước

Thứ Bảy, 20/05/2017 11:24

|

(CAO) Ở cái tuổi “đèn treo trước gió”, cụ Nguyễn Văn Bê (SN 1934, ngụ khu phố Ngãi Thắng, P. Bình Thắng, TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương) phải kêu trời khị bị tòa buộc “bứng” cái cống thoát nước đã tồn tại hơn 40 năm qua.

Lặn lội khắp nơi kêu cứu, cụ Bê khẩn thiết đề nghị Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại TP.HCM xem xét lại vụ án, để tránh oan sai. Trưng bằng chứng, cụ Bê trình bày, vào năm 1974, vợ cụ Bê hùn tiền với cụ Nguyễn Thị Xê (em cụ Bê) mua 15.200m2 đất ao tọa lạc phường Bình Thắng để nuôi cá giống và chăn nuôi heo.

Cụ Bê được tặng nhiều bằng khen, giấy khen về thành tích cá giống

Để phục vụ cho việc chăn nuôi, hai bên dành phần đất 144 m2 (ngang 8m, dài 19m) làm mương thoát nước chung thông với rạch Bà Khâm. Năm 1976, hai gia đình tự thỏa thuận chia đôi phần đất đã mua, mỗi bên 7.600m2. Trên phần đất chia cho cụ Xê có đường mương thoát nước chung và hai cống ngầm thoát nước cho hai ao cá.

Năm 1986, cụ Xê chuyển sang làm gạch ngói gia đình cụ Bê tiếp tục nuôi cá, sử dụng phần mương và cống thoát nước. Đến Năm 2000, cụ Xê tặng cho con là ông Nguyễn Thành Minh 322m2 để cất nhà. Ông Minh được UBND huyện Thuận An (cũ) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) bao gồm cả diện tích đường thoát nước. Sau khi ông Minh qua đời, con là Nguyễn Thành Nghĩa (SN 1986) thừa kế phấn đất trên.

Do phía gia đình cụ Xê đổ gạch ngói thu hẹp mương nước, làm ảnh hưởng dòng chảy dẫn đến tranh chấp. Cụ Bê khởi kiện với hai yêu cầu: Giữ nguyên hiện trạng đồng thời điều chỉnh sổ đỏ đã cấp cho ông Minh thể hiện mương thoát nước là phần sử dụng chung của hai gia đình. Bị đơn phản tố, yêu cầu cụ Bê di dời đường thoát nước, trả lại diện tích đất đã được cấp chủ quyền.

Tranh chấp đất, vợ chồng con trai đánh bố chấn thương sọ não
 

Bản án sơ thẩm ngày 24-8-2016 của TAND TX Dĩ An chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Bê, tuyên: Giữ nguyên hiện trạng đường cấp thoát nước và đường cống ngầm; kiến nghị UBND thị xã Dĩ An thu hồi sổ đỏ cấp ngày 19-5-2000 cho ông Minh để điều chỉnh cho phù hợp với nội dung bản án; nguyên đơn đền bù cho bị đơn số tiền 60,85 triệu đồng. Tòa không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Nghĩa.

Án sơ thẩm nhận định: Mương và cống thoát nước được mở từ khi hai gia đình cụ Bê, cụ Xê hợp tác nuôi heo, cá chung. Năm 2000, UBND huyện Thuận An (nay là TX Dĩ An ) cấp sổ đỏ cho ông Minh nhưng không xem xét, cấp cả phần diện tích mương nước và đường cống là sai sót vì gia đình cụ Bê liên tục sử dụng đường thoát nước phục vụ việc chăn nuôi đã hơn 40 năm.

Theo tòa, có căn cứ xác định đường cấp thoát nước hiện hữu là tài sản sử dụng chung của gia đình cụ Bê và cụ Xê. Yêu cầu của nguyên đơn được quyền sử dụng đường thoát nước chung là có căn cứ.

Ông Nghĩa kháng cáo, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 28-3-2017, TAND tỉnh Bình Dương với Hội đồng xét xử (HĐXX) gồm ba thẩm phán Ngô Thị Bích Diệp (chủ tọa), Tương Văn Lộc và Nguyễn Văn Tài, tuyên: Chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, sửa án sơ thẩm, buộc cụ Bê phải di dời cống ngầm nằm tại phần đất diện tích 55,32 m2 để gia đình bị đơn sử dụng.

Khẳng định đường mương nước tranh chấp đã có từ lâu như hai bên thừa nhận như bản án sơ thẩm đã nêu, nhưng HĐXX phúc thẩm lại lập luận theo hướng khác: Phần đất của nguyên đơn có nhiều diện tích và ao nuôi cá nằm gần rạch Bà Khâm nên thuận tiện cho cho việc đào mương nước khác để thải nước của ao cá ra con rạch này. Nếu để mương nước cũ sẽ hạn chế quyền sử dụng đất cũng như ảnh hưởng cuộc sống hàng ngày của phía bị đơn...

Cụ Bê tại cống cấp thoát nước tồn tại hơn 40 năm qua

Hiện TAND cấp cao tại TPHCM đã tiếp nhận đơn kèm theo hồ sơ của cụ Bê đề nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Dương. Trao đổi với phóng viên Báo CATP chiều 19-5-2017, cụ Bê bức xúc: Cả hai cấp tòa đểu khẳng định cống thoát nước chung đã tồn tại trên 40 năm nhưng lại tuyên hai bản án trái ngược nhau. Rõ ràng, đường thoát nước sử dụng của hai nhà nhưng UBND huyện Thuận An (cũ) cấp sổ đỏ cả phần diện tích này là không đúng quy định pháp luật.

Chủ trại cá bày tỏ sự lo lắng khi nhận được quyết định thi án bán của Chi cục thi hành án TX Dĩ An: “Hơn 40 năm trước, khi tiến hành làm mương cấp thoát nước cho ao cá, tôi đã nghiên cứu rất kỹ, đặt đúng vị trí, độ cao để không ảnh hưởng đến ao cá giống. Nay tòa buộc di dời, tôi không biết sẽ “bứng” đi như thế nào, rồi đặt ở đâu cho phù hợp để ao cá giống an toàn, chất lượng nước được bảo đảm. Ở cái tuổi ngoài bát thập, tôi chỉ còn biết cầu mong tòa án cấp cao “đèn trời” soi xét, trả lại công bằng cho gia đình tôi”.

Qua Báo CATP, cụ Bê đề nghị Chủ tịch UBND TX Dĩ An chỉ đạo thanh tra việc cấp sổ đó cho ông Minh, nếu sai phạm thì phải thu hồi cấp lại theo quy đinh, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.

Nghiên cứu hồ sơ, một cựu cán bộ lãnh đạo, nguyên thấm phán TAND tối cao nêu ý kiến: Tòa cấp sơ thẩm nhận định đường cấp thoát nước hiện hữu là tài sản sử dụng chung của gia đình cụ Bê và cụ Xê là có căn cứ.

Tòa cấp phúc thẩm cho rằng tòa sơ thẩm vận dụng điều 277 Bộ luật dân sự (BLDS) “Quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề” là không chính xác nhưng lại không nêu điều luật cụ thể nào của BLDS để làm căn cứ xét xử.

Trong khi đó, tòa cấp phúc thẩm lại căn cứ khoản 2 điều 148, khoản 2 điều 308, điều 309 và điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự, các điều luật này là luật thủ tục, không phải là điều luật về nội dung để làm căn cứ phán quyết. Có căn cứ để giám đốc thẩm bản án.

Bình luận (0)

Lên đầu trang