Nhiều cơ chế đặc biệt
Ngày 16/6/2022, Quốc hội bấm nút thông qua chủ trương đầu tư xây dựng (XD) đường VĐ3. Toàn tuyến dài 76,34km đi qua TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An; trong đó, đoạn qua TPHCM dài 47,51km, qua Đồng Nai 11,26km, qua Bình Dương 10,76km và Long An 6,81km.
Tổng mức đầu tư của DA là 75.378 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 được phân bổ 61.056 tỷ đồng từ vốn ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP); giai đoạn 2026 - 2030 là 14.322 tỷ đồng, trong đó NSTW 7.361 tỷ đồng, NSĐP 6.961 tỷ đồng. Các tỉnh, thành sẽ đóng góp khoảng 50% tổng mức đầu tư DA đi qua địa phương mình, riêng tỉnh Long An 25%. TPHCM và Bình Dương tham gia vốn NSĐP lớn nhất, TPHCM là 24.000 tỷ đồng, Bình Dương 9.600 tỷ đồng, Đồng Nai khoảng 2.000 tỷ đồng, Long An khoảng 1.000 tỷ đồng.
Tuyến đường có 8 DA thành phần, gồm: thẩm định, quyết định (QĐ) phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt DA đầu tư, điều chỉnh quy hoạch (QH) cục bộ các QH liên quan; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu... Các DA thành phần của VĐ3 phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường và được tổ chức lập, thẩm định, QĐ phê duyệt đầu tư độc lập. Do phần lớn chiều dài của tuyến VĐ3 đi qua TPHCM nên địa phương này sẽ là cơ quan đầu mối điều hành tổng thể quá trình triển khai thực hiện DA.
Đường Nguyễn Duy Trinh nơi tuyến Vành đai 3 đi qua
Để đẩy nhanh việc đầu tư, triển khai DA, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết (NQ)105 với hàng loạt cơ chế đặc biệt chưa từng có; trong đó cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói di dời hạ tầng kỹ thuật, gói BT, hỗ trợ TĐC. Để rút ngắn thời gian thực hiện, DA được triển khai đồng thời các công việc như: báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt DA đầu tư, điều chỉnh cục bộ các QH liên quan, lựa chọn nhà thầu...
Về khâu vật liệu, NQ105 đề xuất nhiều cơ chế đặc thù cho tuyến VĐ3. Đối với các mỏ khoáng sản (KS) chưa được cấp phép, nhà thầu phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, khối lượng, thiết bị, công suất... tại UBND cấp tỉnh/thành phố có mỏ KS đó trước khi khai thác. Nhà thầu phải báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoàn thành nộp tiền quyền khai thác, thuế, lệ phí... Sau khi khai thác đủ khối lượng, nhà thầu phải có trách nhiệm bàn giao mỏ KS cho địa phương, cải tạo, phục hồi môi trường, đất đai... Đối với các mỏ KS đã và đang được cấp phép khai thác, địa phương được nâng công suất khai thác lên không vượt quá 50% công suất trong giấy phép, không cần lập DA đầu tư điều chỉnh...
Một điểm đặc biệt khác của dự án đường VĐ3 là cơ chế chuyên gia, qua đó cho phép TPHCM lập Hội đồng cố vấn DA gồm các chuyên gia có kinh nghiệm trong các lĩnh vực kỹ thuật, vật liệu XD, công nghệ, đấu thầu, tổ chức điều hành DA. Các chuyên gia được tham vấn cho DA ngay từ những ngày đầu chuẩn bị triển khai.
Ngay sau NQ105 của Chính phủ, TPHCM đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành XD khung tiêu chuẩn để lấy ý kiến các bộ ngành đồng thời đẩy mạnh công tác khảo sát, cắm mốc xác định ranh giới, GPMB, BT hỗ trợ TĐC... phấn đấu để DA được khởi công trước ngày 30/6/2023, hoàn thành giữa năm 2026.
Đánh giá về việc triển khai thực hiện DA đường VĐ3, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng QH - nhấn mạnh: Đây là tuyến đường lần đầu tiên 1 DA liên kết vùng do các địa phương tự điều phối mà không cần cơ quan Trung ương. Dự án thành công sẽ mở ra tư duy mới về thể chế liên kết vùng.
Đường Vành đai 3 kết nối với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành
Ông Bùi Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND TPHCM - nhận xét, đây là công trình kiểu mẫu về sự kết hợp giữa chính quyền địa phương, người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học, sự quản lý điều hành, ứng dụng công nghệ thông tin, BT, GPMB và TĐC cho người dân. Dự án không chỉ giúp mở rộng không gian phát triển đô thị cho TPHCM, mà còn giúp chúng ta có nhiều bài học quý giá để tiếp tục triển khai các DA khác.
Đột phá trong bồi thường, giải phóng mặt bằng
Theo thống kê, TPHCM có 1.738 trường hợp bị thu hồi đất khi làm DA đường VĐ3, tổng diện tích đất thu hồi 410ha; trong đó, TP.Thủ Đức 595 trường hợp, huyện Củ Chi 418 trường hợp, huyện Hóc Môn 332 trường hợp và huyện Bình Chánh 393 trường hợp. Dự kiến có 395 trường hợp đủ điều kiện bố trí TĐC dự án VĐ3.
Để làm căn cứ cho các địa phương tính toán BT, hỗ trợ TĐC, đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, tìm việc làm cho người dân, ngày 25/4 Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đã ký 4 QĐ phê duyệt điều chỉnh hệ số giá đất đối với DA đường VĐ3. Giá BT qua phê duyệt được cho là cao hơn nhiều so với các DA trước đây. Hiện các địa phương đang gấp rút chi trả tiền BT cho các hộ dân; nhiều địa phương bố trí cán bộ làm thêm cả thứ bảy, chủ nhật và ngoài giờ để chi trả cho người dân nhanh nhất.
Tại huyện Bình Chánh, giá đất cao nhất nằm 2 bên tuyến Trần Văn Giàu với mức khoảng 42,7 triệu đồng/m2; phía bên trong giáp với vị trí 1 của đường Trần Văn Giàu, mức BT hơn 34 triệu đồng/m2. Từ ngày 09/5, huyện Bình Chánh bắt đầu chi trả BT dự án đường VĐ3 giai đoạn 1 cho người dân.
Ở huyện Củ Chi, mức BT cao nhất nằm 2 bên đường Hà Duy Phiên với giá hơn 19,5 triệu đồng/m2, vị trí số 2 trên tuyến này có mức BT hơn 13,6 triệu đồng/m2. Hai bên Tỉnh lộ 15, vị trí 1, mức BT hơn 19 triệu đồng/m2; vị trí 2 trên tuyến này mức BT hơn 13,4 triệu đồng/m2. Huyện Củ Chi liên kết với ngân hàng hỗ trợ mở tài khoản và chuyển tiền đền bù trực tiếp vào đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để người dân sớm đồng thuận giao đất thực hiện DA.
Huyện Hóc Môn cũng đã niêm yết, gửi dự thảo giá BT đến người dân. Đa số bà con đồng tình, song cũng còn một số trường hợp mong muốn nâng giá BT sát với thị trường. Giá BT cao nhất nằm 2 bên tuyến Nguyễn Văn Bứa (đoạn từ Phan Văn Hớn đến giáp tỉnh Long An), vị trí 1 có giá BT khoảng 35,6 triệu đồng/m2, vị trí 3 giá BT 19,3 triệu đồng/m2. Trên Quốc lộ (QL) 22, vị trí 1, giá BT 33,1 triệu đồng/m2; đường Đỗ Văn Dậy, giá BT là 10,06 triệu đồng/m2. Từ ngày 06/5, huyện Hóc Môn tiến hành chi trả tiền BT cho 42 hộ dân bị ảnh hưởng DA đường VĐ3 với khoảng 166 tỷ đồng.
Từ ngày 22 đến 24/3, TP.Thủ Đức đã niêm yết dự thảo BT dự án đường VĐ3. Về cơ bản, người dân thống nhất với phương án BT đã đưa ra. Có một số hộ đề nghị nâng mức giá BT và nâng giá BT vật kiến trúc. Theo đó, giá BT trên tuyến Nguyễn Duy Trinh cho vị trí 1 lên tới 73,3 triệu đồng/m2, vị trí 2 là 51,17 triệu đồng/m2; đường Nguyễn Xiển, vị trí 1, giá BT 69,9 triệu đồng/m2, vị trí 2 là 52,5 triệu đồng/m2, vị trí 4 là 33,3 triệu đồng/m2. Từ ngày 08/5, TP.Thủ Đức bắt đầu chi trả tiền BT cho các hộ dân, địa phương này phấn đấu bàn giao 70% mặt bằng giai đoạn 1 cho chủ đầu tư triển khai thi công DA.
Về công tác TĐC, huyện Bình Chánh có 128 trường hợp. Khu TĐC của DA đường VĐ3 tại Cụm công nghiệp An Hạ (xã Phạm Văn Hai) đang dần hình thành. UBND huyện Bình Chánh kiến nghị cơ quan chức năng sớm đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền trên đất cho người dân được bố trí TĐC.
Để tiến hành TĐC cho bà con trong DA đường VĐ3, UBND huyện Hóc Môn đã chuẩn bị khu đất hơn 9.165,4m2 tại xã Xuân Thới Đông, cách QL22 khoảng 250m, có 2 mặt tiền giáp với đường Võ Thị Hồi và Xuân Thới 21, khu vực này có mật độ đô thị hóa cao, gần chợ đầu mối, giao thông thuận lợi, giao thương phát triển, được nhiều người dân đồng tình. Huyện Củ Chi có địa điểm TĐC tại xã Tân Thạnh Tây với diện tích 13.593,5m2.
TP.Thủ Đức có 239 trường hợp đủ điều kiện bố trí TĐC. Địa phương này đã chuẩn bị 239 nền đất tại Khu TĐC Long Bình - Long Thạnh Mỹ (khu Long Bửu, giai đoạn 2) có diện tích 12.000m2 và 150 căn hộ chung cư C8 Man Thiện (P.Tăng Nhơn Phú A) để bố trí TĐC cho bà con. Ngoài ra, TP.Thủ Đức còn tặng bản vẽ xin phép XD nhà mới và cải tạo nhà cũ, hỗ trợ tháo dỡ, di chuyển đồ đạc đến nơi ở mới giúp người dân ổn định cuộc sống.
Cùng với sự nỗ lực của cơ quan chức năng, đa số người dân đồng tình ủng hộ, thậm chí hy sinh một số quyền lợi để DA sớm được triển khai.